Độc đáo lăng đá cổ Quận Vân

Nguyễn Văn Công| 21/05/2020 15:54

(HNMCT) - Lăng mộ là nơi an táng dành cho vua, chúa và các vị quan cấp cao trong thời kỳ phong kiến. Những công trình này thường có kiến trúc khá đặc biệt, phản ánh rõ nét thời kỳ lịch sử, xã hội cũng như cá nhân được an táng tại đó. Lăng đá Quận Vân là công trình độc đáo được làm bằng đá nguyên khối, thể hiện sự tài hoa của người nghệ nhân xưa.

Các pho tượng được tạc bằng đá nguyên khối.

Một công trình độc đáo

Tới thôn Nỏ Bạn (xã Vân Tảo, huyện Thường Tín), không khó để hỏi thăm lăng đá Quận Vân - nơi yên nghỉ của Quận công Đại giang Đỗ Bá Phẩm, một trong "tứ trụ triều đình" thời chúa Trịnh Cương, Trịnh Giang nhà Lê Trung hưng (1533 - 1789).

Quận công Đại giang Đỗ Bá Phẩm quê gốc ở làng Vân La, nay là xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), vì thế, nhân dân quen gọi là Quận Vân. Năm 1733, thấy thế đất ở Nỏ Bạn đẹp, ông liền cho người chở đá khối từ Đông Triều (Quảng Ninh) về để xây lăng mộ. Tuy vậy, khi công trình đang xây dựng dở dang, Quận công bị buộc tội có mưu đồ làm phản nên bị đày ra Quảng Ninh rồi mất tại đây.

Năm 1914, lũ sông Hồng tràn vào mang theo phù sa làm ngập lăng đá. Người dân cho rằng, trận lũ đã cuốn trôi các tảng đá và không thể xác định chính xác vị trí của lăng đá. Năm 1986, nhân dân thôn Nỏ Bạn khơi đất trồng ngô đã phát hiện lăng đá. Khi đó, người dân quen gọi là “đền nổi” vì lăng thường nổi trên mặt nước sau mỗi trận mưa lớn.

Toàn bộ khu lăng mộ rộng 4 sào Bắc Bộ được chia thành các phần: Cổng lăng, khu sinh phần và nhà mộ, trong đó có hơn 30 di vật được làm hoàn toàn bằng đá như: Cặp tượng chiến binh canh cổng lăng, cặp voi đá, ngựa đá chầu hương án, cặp nghê... Điểm độc đáo là các pho tượng này đều được tạc bằng đá nguyên khối theo lối tả thực với kích thước như thật. Nổi bật trong số đó là đôi tượng chiến binh với đầy đủ trang phục, binh khí, thần thái sinh động. Khu sinh phần gồm hai hương án, trên chạm khắc tinh xảo hình rồng phượng và phong cảnh thiên nhiên.

Phía cuối lăng có nhà bia, trong có tấm bia còn rõ nét dòng chữ ghi lại cuộc đời và công lao của Quận công Đỗ Bá Phẩm. Chầu hai cánh nhà bia là đôi nghê ngậm hạt ngọc, đầu và mình khắc hình vân xoắn, cổ đeo vòng nhạc, hình dáng khỏe khoắn và sinh động. Tiếp đó là mộ Quận Vân. Theo quản lăng Nguyễn Văn Trì, Quận công Đại giang Đỗ Bá Phẩm qua đời ở Quảng Ninh và không được đưa về đây an táng. Lúc mới phát lộ lăng, các nhà khảo cổ chỉ tìm thấy một số đồ tùy thân bằng vàng. “Dân làng Nỏ Bạn coi lăng đá như đình và chùa làng nên họ thường ra đây dâng hương hoa để cầu bình an và sức khỏe. Điều đó thể hiện sự quan trọng của lăng đá Quận Vân trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây”, ông Trì chia sẻ.

Lăng đá Quận Vân nay không còn bị ngập nước nhờ được người dân và chính quyền địa phương tu bổ, tôn tạo.

Từ phế tích thành di tích quốc gia

Lăng đá Quận Vân đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài trước đó, lăng chỉ là phế tích bị lãng quên.

Cụ Trương Văn Tuân, người quản lăng Quận Vân hơn 20 năm cho biết, khi mới được phát hiện, khu lăng đá cỏ cây mọc um tùm, ngập trong nước. Ngay cả khi được công nhận, di tích này cũng không được chú ý. Sau đó, một số người dân trong làng đã tôn nền, phát quang cỏ, trồng cây bóng mát, tạo hòn non bộ và hằng ngày hương khói tại lăng. Vài năm gần đây, xã Vân Tảo mới có kinh phí để bảo tồn lăng và chi trả cho người trông coi di tích 200 nghìn đồng/ tháng. Hiện nay, lăng đá Quận Vân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Vào những ngày mưa, lăng không còn bị ngập nước, cỏ dại được dọn dẹp thường xuyên, đồ thờ tự được người dân cung tiến đầy đủ.

Theo bà Trần Thị Mai, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Tín, lăng đá Quận Vân là di tích kiến trúc bằng đá độc đáo, có quy mô đồ sộ nhất nhì cả nước. Năm 2019, huyện và thành phố đã tiến hành tôn tạo, bảo tồn di tích, đưa nơi đây trở thành một trong những điểm đến trong hành trình tham quan lăng đá xã Hồng Vân (quê của Quận Vân). Bên cạnh đó, huyện cũng đưa điểm di tích này vào chương trình giáo dục lịch sử của địa phương, phổ biến trong các bài giảng và các tiết học ngoại khóa để học sinh tham quan, tìm hiểu. Đó là cách dạy lịch sử dễ hiểu, thiết thực, đồng thời để học sinh và người dân thêm hiểu và tôn kính Quận công Đại giang Đỗ Bá Phẩm, người từng có nhiều công trạng với đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo lăng đá cổ Quận Vân