Đại La thành - tiền thân của kinh thành Thăng Long

Nguyễn Ngọc Tiến| 04/06/2020 17:43

(HNMCT) - Hướng tới kỷ niệm 1010 năm ngày đức vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, từ đó kiến tạo nên “nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”, bắt đầu từ số báo này, Hànộimới Cuối tuần mở chuyên mục “1010 năm Thăng Long - Hà Nội” nhằm cung cấp những tư liệu lịch sử về quá trình hình thành, phát triển của kinh thành Thăng Long xưa - Thủ đô Hà Nội nay, hy vọng qua đó góp phần giúp độc giả thêm hiểu, thêm yêu Hà Nội - thành phố ngàn năm văn hiến.

Kinh thành Thăng Long xưa. Ảnh: Tư liệu

Năm 607, Tống Bình (nội thành Hà Nội ngày nay) đã thay thế Long Biên trở thành trị sở châu Giao Chỉ (Giao Châu). Năm 621, Thái thú Khâu Hòa đã chỉ huy xây thành. Năm 679, Tống Bình trở thành thủ phủ của 12 châu và 59 huyện thuộc An Nam Đô hộ phủ do nhà Đường lập ra. Năm 767, Thái thú Trương Bá Nghi đắp tường thành ở phía bắc sông Tô Lịch, gọi là La thành (thành bên ngoài). Chữ “La” khiến người ta liên tưởng đến những vật có hình vòng cung. Nhưng bức tường này không chống nổi cuộc tấn công của Phùng Hưng - người đã lật đổ chính quyền đô hộ của người phương Bắc và trị vì trong 7 năm sau đó. Sau khi mất, ông được đời sau suy tôn là Bố Cái Đại Vương.

Mặc dù cơ nghiệp nhà họ Phùng không dài, nhưng cuộc tấn công vào Tống Bình của Phùng Hưng cho thấy điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của thành. Vì thế, năm 791, Thái thú Triệu Xương cho củng cố lại La thành. Kế nghiệp Triệu Xương, năm 806 Trương Chu cho xây một tường mới lấy tên là “An Nam La thành”, cao gần 7m, dài 6km, có 3 cổng, trên đặt trạm gác, trước cổng phía đông và phía tây có tam quan. Trong thành có 10 trại lính, từ đây nó đã có dáng vẻ của một kinh thành. Để bảo vệ Đô hộ phủ, Trương Chu cho xây thêm một bức tường thành mới ở phía Nam sông Tô Lịch. Tuy nhiên, đến năm 824, Lý Nguyên Gia cho dời phủ trị sang bên sông Tô Lịch với lý do thành ở vị trí “nghịch thủy”, nhưng một năm sau lại trở về vị trí cũ.

Năm 863, quân Nam Chiếu bao vây trị sở của Giao Chỉ. Sau khi Tống Bình thất thủ, triều đình phương Bắc đã cử quan Thái thú mới là Cao Biền - một nhà quân sự đồng thời là thầy phong thủy tài ba. Được phong làm Đô đốc Tổng quản kinh lược, năm 864, Cao Biền tiến quân vào Giao Chỉ.

Sau khi buộc kẻ thù phải rút lui, Cao Biền cho xây dựng lại kinh thành đã bị chiến tranh phá hủy. Trước hết, ông ta cho xây dựng một bức tường thành cao 9m, rộng 8m, chân thành được xây bằng đá, có 55 trạm gác với 6 cổng nhỏ hình mái vòm và 6 cổng lớn. Bên ngoài tường thành có một lũy đất thấp với chu vi khoảng 6.000m. Chính vì thành mới rộng hơn trước nên có tên là Đại La thành. Với hai lớp tường thành bảo vệ, Đại La thành trải rộng trên 300ha. Theo tài liệu cũ ghi lại, dân cư nội, ngoại thành lúc ấy vào khoảng 15 vạn, với khoảng 4.200 quan lại, thêm vào đó là khoảng 4.000 - 5.000 (có lúc lên tới 1 vạn) quân đồn trú. 

Vì vùng đất này khá bằng phẳng nên Cao Biền cho đắp 12 quả núi đất. Trước đây, có sách chép núi Nùng là trung tâm của thành Đại La nhưng kết quả khảo cổ ở 18 Hoàng Diệu cho thấy khu vực này mới là trung tâm của Đại La thành. Trước kia, một số nhà nghiên cứu căn cứ vào các đoạn tường thành có tên là “La Thành” ở đường Hoàng Hoa Thám và từ Bưởi kéo đến Cầu Giấy đã cho rằng đây chính là tường của thành Đại La xưa, nhưng kết quả khảo cổ học cho thấy các đường đê này có dấu tích từ thế kỷ XII và cả đời Hậu Lê. 

Nhà Đường suy yếu, dẫn đến quyền lực vào tay nhà Hậu Lương. Nhân cơ hội nhà Hậu Lương nới lỏng kiểm soát An Nam, năm 906 Khúc Thừa Dụ xưng là Tiết độ sứ, nắm quyền cai trị được 1 năm thì mất, con trai là Khúc Hạo kế nghiệp. Khúc Hạo có nhiều cải cách quan trọng với đường lối "chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị, nhân dân đều được yên vui". Ông cho sửa lại chế độ điền tô, thuế má lực dịch nặng nề của thời thuộc Đường. Ông đối phó với triều đình phương Bắc bằng chủ trương ngoại giao mềm dẻo, “thần phục giả vờ, độc lập thực sự”. Sau khi Khúc Hạo mất, con trai ông là Khúc Thừa Mỹ nối nghiệp cha. Năm 923 (có sách ghi là năm 930), vua Nam Hán sai Lý Khắc Chính mang quân sang đánh thành Đại La, Khúc Thừa Mỹ bị bắt. 

Năm 931, hào trưởng người Ái Châu là Dương Đình Nghệ (có sách chép là Dương Diễn Nghệ hoặc Dương Diên Nghệ) dấy binh rồi mang quân tiến về giải phóng thành Đại La, tự xưng là Tiết độ sứ. Năm 937 Dương Đình Nghệ bị nha tướng là Kiều Công Tiễn giết. Năm 938 con rể Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền kéo quân từ Ái Châu ra đánh thành Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn. Vua Nam Hán cử Hoằng Thao mang quân sang đánh Giao Châu. Ngô Quyền cho quân đóng cọc trên sông Bạch Đằng, đánh bại quân Nam Hán, giết chết tướng giặc Hoằng Thao. Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền bỏ chức Tiết độ sứ, xưng là Ngô Vương, lập nên nhà nước tự chủ, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc và dời đô về Cổ Loa. 

Sau khi nhà Ngô mất quyền cai trị (khoảng năm 965), đất nước rơi vào thời kỳ loạn 12 sứ quân. Một trong số đó là Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp loạn, thống nhất giang sơn rồi lên ngôi hoàng đế năm 968. Đinh Tiên Hoàng đặt tên nước là Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư. Sau khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng giao thành Đại La cho Đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ cai quản. Lưu Cơ cho tu sửa thành, quay về hướng Nam (hướng về kinh đô Hoa Lư thay vì hướng về phương Bắc như chính quyền đô hộ đã làm). Nhiều giả thuyết cho rằng Lưu Cơ cai quản thành Đại La cho đến khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về đây vào mùa thu năm 1010.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại La thành - tiền thân của kinh thành Thăng Long