Miếu Cốc thờ bà chúa nghề nón lá

Thùy Liên| 29/05/2020 12:57

(HNMCT) - "Ơn cao Thánh đức bao la/ Làm người nên giữ câu ca ở đời/ Gió xuân ta vận áo tơi/ Mặc cho mưa nắng bời bời Phú Khê/ Linh thanh phảng phất câu thề/ Chân tâm cốt để đâm chồi nở hoa/ Làm cho tiếng tốt bay xa/ Cũng là nhờ ở tâm ta với đời”. Đó là bài thơ về miếu Cốc, nơi thờ bà chúa nghề làm nón lá ở thôn Phú Mỹ (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội), một di tích lịch sử - văn hóa làng nghề hấp dẫn.

Rước kiệu Thánh từ đình về miếu Cốc trong lễ hội làng Phú Mỹ tháng 11 (âm lịch). Ảnh: ĐQB

Miếu thiêng nghìn đời

Miếu Cốc ở xóm Cốc có từ lâu đời, hiện tại mang kiểu dáng kiến trúc thời Nguyễn (1802 - 1945). Miếu được trùng tu ngày 29 tháng 2 năm Giáp Thân (1944), niên hiệu Bảo Đại 19.

Hai hạng mục chính là đại bái và hậu cung được bố trí hình chữ “đinh”. Đại bái gồm 3 gian, 2 chái; kết cấu 4 hàng chân cột. Tương ứng với các gian là 6 bộ vì đỡ mái, đều theo kiểu thượng chồng rường, hạ kẻ. Một câu đầu lớn, có lưng dạ phẳng ăn mộng vào cột cái. Trên cùng là con rường bụng lợn đỡ thượng lương qua một đấu kê hình thuyền. Đỡ phần mái hồi là hệ thống chồng rường đặt trên các thanh xà ngang to, dày. Xà có một đầu ăn mộng giữa thân cột cái, đầu kia đặt trên cột quân phía gian hồi. Phần mái dưới là hệ thống các rường nách. Chính giữa đại bái có bài trí y môn, trang trí cách điệu theo đề tài “lưỡng long chầu nguyệt”. Bên trái có hai tấm bia hậu thời Nguyễn, ghi sự phát tâm công đức của dân làng. Trên nóc có 4 mái đao cong; bờ nóc đắp hai long thủ cách điệu, ở giữa đắp hổ phù cách điệu... Hậu cung là 2 gian nhà dọc, có khám lửng. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Doãn Đăng, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Văn hóa Phủ Quốc, đây là kiến trúc điển hình của nhà Việt thời Nguyễn, thiên về sự bền chắc.

Trong miếu hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý, gồm hai tấm mộc bản thời Nguyễn; đạo sắc phong “Tiên Nga thánh mẫu” ban năm Giáp Dần (1914); kiệu song loan; 2 câu đối gỗ; 2 hương án; 2 bộ đài nước; 2 bộ chân đèn gỗ; 3 mâm bồng thời Nguyễn...

Miếu Cốc được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Thành phố vào tháng 9-2008.

Ban thờ chính trong miếu Cốc.

Điểm du lịch làng nghề mới

Miếu Cốc nằm ven đường liên thôn, không xa đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, rất thuận tiện cho việc tham quan. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Doãn Đăng, sức hấp dẫn chủ yếu của miếu thờ bà chúa nghề nón lá là di sản Hán Nôm trên các di vật, đồ thờ và sáng tác dân gian về di tích. Từ ngoài đi vào, phía trên cao là bức hoành phi: “Mẫu nghi thiên cổ” (Người mẹ của nghìn đời). Ở hai cột cái gian giữa có câu đối: “Lẫm lẫm anh linh thiên cổ miếu/ Nguy nguy chính khí vạn niên từ” (Miếu nghìn đời, linh thiêng, ứng nghiệm/ Đền vạn năm, chính khí, uy nghi). Trong hậu cung có câu đối: “Liêm hạp linh lưu bạt trực/ Đỉnh di tự tuyên kham dư” (Hộp quý giữ dấu tích của thần/ Đỉnh thiêng là biểu tượng đất trời)...

Tham quan miếu, du khách sẽ được nghe bài thơ cổ (khuyết danh) về di sản, thể hiện niềm tự hào về nghề làm nón lá của quê hương: “Ơn cao Thánh đức bao la/ Làm người nên giữ câu ca ở đời/ Gió xuân ta vận áo tơi/ Mặc cho mưa nắng bời bời Phú Khê/ Linh thanh phảng phất câu thề/ Chân tâm cốt để đâm chồi nở hoa/ Làm cho tiếng tốt bay xa/ Cũng là nhờ ở tâm ta với đời”

Theo truyền thuyết, nghề này do Thánh Mẫu, công chúa thứ 8 của Hùng Quốc Vương truyền dạy cho dân làng. Thánh Mẫu từng giáng bài thơ rằng: “Thánh đức như thiên bất khả kê/ Đắc bằng vô hạn khách đông tê/ Phong thoa nữ nghệ truyền Xuân Cốc/ Vũ lạp nhân công ấn Phú Khê/ Linh tích nhưng phô quang thạch lặc/ Trinh tâm khả tưởng hà châu thiêu/ Dao kỳ hoa ổ an thừa giáo/ Khoái đổ tư dân thọ vực tê” (Đức thánh cao vời không kể xiết/ Khách gần xa cùng về tụ hội/ Truyền cho Xuân Cốc nghề tơi lá/ Phú Khê làm nón che nắng mưa/ Linh tích còn ghi trên bia đá/ Lòng thần châu báu không bằng được/ Người xa nghe tiếng tìm về học/ Dân hết lo âu, thoát vực sâu).

Đến miếu Cốc, du khách được chứng kiến hiệu quả của công tác bảo tồn di sản. Trên một tấm mộc bản còn lưu tại miếu có khắc tên và chữ ký của 5 người làng và 8 kỳ lão được làng cử ra trông coi việc trùng tu vào năm 1944. Đó là điều hiếm thấy ở các di tích khác. Ông Phan Văn Luận, Trưởng thôn Phú Mỹ cho biết: “Đó là sự công minh, vừa gắn trách nhiệm vừa ghi công tiền nhân. Cho đến nay, người làng vẫn tiếp tục noi gương các cụ để bảo tồn di sản. Tuy nhiên, địa phương mong muốn các cấp, các ngành quan tâm đầu tư hơn nữa, nhất là bố trí nhân sự và chế độ cho người trông coi di tích; giới thiệu rộng rãi và kết hợp với du lịch làng nghề để phát huy giá trị độc đáo của di sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miếu Cốc thờ bà chúa nghề nón lá