Bình yên Báo Quốc tự

Nguyễn Văn Công| 01/05/2020 12:59

(HNMCT) - Ở Việt Nam, những ngôi chùa mang tên có chữ “Quốc” thường gắn với sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ bờ cõi của dân tộc. Chùa Báo Quốc ở thôn Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) không ngoại lệ. Ngôi chùa được nhiều người biết đến bởi sự linh thiêng và thanh tịnh hiếm có...

Tượng Bồ tát giữa hồ sen.

Vùng đất địa linh

Bình Vọng là một làng cổ, có lịch sử phát triển song hành với kinh thành Thăng Long. Trên tấm bia ký trong chùa có ghi chùa được xây dựng từ thời Lý (thế kỷ XI - XIII).

Theo sử sách ghi lại, vào thời nhà Trần, có một nàng công chúa được vua phong cai quản đất Bình Vọng. Tại đây, công chúa xin vua cha miễn tô thuế cho dân, rồi lại sai đào một ngòi ở phía nam làng, gọi là ngòi Nam Lang để thuyền bè qua lại. Khi công chúa cùng nhà vua tới thăm chùa Báo Quốc, thuyền ngự đi, về đều xuất hiện đám mây ngũ sắc vờn che. Một vị cao tăng chỉ vào công chúa nói rằng: “Đó là thánh nữ”. Sau khi công chúa qua đời, người dân nhớ ơn sâu bèn viết sớ tâu vua, xin lập đền thờ phụng. Nhà vua ban sắc cho công chúa là phúc thần, dân cầu xin điều gì thường ứng nghiệm.

Chùa Báo Quốc nằm liền kề với đình làng có diện tích khá rộng. Chùa được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Nhà tiền đường gồm 5 gian 2 dĩ, tường hồi bít đốc, ở hai đầu hiên có hai tấm bia đá cổ. Hai dĩ thông với hai hành lang dài kéo xuống trung đường 7 gian. Nhà thiêu hương dẫn tới thượng điện 3 gian. Qua cổng phụ cạnh tam quan là một hồ sen có tượng Quan Âm Nam Hải đứng giữa cao chừng 3m. Bên cạnh là ngõ vào sân chùa, trong giáp với trung đường, hậu đường, nhà khách, nhà ni. Phía sau là vườn cây với 13 ngôi mộ tháp.

Chùa Báo Quốc từng trải qua nhiều lần trùng tu, trong đó có vài lần trùng tu lớn và được ghi chép lại trên bia ký. Đó là vào các năm 1612, 1780, 2008. Ngôi chùa hiện nay mang đậm dấu ấn kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. Chùa hướng về phía đông nam, trước mặt tiền đường là một vườn cây nhỏ, qua cổng chùa là bán đảo với hồ sen và hàng cây muỗm cổ thụ, ước chừng trên dưới 200 năm tuổi.

Tam quan nhìn từ sân chùa.

Tấm bia Trùng tu Báo Quốc tự bi do Tiến sĩ Nguyễn Đăng soạn năm 1612 có ghi: “Chùa ở xã Bình Vọng là nơi danh lam cổ tích, phong cảnh hữu tình, lâu ngày đã hư hỏng. Các quan viên trong làng đứng ra quyên góp tiền của trùng tu thượng điện, thiêu hương, tam quan, dựng bảy gian nhà cầu để tránh mưa nắng khi đi lại...”. Còn trên tấm bia Bình Vọng tự bi do Tiến sĩ Nguyễn Tư Hiền soạn năm 1780 có câu: “Chùa Báo Quốc có từ thời Lý rất linh thiêng, từng âm phù giúp nước, yên dân”.

Ngoài ra, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (năm 1285), làng Bình Vọng nằm trong phòng tuyến phía nam kinh thành Thăng Long. Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật được cử đến đây chỉ huy đánh chặn giặc. Tại đây, Chiêu Văn vương đã làm lễ cầu đảo và được báo mộng: “Tướng quân ra trận lần này ắt sẽ thắng to”. Điều này càng cho thấy, đất Bình Vọng là nơi địa linh phù nước.

Chốn thanh tịnh giữa làng quê yên ả

Chùa Báo Quốc là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Chùa nằm trong Cụm di tích đình - chùa làng Bình Vọng. Đình làng là nơi thờ ba vị thành hoàng gồm: Tướng quân họ Đỗ, công chúa nhà Trần và Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Năm 1999, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Cụm di tích đình - chùa làng Bình Vọng là Di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật quốc gia. Trong khuôn viên hồ sen trước cửa đình có chiếc cầu gỗ được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước với những phiến đá cổ đã nhẵn bóng. Năm 2005, cây cầu bị hư hại và được nhân dân xây mới hoàn toàn. Tại cụm di tích này, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã diễn ra khóa học chữ quốc ngữ đầu tiên do cụ Nguyễn Văn Tố - Hội trưởng Hội Truyền bá chữ quốc ngữ tổ chức.

Nhà Tiền đường chùa Báo Quốc.

Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Bí thư Chi bộ thôn, Cụm di tích đình - chùa làng Bình Vọng trải qua bao đời nay vẫn giữ nguyên được phong cách kiến trúc và cảnh quan. Không gian nơi đây vừa thanh tịnh vừa thoáng đãng nên người dân thường đến ngắm cảnh, chơi thể thao, câu cá... Khách đến làng rất ấn tượng với khung cảnh bình dị của Bình Vọng.

Theo bà Trần Thị Mai, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Tín, chùa Báo Quốc còn giữ được nhiều hiện vật cổ như hai tấm bia đá thời Lê, dãy tượng La Hán có niên đại vài trăm năm được làm bằng đất sét trộn giấy bản giã, mật mía, trứng với kỹ thuật tạc tượng tinh xảo. Hằng năm, huyện Thường Tín đều tổ chức đoàn kiểm tra các di tích trên địa bàn, nếu có dấu hiệu xuống cấp sẽ trùng tu kịp thời. Bên cạnh đó, địa phương hiện cũng lưu giữ đầy đủ tài liệu cổ về chùa Báo Quốc. Đây là cách bảo tồn, lưu trữ thông tin di sản hiệu quả, qua đó thúc đẩy phát triển loại hình du lịch tâm linh ở huyện Thường Tín...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình yên Báo Quốc tự