Bát Tràng dấu ấn làng cổ nghìn năm tuổi

Mỹ An| 15/02/2020 06:49

(HNMCT) - Làng Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) nằm ở tả ngạn sông Hồng, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 10km. Ngôi làng cổ hơn 1.000 năm tuổi không chỉ được biết đến với nghề gốm sứ nổi tiếng mà còn chứa đựng một kho tàng văn hóa phi vật thể có giá trị. Bởi thế, dẫu chỉ một lần đặt chân đến Bát Tràng, du khách khó có thể quên dấu ấn đậm nét ở nơi đây, để rồi vì lưu luyến mà hẹn ngày trở lại.

Trang trí hoa văn trên sản phẩm gốm Bát Tràng. Ảnh: Linh Tâm

Ngôi làng đa nghề

Nhắc đến Bát Tràng là nói đến nghề gốm sứ truyền thống tồn tại và phát triển suốt hơn 1.000 năm qua tại đây, kể từ khi những người con của 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng gồm Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm ở làng Bồ Bát (huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, nay là huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) theo vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long lập nghiệp. Đến phường Bạch Thổ (huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), họ quyết định mở lò gốm tại đất này bởi nơi đây có nguồn đất sét trắng - nguyên liệu chính để làm gốm - vô cùng dồi dào. Trải qua hơn 1.000 năm, đến nay, Bát Tràng vẫn luôn là làng nghề truyền thống hấp dẫn của Hà Nội.

Các dòng gốm cổ truyền luôn được các thế hệ người Bát Tràng bảo lưu, trao truyền và cải tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Với những nghệ nhân có kỹ năng nghề tinh xảo, sản phẩm gốm Bát Tràng ngày càng được nhiều nơi biết đến. Ngày nay, người Bát Tràng còn phát triển các dòng gốm mới trên nền tảng truyền thống. Dòng gốm men lam xám cổ tưởng đã thất truyền nay được nghệ nhân Tô Thanh Sơn ứng dụng làm nên tác phẩm nghệ thuật tổng hợp gốm - họa - thơ. Nghệ nhân trẻ Phạm Thế Anh khôi phục dòng gốm cổ Hồng Sa, mỗi năm sản xuất hàng trăm nghìn chiếc ấm chất lượng cao để xuất sang Nhật Bản. Nghệ nhân Trần Độ, người phục chế thành công các dòng men chảy, men rạn để làm đồ thờ cúng, tượng cổ vô cùng đẹp mắt... Nghệ nhân Tô Thanh Sơn chia sẻ: “Sinh ra tại Bát Tràng - cái nôi của nghề gốm ở Hà Nội, chúng tôi luôn tâm niệm rằng, dù cuộc sống có phát triển đến đâu cũng không bao giờ được quên nghề mà cha ông để lại. Truyền thống là hồn cốt, nếu đánh mất thì chúng ta sẽ chẳng còn gì. Vì thế, con cháu các dòng họ ở Bát Tràng luôn bảo ban nhau giữ gìn, phát huy nghề cổ truyền”.

Không chỉ có nghề gốm sứ truyền thống, Bát Tràng nổi danh là ngôi làng đa nghề, và nghề nào cũng để lại dấu ấn như: Nghề buôn nước mắm, buôn cau khô, làm giỏ ấm tích, nghề làm thuốc và dạy học. Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), do nằm sát kinh đô Thăng Long xưa, lại có vị trí giao thông đường bộ, đường thủy thuận lợi nên Bát Tràng không chỉ phát triển nghề gốm mà cả nghề buôn các mặt hàng chuyên biệt. Người Bát Tràng nhập nước mắm từ các "vạn" (cơ sở sản xuất) nổi tiếng như: Vạn Bạng, vạn Cảnh Giang, vạn Trào (Thanh Hóa), vạn Cờn, vạn Cương, vạn Quèn (Nghệ An), sau đó sẽ "đấu" (pha chế) các "giọng" (loại) với nhau, tạo thành "giọng" đặc trưng của nhà mình rồi đem tiêu thụ ở khắp nơi, từ Phả Lại (Chí Linh, Hải Dương), Sơn Tây (Hà Nội ngày nay) cho đến Phú Thọ, Hòa Bình, Tuyên Quang, Yên Bái... Nhờ cách pha chế tinh tế, có màu sắc “bắt mắt” nên thương hiệu “nước mắm Bát Tràng” nổi tiếng khắp các tỉnh phía Bắc suốt nhiều thế kỷ. Đến năm 1948, do nằm trong vùng kiểm soát của thực dân Pháp, nghề buôn nước mắm ở Bát Tràng mới chấm dứt.

Xuất phát từ tục ăn trầu phổ biến của người Việt, sau khi nghề buôn nước mắm không còn, người Bát Tràng chuyển sang buôn cau khô và cũng tạo được danh tiếng nhất định. Cau được lấy từ nhiều nguồn như Hà Nội, Nam Định, Huế, Thanh Hóa, Nghệ An..., được phân thành ba loại để xử lý trước khi bán, gồm: Cau đậu - miếng cau còn nguyên hình, không bị long hạt nên đắt nhất; cau long - miếng cau bị long hạt, phải dán lại bằng hồ, thường được bán theo mớ; cau phi - loại cau miếng nhỏ, xấu, thường được bán rẻ theo vốc. Đáng nói là những miếng cau long qua bàn tay khéo léo của người Bát Tràng sẽ trở thành những miếng cau nguyên, thân trắng ngần, hạt đỏ tươi, bán rất được giá. Nhờ vậy, người dân Bát Tràng có nguồn thu nhập ổn định. Từ khoảng năm 1990, do số người ăn trầu giảm đáng kể nên nghề này cũng không còn thịnh hành. 

Nếu như nghề buôn cau khô chủ yếu do những người phụ nữ Bát Tràng đảm nhận thì nghề đan giỏ ấm tích lại “chọn” đàn ông trong làng. Xuất phát từ nhu cầu ủ trà, giữ cho nước nóng cả ngày, những người đàn ông ở Bát Tràng khéo léo làm nên các bao ấm, bọc bên ngoài bằng giỏ mây, đẹp và tiện dụng. Ông Trần Văn Thu (xóm 1, xã Bát Tràng), một trong hai hộ gia đình còn làm nghề này chia sẻ: Hiện không còn nhiều gia đình làm nghề bởi chi phí sản xuất lớn, lợi nhuận không nhiều trong khi thị trường tiêu thụ ngày càng bị thu hẹp. Nhưng gia đình ông Thu vẫn theo nghề, mong muốn giữ gìn nghề truyền thống được truyền lại mà đến ông đã là đời thứ 4.

Ngoài ra, Bát Tràng cũng được biết đến với nghề thuốc và nghề dạy học bởi đây là ngôi làng có truyền thống hiếu học, đỗ đạt, nhiều người am hiểu nho - y - lý - số.  Theo các bậc cao niên, trước Cách mạng Tháng Tám, làng có hơn 20 thầy lang giỏi, nhiều dòng họ còn theo nghề thuốc đến nay. Nhiều thầy thuốc trong làng xưa đồng thời là thầy đồ. 

Làng cổ thời hội nhập

Đến Bát Tràng ngày nay, người ta dễ dàng bắt gặp cảnh từng đoàn khách trong nước, quốc tế nườm nượp mua sắm, tham quan hay tự tay tạo sản phẩm gốm mang dấu ấn của riêng mình. Các cửa hàng có nhiều mẫu sản phẩm với màu sắc, chất liệu phong phú, có thể phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách. Ông Michael Phan, một Việt kiều Mỹ chia sẻ sau chuyến tham quan làng Bát Tràng trong vòng một ngày: “Tôi không thể tin được rằng làng cổ Bát Tràng giờ đây phát triển đến thế. Có quá nhiều sản phẩm đẹp mà tôi muốn mua làm quà cho người thân và bạn bè. Nhờ hướng dẫn viên chỉ dẫn, tôi lại được đi trên con đường làng cổ, nghe câu chuyện làng xưa và nay, được ăn bữa trưa với những món ăn truyền thống trong ngôi nhà cổ... Ấn tượng thật khó quên!”.

Làng nghề truyền thống Bát Tràng giờ đã thành điểm du lịch đáng chú ý của thành phố Hà Nội. Theo ông Phạm Văn May, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, năm 2019 Bát Tràng đón hơn 2.000 đoàn với khoảng 12.000 lượt khách, tăng 30% so với năm 2018. Tổng giá trị thương mại, dịch vụ du lịch năm 2019 của xã ước đạt trên 1.200 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người/năm. “Đó là nỗ lực đáng ghi nhận của chính quyền và nhân dân xã Bát Tràng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động thu hút khách du lịch như: Giới thiệu sản phẩm du lịch thông minh (xe điện thông minh, máy thuyết minh tự động, trải nghiệm thực tế ảo, bản đồ du lịch 3D), lắp đặt hệ thống wifi miễn phí, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm hấp dẫn”, ông May chia sẻ.

Hiện nay, xã Bát Tràng phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức xây dựng tour 1 ngày tại làng nghề Bát Tràng, gắn kết hoạt động tham quan di tích lịch sử - văn hóa với mua sắm tại làng nghề, tham quan nhà cổ và thưởng thức ẩm thực truyền thống Bát Tràng. Cùng với đó, xã cũng nghiên cứu, xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng của hai làng nghề Bát Tràng, Kim Lan và kết nối với du lịch trải nghiệm nông nghiệp tại xã Văn Đức để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn...

Ứng dụng yếu tố truyền thống và công nghệ hiện đại trong công tác bảo tồn làng nghề truyền thống kết hợp với phát triển du lịch, thực tế đó thể hiện hướng đi đúng, tầm nhìn chiến lược và nhạy bén của chính quyền, người dân xã Bát Tràng nói riêng và ngành Du lịch Hà Nội nói chung. Chính những điều đó đã góp phần tạo dấu ấn đậm nét trong lòng du khách về Bát Tràng - một ngôi làng cổ nghìn năm tuổi nhưng vẫn căng tràn sức sống, hơi thở của thời đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bát Tràng dấu ấn làng cổ nghìn năm tuổi