Dấu ấn sáng tạo ngàn năm

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm| 29/02/2020 09:19

(HNMCT) - Tiến tới lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, nhìn lại cả thời kỳ lịch sử đã qua, chúng ta luôn tự hào vì Thủ đô văn hiến anh hùng và hòa bình hữu nghị.

Năm 2019 vừa qua, Hà Nội chính thức trở thành thành viên Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, đây không chỉ là sự kiện tăng thêm niềm tự hào, vinh dự của Thủ đô mà còn là động lực để Hà Nội tận dụng tốt nguồn lực sáng tạo, vươn lên tầm cao mới, nâng cao vị thế trong khu vực và thế giới.

Lung linh đêm Hồ Gươm. Ảnh: Lê Việt Khánh

Sức mạnh truyền thống

Kinh đô Thăng Long xưa, Thủ đô Hà Nội ngày nay, đất địa linh nhân kiệt trong quá trình phát triển đã là nơi kết tinh, hội tụ tinh hoa truyền thống văn hóa của cả dân tộc, là nơi thể hiện đầy đủ nhất tầm vóc, vị thế của Việt Nam, từ đó lan tỏa khắp mọi miền đất nước, phát triển thành biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam.

Để tạo nên bản sắc, thành tựu, diện mạo Thủ đô ngày nay, phải kể đến vai trò của con người mà ở đó sáng tạo là yếu tố quan trọng. Phải chăng chính vì vậy mà Chính phủ đã xác định nhiệm vụ đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước nhằm tạo bước tiến mới trong chiến lược phát triển, nâng cao vị thế của Thủ đô văn hiến. Sáng tạo không chỉ từ nội lực, mà còn là hợp tác với các thành phố trong và ngoài nước để tạo bước phát triển bền vững trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường, coi sự sáng tạo là yếu tố mang tính cốt lõi cho kế hoạch phát triển mọi ngành, lĩnh vực.

Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội trong bối cảnh Thủ đô vừa được UNESCO công nhận là thành viên Mạng lưới thành phố sáng tạo trên thế giới là dịp để trước hết chúng ta nhận diện giá trị truyền thống trong quá trình phát triển từ Cổ Loa - Đại La - Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội và nhất là trong thời đại Hồ Chí Minh để luôn xứng danh là Thủ đô anh hùng, Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người, Thành phố Vì hòa bình.

Dấu ấn đầu tiên để nhận biết là việc chuyển dịch kinh đô Văn Lang ở vùng đồi núi trung du Phú Thọ về vùng đất Cổ Loa ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng màu mỡ, khai phá vùng đất hoang sơ thành nơi trù phú, dân cư đông đúc. Cấu trúc thành Cổ Loa thuộc loại độc đáo trong xây dựng thành lũy của nước ta. Qua các nghiên cứu khảo cổ và dấu tích còn lại ở 3 vòng thành hiện nay cho thấy đây là minh chứng cho sự sáng tạo, tài năng, trí tuệ của tổ tiên ta thuở trước.

Trải qua nhiều biến động lịch sử, đến khi vua Lý Thái Tổ mới lên ngôi được 5 tháng đã quyết định dời đô ra Đại La và đặt tên mới là Thăng Long. Trong Chiếu dời đô có nêu, "đất ấy rộng mà bằng phẳng, thế đất cao ráo mà sáng sủa, dân cư không khổ, thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt, phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời". Sự sáng suốt của đức vua Lý Thái Tổ đã tạo thuận lợi cho quá trình quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đất này về sau.

Qua hàng nghìn năm lịch sử, dù đã có nhiều biến động nhưng những di tích mà các vương triều xây dựng ở Thăng Long còn lại đến ngày nay đã tạo nên hệ thống di sản đô thị cực kỳ phong phú mà ít đô thị trên thế giới có được, trong đó phải kể đến Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010. Đây là tài sản vô giá của Việt Nam, là minh chứng cho sự phát triển sáng tạo của kinh đô Thăng Long, đặc biệt là về cấu trúc, cảnh quan kiến trúc...

Trải qua thời kỳ Pháp thuộc, Thăng Long đã có nhiều biến đổi về diện mạo, cấu trúc đô thị song đã có yếu tố hội nhập, tiếp thu văn hóa phương Tây, tạo nên thành phố có bản sắc riêng từ tổng thể quy hoạch đến các công trình cụ thể. Điều đó được thể hiện qua những công trình kiến trúc như Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tòa nhà Bưu điện Hà Nội, các biệt thự... với nét nổi trội là sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại với truyền thống, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.

Động lực khơi nguồn sáng tạo

Từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã có 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính và 7 lần quy hoạch chung được phê duyệt. Đây là giai đoạn để lại dấu ấn rõ nhất về sáng tạo, góp phần nâng tầm Thủ đô, giúp thành phố Hà Nội trở thành một đô thị năng động, sáng tạo, có sức cạnh tranh cao ở khu vực và thế giới. Quy mô thành phố đã có sự phát triển mạnh và bền vững.

Nếu như năm 1954 Hà Nội chỉ có diện tích 152km2, dân số 37 vạn người ở khu vực nội thành và 16 vạn ở ngoại thành thì sau 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính, đến năm 2008 Hà Nội đã có diện tích 3.344km2 (gấp hơn 22 lần so với năm 1954); dân số tính tới năm 2019 là hơn 8 triệu người. Đây cũng là giai đoạn có những công trình xây dựng mới hiện đại, sáng tạo trong thiết kế như Bảo tàng Hà Nội, cầu Nhật Tân, tòa nhà Quốc hội..., các công trình “kiến trúc xanh”, “khu đô thị xanh” thân thiện với môi trường... Nhiều khu vực đặc trưng, mang đậm bản sắc Hà Nội đã được nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị như: Khu vực trung tâm Ba Đình, khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, các làng nghề truyền thống, làng cổ có sức thu hút lớn đối với du khách trong nước và nước ngoài.

Quá trình phát triển trong suốt hơn một nghìn năm của Hà Nội đã để lại gần 6.000 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc...; gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó có nghề thủ công, nghệ thuật trình diễn). Sự đa dạng của kho tàng di sản vật thể và phi vật thể đã tạo nên sức hút lớn đối với bạn bè quốc tế. Các di sản này là minh chứng cho sức sáng tạo bền vững, đa dạng, kết hợp truyền thống với văn minh thế giới.

Nền tảng văn hóa truyền thống đã hội tụ, kết tinh ở Hà Nội, lan tỏa ra cả nước và nước ngoài, là điểm tựa, là thế mạnh để chúng ta không ngừng sáng tạo, phát triển Thủ đô. Trong hơn một nghìn năm lịch sử, đặc biệt là hơn nửa thế kỷ qua, Hà Nội luôn là mảnh đất ươm mầm, thu hút tài năng sáng tạo từ mọi miền đất nước. Nhiều không gian sáng tạo mới được hình thành từ các không gian lịch sử và không gian hiện đại như không gian kết nối về điện ảnh, về nghệ thuật thực hành, mỹ thuật tạo hình, và nhất là sáng tạo về kiến trúc, về không gian xanh công cộng tại các công viên, các khu đô thị mới hiện đại, thân thiện với con người. Cũng còn phải kể đến các không gian sáng tạo về thủ công, các làng nghề truyền thống như làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc... đã thu hút các nghệ nhân, giới trẻ khám phá, sáng tạo nhằm nâng tầm giá trị nghề thủ công truyền thống, thúc đẩy du lịch phát triển.

Ngoài ra, các hoạt động sáng tạo về ẩm thực, âm nhạc cũng có bước phát triển ấn tượng... Các không gian sáng tạo đa ngành, đa lĩnh vực đã và đang hình thành ở Hà Nội góp phần tích cực thúc đẩy tiềm năng sáng tạo, làm gia tăng giá trị truyền thống và mức độ hưởng thụ văn hóa, tạo nên hình ảnh mới hấp dẫn cho Thủ đô.

Việc Thủ đô Hà Nội gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO không chỉ là niềm tự hào, mà là cơ hội lớn để chuyển hóa tài nguyên văn hóa, nguồn lực con người - sáng tạo thành động lực phát triển cho thành phố. Để tận dụng tốt cơ hội đó, Thủ đô Hà Nội cần có thêm chương trình hành động thiết thực nhằm tạo sự đột phá về sáng tạo: Xây dựng thêm các trung tâm, không gian, quỹ phục vụ hoạt động sáng tạo; đề ra chính sách hợp lý nhằm huy động nguồn lực, tạo điều kiện phát triển thủ công, ẩm thực, nghệ thuật dân gian, âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc... Những giải pháp đúng đắn sẽ góp phần tạo ra bước phát triển mang tính đột phá trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, góp phần đắc lực vào việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân và nâng tầm vị thế của Thủ đô Hà Nội với khu vực và thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn sáng tạo ngàn năm