Một gia đình - Ba thế hệ nghệ nhân tài hoa

Nguyễn Mai| 11/03/2020 07:35

(HNM) - Xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) nổi tiếng với nghề mây, tre, giang đan xuất khẩu. Đây cũng là một trong những địa phương có nhiều người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân, với hơn 20 người. Đặc biệt, ở Phú Nghĩa có một gia đình nổi tiếng với ba thế hệ nghệ nhân tài hoa được Nhà nước phong tặng - đó là gia đình Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh.

Hai nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh (bên phải) và Nguyễn Phương Quang (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) hoàn thiện sản phẩm mây, tre, giang đan.

Gia đình tiêu biểu trong lĩnh vực mây, tre, giang đan

Đến xã Phú Nghĩa, hỏi gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, ai cũng biết bởi đó là một trong những gia đình tiêu biểu với 3 thế hệ, 4 nghệ nhân tài hoa trong lĩnh vực mây, tre, giang đan.

Trong ngôi nhà ở cũng là xưởng sản xuất, những người dân quê miệt mài đan từng sợi mây trắng tinh trên khung sắt, tạo thành nhiều khuôn hình độc đáo. Trên bức tường phòng khách, rất nhiều bằng khen, giấy khen, các giải thưởng của thành viên trong gia đình được treo trang trọng. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh kể: “Bố tôi là Nguyễn Văn Khiếu được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ nhân năm 1961. Khi đó, người làng Phú Vinh chỉ đan các vật dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày như: Lồng bàn, giỏ ấm, rổ, rá... bằng mây, tre, giang. Bố tôi là người đầu tiên đưa các họa tiết hoa văn vào sản phẩm. Sau này còn đan tranh phong cảnh, ảnh chân dung bằng các chất liệu này. Đặc biệt, bố tôi đã đan ảnh chân dung Bác Hồ, tặng rất nhiều cơ quan, đoàn thể. Bố cũng là người đã truyền “lửa nghề” cho tôi...”.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh bồi hồi nhớ lại: “Khi 9-10 tuổi, tôi đã tự hỏi tại sao người thợ trong làng lại có thể làm ra được những sản phẩm đẹp đến vậy từ sợi mây, sợi giang? Thế là tôi quyết tâm theo học nghề từ bố”. Đến năm 17 tuổi thì ông Nguyễn Văn Tĩnh đã nắm được các lối đan, hiểu được quy trình đan, biết pha chế nguyên liệu để hoàn thiện từng loại sản phẩm…

Năm 1984, ở tuổi 23, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh tham gia học lớp thiết kế mẫu tại Trường Thủ công Mỹ nghệ Hà Tây. Sau khi học xong, ông về làm việc tại Tổ thiết kế mẫu của Hợp tác xã Mây tre đan Phú Vinh. Đến năm 1986, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đã có giải thưởng đầu tiên là Huy chương vàng sản phẩm thủ công mỹ nghệ do Liên hiệp Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp trung ương (khi đó) trao tặng… Đây là dấu ấn quan trọng trong hành trình làm nghề của ông.

Nhiều năm gắn bó với nghề, bằng đôi bàn tay khéo léo và khiếu thẩm mỹ, ông đã làm ra nhiều tác phẩm “để đời”. Năm 2009, ông Nguyễn Văn Tĩnh được UBND thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu nghệ nhân và đến năm 2013 thì được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Sinh ra, lớn lên trong cái nôi làng nghề, lại được thừa hưởng tinh hoa của gia đình, hai người con trai của Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh là Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1982) và Nguyễn Phương Quang (sinh năm 1984) đã sớm phát triển được tài năng và đều được tặng danh hiệu Nghệ nhân. Trong đó, Nguyễn Phương Quang được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân năm 2012 khi mới 28 tuổi - là nghệ nhân trẻ tuổi nhất ở Phú Vinh. Năm 2016, Nguyễn Phương Quang vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Giỏi nghề và biết chinh phục thị trường

Mây, tre, giang đan không đơn thuần là một nghề kiếm sống mà còn chứa đựng niềm đam mê. Các thành viên trong gia đình Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh chưa bao giờ thỏa mãn với những sản phẩm đã làm ra mà luôn nghiền ngẫm, tìm tòi, tạo tác những mẫu mới. “Gia đình tôi còn nghiên cứu, kết hợp mây, tre, giang với các chất liệu sắt, gốm và sơn mài” - ông Tĩnh chia sẻ. Từ những sợi mây óng mượt qua đôi tay khéo léo và khiếu thẩm mỹ tinh tế, ông Nguyễn Văn Tĩnh đã tạo nên nhiều tác phẩm độc đáo.

Mới đây, năm 2019, ông tạo tác chiếc “Đèn mây vảy rồng” với họa tiết hoa văn chưa từng có ai thực hiện. “Để làm ra tác phẩm này, tôi đã phải suy nghĩ rất lâu, tìm lối đan, sau đó mới nghĩ đến kiểu dáng. Tác phẩm “Đèn mây vảy rồng” đã được trao giải Nhất tại Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ tư do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức” - ông Tĩnh tự hào cho biết.

Giới thiệu về những sản phẩm làm từ mây, tre, giang đan độc đáo của bản thân, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang thông tin: Mỗi nghệ nhân trong làng đều có bí quyết nghề riêng. Các công đoạn từ chọn nguyên liệu, chế biến đến nhuộm màu sản phẩm đều đòi hỏi tỉ mỉ, cầu kỳ và đôi mắt tinh tường của người thợ. “Ví như, chiếc “Bình sen mây” này, tôi phải làm trong 2 năm. Sản phẩm có chiều cao 4,1m, đường kính 1,5m, tổng trọng lượng 120kg trên bề mặt mô tả 4 điểm nhấn đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội là: Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Tháp Rùa và Rồng thời Lý đang bay lên. Sản phẩm đã được vinh danh trong Kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2009...” - Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang cho biết.

Với sự nhạy bén của tuổi trẻ, Nguyễn Phương Quang, Nguyễn Văn Bình đã đề xuất với bố là ông Nguyễn Văn Tĩnh thành lập Công ty TNHH Việt Quang. Không chỉ tiêu thụ tại thị trường trong nước, các sản phẩm do gia đình nghệ nhân thiết kế và sản xuất đã được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới như: Hoa Kỳ, Anh, Italia, Đức, Nhật Bản... Năm 2019, doanh thu của Công ty TNHH Việt Quang đạt khoảng 15 tỷ đồng, tạo việc làm trực tiếp cho 15 lao động với thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng; đồng thời thu hút hàng trăm lao động trong xã với hình thức nhận hàng về gia công tại nhà. Mặt khác, công ty còn nhận dạy nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Trần Bá Vệ, làng nghề mây, tre đan Phú Vinh có lịch sử trên 400 năm với nhiều sản phẩm được xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Những nghệ nhân tài hoa như ông Nguyễn Văn Tĩnh và các thành viên trong gia đình đã có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. “Thông thường, ở Phú Vinh, phụ nữ đảm nhiệm công đoạn đan, tết các hoa văn, còn nam giới phụ trách khâu pha chế nguyên liệu. Thế nhưng, cả 2 khâu này, các nghệ nhân trong gia đình ông Nguyễn Văn Tĩnh đều rất thông thạo” - ông Trần Bá Vệ tỏ rõ sự mến phục dành cho nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh.

Tự hào về nghề truyền thống của gia đình và quê hương, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh tâm sự: “Chúng tôi hài lòng với những việc đã và đang làm. Tuy vậy, cả gia đình xác định sẽ phải phấn đấu nhiều hơn nữa bởi giỏi nghề thôi chưa đủ mà phải chinh phục được thị trường. Đây chính là yếu tố sống còn với nghề và với làng nghề”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một gia đình - Ba thế hệ nghệ nhân tài hoa