Đường sáng Minh Khai

Trần Văn Mỹ| 17/04/2020 10:03

(HNMCT) - Tháng 6-1964, đoạn đường từ ngã tư Trung Hiền (chợ Mơ) đến dốc Vĩnh Tuy được đặt tên là đường Minh Khai (theo tên nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai) và từ năm 1971 là phố Minh Khai.

Đây lại là một trong những đường phố có nhiều huyền tích, huyền thoại gắn với lịch sử phát triển Thăng Long - Hà Nội. Sau hơn nửa thế kỷ thăng trầm, phố Minh Khai nay đã có cơ hội tỏa sáng, trở thành một tuyến phố đẹp, văn minh, hiện đại...

Diện mạo mới trên phố Minh Khai.

1. Từ xa xưa, phía đông nam thành Thăng Long là một vùng đất cổ rộng lớn có tên là Cổ Mai - tên nôm là Kẻ Mơ, bao gồm các làng Hoàng Mai, Tương Mai, Mai Động, Hồng Mai (sau vì kỵ húy nên đổi thành làng Bạch Mai). 

Nằm giáp kinh thành lại ven đường thiên lý, giao thương thuận lợi nên kinh tế, văn hóa vùng Kẻ Mơ sớm phát triển. Làng Hoàng Mai có nghề nấu rượu ngon nổi tiếng, rượu cúc làng Hoàng Mai được Nguyễn Trãi ghi trong sách Dư địa chí từ năm 1435 nên có tên nôm là làng Mơ Rượu; đình làng thờ Thành hoàng Trần Hãng là em danh tướng Trần Khát Chân thời nhà Trần. Tương tự, làng Mai Động có món đậu phụ ngon nức tiếng đến tận ngày nay nên được gọi là làng Mơ Đậu. Từ thuở xa xưa nơi đây đã có các động mai, vào mùa xuân hoa mai nở trắng một vùng. Thành hoàng làng là “ông tổ nghề vật” Tam Trinh - vị tướng của Hai Bà Trưng từng về đây mở lò dạy võ. Khi Mã Viện đem quân sang đánh Hai Bà Trưng thì đô Tam Trinh đã cho đào hào đắp lũy trên đất Mai Động, cùng binh sĩ chống lại quân xâm lược Đông Hán đến cùng. Sau bao dâu bể giờ đây đình nghè thờ ông vẫn còn đó. Còn món xôi lúa nổi tiếng của làng Tương Mai (tên nôm là làng Mơ Cơm vì có nhiều hàng cơm mở bên đường thiên lý) từ khi nào đã đi vào ca dao: “Hành giòn đậu ngậy ngon lành/ Tương Mai nức tiếng kinh thành xôi ngô”...

Trước đây, đứng ở cửa chợ Mơ người ta thấy ở bên kia ngã tư có một ngôi miếu nhỏ, cạnh đó là cây đa tỏa bóng. Đó là miếu thờ ông Trung Hiền. Người các làng Mai vẫn kể giai thoại vào thời nhà Lê, cuối thế kỷ XVI ở vùng Kẻ Mơ có ông Trung Hiền. Ngày ấy khu vực ngoài cửa ô phía nam kinh thành còn heo hút nên trộm cướp thường tụ tập hoành hành. Vốn có sức khỏe, giỏi võ nghệ nên không ít lần ông Trung Hiền đã ra tay trừng trị bọn trộm cướp. Chúng bèn lập mưu nhân lúc ông sơ hở đã tìm cách sát hại. Thương tiếc ông, dân Kẻ Mơ bèn lập miếu thờ bên cạnh con đường thiên lý. Vì thế, ngã tư giao cắt 4 con phố Đại La, Bạch Mai, Trương Định, Minh Khai sau này được gọi là ngã tư Trung Hiền, dù dân gian vẫn thường gọi là ngã tư Mơ.

Từ xa xưa bên đường thiên lý đã có ngôi chợ mang tên chợ Mơ. Ban đầu chợ tọa lạc ở giữa làng Bạch Mai, chỗ bây giờ là ngõ 295 phố Bạch Mai. Chợ Mơ là chợ lớn của cả vùng. Chợ họp một tháng 6 phiên vào các ngày hai và ngày bảy. Theo cuốn Giai thoại Thăng Long (NXB Hà Nội, 1987), vào cuối thời Lê, chợ Mơ sầm uất là nơi diễn ra câu chuyện tình cảm động giữa chàng nho sinh nghèo Nguyễn Bá Dương học trò trường Quốc Tử Giám với cô gái Kẻ Mơ đi bán rượu. Được cô cưu mang, sau khi đỗ Tiến sĩ (năm 1776), chàng đã không quên tình cũ, hai người nên vợ nên chồng... Đến đầu thế kỷ XX, khi người Pháp quy hoạch, mở rộng đô thị Hà Nội thì chợ Mơ được chuyển về vị trí như bây giờ.

2. Dài 2.745 mét, phố Minh Khai nối từ ngã tư Trung Hiền đến dốc Vĩnh Tuy phía đê sông Hồng. Cả cuộc đời sống bên phố và cũng nhiều lần thong dong khám phá cùng các nhà nghiên cứu, tôi vẫn được nghe vang vọng từ nghìn xưa những câu chuyện đời, chuyện phố ở vùng đất này.

Con phố nguyên là một đoạn thành đất bao quanh kinh thành Thăng Long, thời Pháp thuộc đoạn phía Đông là dốc Vĩnh Tuy, đoạn giữa là phố Mai Động, đoạn phía Tây là phố Hưng Ký (mang tên nhà tư sản Hưng Ký), đều do dân tự đặt. Phía bên dãy số lẻ vốn là đất các làng Vĩnh Tuy, Thanh Lương, Mai Động, Bạch Mai và Quỳnh Lôi, còn bên dãy số chẵn là đất các làng Hoàng Mai, Mai Động. Năm 1932, trên đất Hoàng Mai, ông Hưng Ký cho dựng ngôi chùa mang tên ông. Kiến trúc chùa thật độc đáo, toàn bộ trang trí được gắn bằng gốm men màu kể chuyện xưa tích cũ do các thợ giỏi của làng gốm Bát Tràng chế tác. Cùng với dựng chùa, ông Hưng Ký còn làm các dãy nhà xây gạch lợp ngói ở sát đường để cho thuê.

Vào đầu thế kỷ XX, dọc hai bên phố Mai Động (đoạn giữa của phố Minh Khai bây giờ) vẫn là đồng ruộng. Các nhà tư sản ở Hà Nội đã góp tiền mua đất các làng Mai Động, Quỳnh Lôi để xây dựng Nghĩa trang Hợp Thiện. Nghĩa trang được bài trí thoáng đãng, có nhiều cây cổ thụ, một thời được gọi là “công viên nghĩa trang”. Tại đây có chùa cúng vong, hồi kháng chiến chống Pháp chùa là nơi nuôi giấu du kích, khu mộ là nơi cất giấu vũ khí...

Sau Ngày Giải phóng Thủ đô năm 1954, phố Minh Khai vẫn thưa vắng. Năm 1958, hai bên đường mọc lên một khu công nghiệp với Nhà máy Dệt 8-3,Nhà máy Cơ khí Mai Động, Nhà máy Dệt khăn mặt khăn tay, Khóa Minh Khai, Nhà máy Mỳ (Bánh kẹo) Hải Châu... Cùng năm đó, một đoạn sông được đào từ cửa ô Đống Mác qua cánh đồng làng Mai Động để dẫn nước thải của thành phố vào đầm hồ của huyện Thanh Trì. Cây cầu nhỏ nối hai bờ sông được xây bằng gạch, phía dưới đặt ống cống bê tông. Đoạn dốc Vĩnh Tuy (từ đầu làng Mai Động ra xã Vĩnh Tuy, huyện Thanh Trì) những năm 60, 70 của thế kỷ trước chỉ lác đác người qua lại. Từ năm 1971, người các nơi mới đến đây dựng nhà ở. Đường đất lầy lội, dân không có điện, nước dùng chỉ là mấy cái vòi nước công cộng.

3. Khoảng cuối năm 1981, tình cờ chứng kiến nhân viên Sở Giao thông - Công chính (nay là Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) đóng một cái mốc bằng gỗ ở trước nhà, tôi tò mò hỏi thì được biết đó là mốc giới mở rộng phố Minh Khai. Phải nói rằng những người làm công tác quy hoạch Thủ đô có tầm nhìn xa. Dọc hai bên phố, từ hàng chục năm trước các cơ quan, xí nghiệp đều đã cho xây dựng công trình nhà cửa phía trong mốc giới...

Cuối năm 1994, tôi tham dự một cuộc họp ở phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng). Tại cuộc họp, Kiến trúc sư trưởng thành phố khi ấy cho biết Thành phố đã có kế hoạch mở rộng tuyến phố Minh Khai - Đại La - Trường Chinh, xây dựng một cây cầu bắc qua sông Hồng chạy qua địa bàn phường Vĩnh Tuy và ở chỗ ngã ba đường sẽ mọc lên một vòng xuyến giao thông...

Những thông tin ấy đã gợi trong tôi mơ ước về một con đường rộng đẹp. Nhưng hiện thực hóa ước mơ đâu phải là chuyện “một sớm một chiều” và dễ dàng. Hơn chục năm sau, cây cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng mới chính thức được khởi công và đến tháng 9-2010, trước Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cầu chính thức khánh thành. Đầu năm 2012, Thành phố đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ mở rộng đường vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, trong đó có đường Minh Khai. Để có mặt bằng thi công thì phải lo nhà tái định cư cho hàng nghìn hộ dân, riêng đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động dài khoảng 700 mét có 380 hộ dân phải di dời... Cuối năm 2015, công tác đền bù giải phóng mặt bằng mới được tiến hành...

Nhiều cư dân phố Minh Khai sau khi tái định cư tại nơi ở mới, thỉnh thoảng có việc quay lại chốn cũ, nét mặt, ánh mắt ai nấy cũng đầy vẻ lưu luyến. Mỗi lần chứng kiến như vậy trong tôi lại thôi thúc ý định nói lời cảm ơn và sẻ chia với sự hy sinh thầm lặng của họ vì sự phát triển văn minh, hiện đại của Thủ đô. Giờ đây, công việc xây dựng đoạn đường từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động đã bước vào giai đoạn cuối. Những hàng cây giáng hương hai bên đường đã tỏa vòm lá, cho màu xanh mát mắt. Cầu Mai Động nhỏ hẹp ngày nào đã được xây mới; hai đầu cầu là ngã tư rộng mênh mông...

Nói về sự  “thay da đổi thịt” của phố Minh Khai, bạn tôi - nhà thơ Vũ Quang đã ngân nga “chơi chữ”: “Phố Minh Khai giờ đã “sáng” lên rồi!”. Quả thực là sau hơn nửa thế kỷ thăng trầm, con phố mang tên nhà cách mạng ấy giờ đã vươn mình phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, tỏa sáng cùng thành phố nghìn năm tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường sáng Minh Khai