Ngôi làng cổ đặc biệt ven sông Nhuệ

Công Nguyễn| 16/04/2020 09:30

(HNMCT) - Khoảng 400 năm trước, làng Cự Đà đã là một thị tứ sầm uất ven sông Nhuệ với hai nghề truyền thống còn giữ đến ngày nay, đó là nghề làm tương và làm miến. Không chỉ vậy, những nếp nhà cổ thuần Việt đan xen với các biệt thự Pháp tạo nên một không gian văn hóa đa màu sắc cho Cự Đà...

Làng Cự Đà với những phên miến vàng óng là điểm nhấn đặc trưng. Ảnh: Nguyệt Ánh

Làng cổ nghìn năm tuổi

Làng Cự Đà thuộc xã Cự Khê (huyện Thanh Oai), cách trung tâm Hà Nội chừng 15km về phía tây nam, với lịch sử phát triển gần một nghìn năm. Người xưa có câu: “Nhất cận thị, nhị cận giang”, và như thế Cự Đà có đủ cả hai yếu tố gần kinh thành Thăng Long - Kẻ Chợ và ven sông Nhuệ. Vì thế, từ nhiều thế kỷ trước, Cự Đà đã sớm phát triển và trở thành một trong những ngôi làng trù phú nhất vùng. Đến đầu thế kỷ XX, một số nhà tư sản, nhà buôn người Cự Đà có cửa hiệu ngoài Hà Nội đã cho xây dựng các biệt thự mang phong cách kiến trúc Pháp và kéo điện về làng. Đến nay, Cự Đà vẫn còn hơn 50 ngôi biệt thự cổ được giữ gìn nguyên vẹn và là điểm tham quan cho du khách.

Đến Cự Đà, ngay tại cổng làng, du khách có thể dễ dàng nhận ra sự cổ kính khác biệt với nhiều ngôi làng khác. Theo người cao tuổi trong làng, chiếc cổng này có niên đại khoảng 200 năm. Điểm đặc biệt là hai bên có hai con cóc ngồi nhìn hướng lên trời, thể hiện khát khao mưa thuận gió hòa của người dân. Dọc đường làng là những con ngõ với những cái tên như: An Lạc, Lễ Nghĩa, Đồng Nhân Cát... Nhiều ngõ vẫn mang vẻ cổ kính, với chiều rộng chỉ khoảng 1m, được lát nền gạch chỉ đỏ đặc trưng.

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà cổ của ông Đinh Văn Lai và được biết, ngôi nhà do cha ông xây dựng năm 1918, đến nay đã 102 tuổi. Ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ vàng tâm được vận chuyển từ Thanh Hóa, Nghệ An theo đường sông Nhuệ về. Quá trình xây dựng ngôi nhà kéo dài suốt 3 năm. Trong nhà vẫn còn gian thờ, câu đối cùng các vật dụng xưa, chỉ có mái ngói đã qua sửa chữa. “Hiện trong làng chỉ còn vài chục ngôi nhà cổ như của gia đình ông Sủng, ông Tường và nhà tôi. Chúng tôi đều là những người quá tuổi “thất thập cổ lai hy” rồi. Không biết mai này con cháu có giữ lại những ngôi nhà cổ này nữa không” - ông Lai trầm ngâm nói. Ngắm nhìn ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn một thế kỷ mới thấy hết những khó khăn và cả sự cố gắng của người thương binh già hơn 80 tuổi khi quyết tâm giữ lại ngôi nhà cổ, cho dù 3 người con trai của ông luôn muốn phá đi để xây một ngôi nhà mới, kiên cố và tiện nghi hơn.

Trong ánh nắng rực rỡ ngoài sân, từng dãy chum vại làm tương xếp cạnh nhau ngay ngắn. Nghề làm tương có ở Cự Đà từ lâu và là đặc sản nổi tiếng của làng. Thế nhưng, do sự tiện lợi của máy móc công nghiệp nên ngày nay nghề làm tương thủ công ở Cự Đà đã suy giảm khá nhiều. Danh tiếng tương Cự Đà vẫn được người xưa nhắc đến: “Tương Cự Đà, cà làng Đám”. Ngoài làm tương, một đặc sản nổi tiếng khác của Cự Đà là miến dong riềng. Đến Cự Đà vào ngày nắng to, du khách sẽ được chứng kiến quang cảnh đẹp mắt. Đó là cánh đồng phủ kín những phên miến vàng óng. Thương hiệu miến Cự Đà tồn tại qua nhiều thế kỷ bởi sự thơm ngon, dẻo, dai, mềm, sợi vàng óng, trong suốt và khi nấu không bị nát.

Đánh thức tiềm năng du lịch

Không chỉ là một trong ba ngôi làng cổ ở Hà Nội hiện còn giữ nhiều nét độc đáo cùng với làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây và làng Cựu (huyện Phú Xuyên), Cự Đà còn có hai nghề truyền thống. Đó chính là điểm nhấn thu hút khách du lịch. Tuy vậy, du khách đến Cự Đà cảm thấy nơi đây chưa thực sự hấp dẫn bởi chưa có nhiều sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch. Ông Vũ Văn Bằng, nguyên cán bộ văn hóa xã đồng thời là chủ nhân của một ngôi nhà cổ cho biết, nhiều người dân Cự Đà chưa hiểu về du lịch cộng đồng hay du lịch trải nghiệm mà mới chỉ dừng ở việc đón tiếp khách tham quan. Họ cũng chưa biết cách níu chân du khách bằng việc kể về lịch sử, phong tục tập quán truyền thống của làng hay bố trí chỗ ăn ngủ, trải nghiệm làm nghề tương, miến... Vì thế, du lịch hầu như chưa phát triển ở Cự Đà.

Ông Vũ Văn Tuấn, Trưởng thôn Cự Đà cho rằng, để phát triển du lịch ở làng cổ Cự Đà, trước hết cần sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng. Trong khi Đường Lâm đã được công nhận là làng cổ, được quảng bá trên các kênh thông tin đại chúng, người dân được hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, bảo tồn nhà cổ... thì Cự Đà vẫn chưa được định hướng để phát triển du lịch một cách bài bản. Việc tu sửa nhà cổ bị xuống cấp vẫn do các gia đình tự chi trả với kinh phí khá lớn, lại không thuận tiện trong đời sống sinh hoạt nên nhiều gia đình đã phá đi xây mới. Với sự gia tăng dân số cơ học và sự phát triển của nền kinh tế thị trường như hiện nay, nhiều ngôi nhà cổ ở Cự Đà đang biến mất nhanh chóng, khung cảnh làng cổ cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Trưởng thôn Vũ Văn Tuấn cho biết thêm, hiện chưa có các tuyến xe buýt chạy thẳng tới Cự Đà nên khá bất tiện cho du khách và người dân. “Nếu có các tuyến xe buýt về đến cổng làng, Cự Đà có thể thu hút nhiều khách du lịch hơn...”, ông Tuấn chia sẻ.

Trong khi nhiều địa phương, doanh nghiệp hiện đang có xu hướng tái hiện mô hình làng cổ thuần Việt để thu hút khách thì Cự Đà - nơi còn lưu giữ “báu vật” là những ngôi nhà cổ cùng với hai nghề truyền thống lại chưa được quan tâm đúng mức để bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. Vì vậy, để làng cổ giữ được những giá trị quý báu của mình, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Nếu không, chỉ một thời gian ngắn nữa làng cổ Cự Đà sẽ chỉ còn lại trên những bức ảnh và ký ức của người dân nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngôi làng cổ đặc biệt ven sông Nhuệ