Chùa Đậu - “Đệ nhất danh lam”

Ngữ Thiên| 11/04/2020 09:53

(HNMCT) - Chùa Đậu từ thế kỷ XVII đã được mệnh danh “Đệ nhất danh lam”, nổi tiếng vì bề dày lịch sử - văn hóa, vì những giá trị kiến trúc, mỹ thuật, hấp dẫn du khách bởi những bí ẩn còn hàm chứa.

Hệ thống di vật, kiến trúc quý...

Chùa Đậu còn các tên khác là Thành Đạo tự, Pháp Vũ tự... Từ trung tâm Hà Nội, xuôi theo quốc lộ 1A hơn 20km về phía Nam, rẽ phải vào thôn Gia Phúc (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín) là tới chùa Đậu. Ngôi chùa gắn liền với quá trình du nhập Phật giáo vào khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cùng hòa trộn với văn hóa dân gian bản địa. Chùa Đậu ở trong hệ thống chùa thờ Tứ Pháp - ngoài thờ Phật còn thờ những thế lực siêu nhiên, linh thiêng với cư dân nông nghiệp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (mây, mưa, sấm, chớp). Vì chùa thờ Pháp Vũ nên có tên là Pháp Vũ tự.

Đời vua Lê Thần Tông (thế kỷ XVII), chùa được phong “Đệ nhất danh lam”. Các bậc vua chúa, vương tôn công tử họ Lê và họ Trịnh thường đến thăm và bỏ công, góp của tu tạo chùa. Đến nay, chùa Đậu còn lưu giữ hệ thống di vật và các cấu kiện kiến trúc quý là hệ thống bia cổ, gạch thời Mạc trang trí hình rồng, thú, cá hóa long, nhiều loại hoa lá..., nổi bật là các mảng chạm gỗ tinh xảo mang đậm phong cách mỹ thuật thời Lê Trung hưng. Chùa Đậu còn có hiện vật quý là đôi rồng đá thời Trần ở bậc thềm nhà tiền đường. Đôi rồng này đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia “sao lại” một bản để trưng bày trong sân vườn bảo tàng ở Hà Nội.

Bên cạnh chùa Đậu có ngôi chùa Am, được dựng sau, nơi người ta đưa tượng từ một ngôi chùa nhỏ đã bị hư hỏng về thờ. Tại chùa này có một pho tượng đá đặc biệt - tượng Quan âm lục chi, nhưng lại tạc hình một người phụ nữ với nét thuần Việt. Dân gian truyền lại rằng, đây chính là tượng được tạo theo mẫu người thật để ghi công bà Ngô Thị Ngọc Nguyên, theo sử sách là người trong cung thời vua Lê - chúa Trịnh có công đức tu tạo chùa. Tuy là tượng Quan âm với sáu bàn tay kết ba tư thế ấn (tượng trưng cho thiên thời - địa lợi - nhân hòa) nhưng ý nghĩa lại như một tượng hậu để tri ân.

Với bề dày lịch sử và còn lưu giữ được nhiều lớp văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, chùa Đậu đã được xếp hạng Di tích lịch sử, nghệ thuật loại A từ năm 1964.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Thư, khoa Di sản văn hóa, Đại học Văn hóa Hà Nội - người đã nhiều lần dẫn sinh viên và cả các học giả nước ngoài đến thăm chùa Đậu, chia sẻ: “Được ngắm nhìn những mảng chạm rồng, phượng, hoa lá tinh xảo trên các đầu dư, vì kèo, được chạm tay vào thân cột gỗ mộc mạc mát rượi, từ gác chuông cao phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn khung cảnh làng quê thanh bình là những trải nghiệm thật đáng nhớ với sinh viên và du khách”. Việc lần tìm, bóc tách những mảng chạm khắc mang đậm phong cách nghệ thuật của từng thời kỳ lịch sử còn là niềm thích thú đam mê của những nhà bảo tồn và của tất cả những người yêu mỹ thuật truyền thống.

... và nụ cười bí ẩn vĩnh hằng

Pho tượng tạo từ di hài thiền sư Vũ Khắc Minh.

Chùa Đậu còn nổi tiếng là nơi lưu giữ hai pho tượng đặc biệt, gây nhiều sửng sốt, được tạo từ di hài của hai vị thiền sư. Pho tượng táng của thiền sư Vũ Khắc Trường đã bị hư hỏng ít nhiều nhưng pho tượng được tạo từ toàn thân thiền sư Vũ Khắc Minh còn tương đối nguyên vẹn. Pho tượng này cao 59cm, nặng 7kg, tư thế tạo hình hoàn toàn tự nhiên với hai tay chắp trước bụng, hai chân bắt chéo theo tư thế kiết già, người hơi cúi về phía trước. Trải gần bốn thế kỷ, pho tượng vẫn giữ được nét mặt sinh động, an nhiên siêu thoát, phảng phất một thoáng cười hạnh phúc vô biên bất diệt.

Thiền sư Vũ Khắc Minh pháp danh Đạo Chân, không rõ năm sinh, chỉ biết ông viên tịch khoảng năm 1638. Thiền sư Đạo Chân đã trụ trì tại chùa Đậu nhiều năm. Theo dân gian, trước khi viên tịch, nhà sư có dặn các đệ tử rằng: “Sau khi nghe tắt tiếng mõ bảy ngày, hãy mở cửa am ra, nếu thấy ta ngã thì làm phép an táng như bình thường, nếu ta còn ngồi thì làm theo cách này...”. Sau đó sư nhập thất, giữ kín cửa. Các đệ tử theo đúng lời thầy dặn, sau bảy ngày im tiếng mõ, mở cửa am vẫn thấy nhà sư trong tư thế thiền định, không có mùi hôi liền làm theo đúng cách đã được ông hướng dẫn trước đó để có được pho tượng kỳ lạ này.

Nhà nhân chủng học, PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam mô tả những điều kỳ lạ của pho tượng: “Hộp sọ còn nguyên chứng tỏ người ta không lấy não ra trước khi bồi. Các xương cổ tay, xương cổ chân khớp với nhau rất đúng vị trí về giải phẫu; các xương chi không có cốt ở bên trong, không có hiện tượng xương gắn với nhau bằng chất keo. Kết luận rằng người ta phủ chất bồi lên nhà sư sau khi chết. Không có hiện tượng sắp xếp lại xương”.

Thành phần của các lớp chất bồi được xét nghiệm cho thấy gồm đất gò mối tán mịn trộn với sơn sống, mùn cưa, giấy bản. Phủ ngoài lớp bồi là lớp sơn ta, đôi chỗ lộ ra những lớp bạc mỏng phủ ngoài vết sơn, ngoài cùng là một lượt quang dầu. Pho tượng tạo từ di hài thiền sư Vũ Khắc Minh hoàn toàn không giống như những cách thức ướp xác đã được biết trên thế giới. Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm được tài liệu nói về phương pháp tạo tượng vị thiền sư này, thậm chí cũng chưa rõ ông tu theo hệ phái nào trong Phật giáo Việt Nam. Tất cả vẫn còn chờ lời giải đáp.

Chùa Đậu là chốn linh thiêng, cũng là nơi lưu giữ bằng chứng về khả năng kỳ lạ của con người. Cùng với thời gian, nụ cười của thiền sư Vũ Khắc Minh vẫn còn đó với bao bí ẩn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chùa Đậu - “Đệ nhất danh lam”