Quốc Tử Giám và những Nho sĩ đầu tiên

Nguyễn Ngọc Tiến| 13/06/2020 07:33

(HNMCT) - Thời Lý, kinh thành Thăng Long được chia làm 61 phường. Chữ “phường” nguyên nghĩa là “ô đất vuông”. 61 ô đất vuông tập hợp các hộ gia đình sản xuất thủ công, buôn bán thành một đơn vị hành chính tương đương với một xã ở nông thôn.

Các phường này được giới hạn với nhau bằng những con đường. Cách đây 1.000 năm, các vùng đất Nghi Tàm, Thụy Khuê, Bưởi, Liễu Giai, Vạn Bảo, Vạn Phúc, Đội Cấn... đều thuộc kinh thành Thăng Long. 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Để quản lý kinh đô và quốc gia Đại Cồ Việt, năm 1042, triều đình nhà Lý đã ban hành cuốn Hình thư, được cho là bộ luật hình sự đầu tiên của Việt Nam. Hình thư đưa ra 10 trọng tội phải chịu hình phạt nặng nề, trong đó có các tội: Làm loạn, làm phản, giết quan chức trong triều hay tướng lĩnh, vào cung không xin phép. Chín năm sau khi Hình thư ra đời, một chiếc chuông lớn được đặt tại bãi đất trống trong thành để mọi người có thể đến đó khiếu kiện. Theo quy định, người kiện sẽ đi cùng với kẻ bị kiện để quan phán xử.

Bên cạnh đó, cũng có luật chỉ nhằm duy trì trật tự, để kinh đô và quốc gia Đại Cồ Việt phát triển, thịnh vượng, đồng thời bảo vệ được lãnh thổ.

Thời kỳ này, Đại Việt có Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo cùng đồng hành, nhưng Phật giáo trở thành quốc đạo. Mọi hoạt động triều chính đều có các trí thức Phật giáo làm quân sư nhưng Phật giáo và Đạo giáo lại không phải là đạo trị nước. Trong khi đó, Nho giáo là một học thuyết chính trị - đạo đức, chủ trương quyền hành phải thống nhất, tập trung vào vua để bảo vệ sự chính thống nhưng thực tế là bảo vệ các vương triều với quyền lợi của dòng họ thống trị. Về đạo đức, Nho giáo đưa ra những chuẩn mực cho hành vi ứng xử của con người, trong đó có các mối quan hệ: Vua - tôi, cha - con, chồng - vợ đối với việc tu thân... Những chuẩn mực này giúp củng cố các triều đại, thống nhất đất nước và ổn định trật tự xã hội. Điều này là vô cùng khó đối với Phật giáo và Đạo giáo.

Năm 1070, triều đình nhà Lý cho xây một công trình thờ Chu Công và Khổng Tử, lấy tên là Văn Tuyên Vương Miếu (gọi tắt là Văn Miếu). Văn Miếu có nhà, sân, vườn, hồ được bố trí hài hòa, trang nhã. Việc lập Văn Miếu và mở Quốc Tử Giám có hai mục đích, thứ nhất, nhằm khẳng định chủ quyền của Đại Việt, bởi cũng giống như các khoa thi, đó là những công trình mà nền quân chủ độc lập không thể không có; thứ hai là tìm người tài, giúp vua trị nước.

Năm 1075, phía sau Văn Miếu diễn ra khóa thi đầu tiên là “Minh kinh bác học” nhằm tìm người giỏi dạy học cho con vua quan và giới quý tộc ở Thăng Long. Năm 1076, triều đình tổ chức khóa thi “Nho học tam trường”, mở đầu cho lịch sử thi cử Nho giáo kéo dài đến năm 1918 ở nước ta. Năm 1076, nhà Lý đã cho lập trường học ở trung tâm của Thăng Long để dạy dỗ con em quý tộc họ Lý, có tên Quốc Tử Giám. Các thầy dạy học trò chủ yếu là kiến thức Nho giáo. Cũng từ đây, giáo dục đại học nước ta được khai sinh. Một trong những thầy được tín nhiệm dạy thái tử là Lê Văn Thịnh, người đỗ đầu kỳ thi “Minh kinh bác học”. Sau này, ông được phong Thái sư nhưng bị nghi lập mưu giết Lý Nhân Tông khi vua đang du ngoạn trên hồ Tây, sau đó, vì có công với nhà Lý nên Lê Văn Thịnh chỉ bị đi đày.

Sau lần thứ nhất, nhà Lý còn tổ chức nhiều khóa thi, vào các năm 1076, 1086, 1152, 1165, 1185, 1193... Rất tiếc, với một số khóa thi, sử sách không chép ai là người đỗ đầu. Bên cạnh các khoa thi nổi tiếng khó này còn có khoa thi nhỏ hơn nhằm tuyển chọn các quan chức cấp dưới.

Để tham gia kỳ thi lớn, thí sinh phải có kiến thức vững vàng về văn học cũng như hiểu biết chung, biết viết văn, làm thơ, đồng thời phải hiểu biết sâu sắc về Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Trong kỳ thi đầu tiên, các thí sinh phải thi 3 môn: Văn, Toán và Luật. Những kỳ thi này cho phép triều đình chọn ra những người tài giỏi nhất để phục vụ Đại Việt. Tuy nhiên, tình trạng bổ nhiệm vì được vua sủng ái hay do tiến cử vẫn còn phổ biến. Hơn nữa, Nho giáo thời kỳ này cũng chỉ phát triển dè dặt bởi Phật giáo vẫn chiếm ưu thế. Chế độ khoa cử - cái nôi sinh ra công chức Nho giáo tuy còn manh nha trong thế kỷ XI nhưng sau này trở thành cánh tay đắc lực của nhà nước tại các địa phương.

Đến thời Trần, do công cuộc xây dựng và chống giặc ngoại xâm cần tuyển lựa nhiều hiền tài để bổ dụng cho bộ máy nên giáo dục Nho học được đẩy mạnh, số người tiến thân bằng con đường khoa cử ngày càng nhiều hơn, giới Nho sĩ đông đảo hơn.

Nho giáo có vai trò lớn hơn trong trị nước, thậm chí đến thời Lê còn được gọi là quân chủ Nho giáo, nên Văn Miếu - Quốc Tử Giám được mở mang, xây cất thêm, xứng đáng là trường đại học lớn của Việt Nam trong chế độ phong kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc Tử Giám và những Nho sĩ đầu tiên