Bình Đà những ngày xuân

Nguyễn Văn Công| 07/02/2020 15:30

(HNMCT) - Mặc dù nghề làm pháo nổi tiếng xưa đã không còn nhưng làng Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) không vì thế mà tụt hậu về kinh tế so với những làng khác, mà thậm chí còn đang ngày một rộn ràng, nhộn nhịp hơn, nhất là trong những ngày đầu xuân này.

Tự hào đất Tổ

Làng Bình Đà nằm ở nơi giao nhau giữa tỉnh lộ 427 với quốc lộ 21B, cách sông Nhuệ vài cây số. Những ngày cận Tết, xe cộ đi ngoài đường rất đông, ai nấy đều có vẻ náo nức, rộn rã. “Những năm trước khi có chỉ thị cấm sản xuất, vận chuyển, đốt pháo nổ (Chỉ thị 406 - TTg ngày 8-8-1994, có hiệu lực từ 1-1-1995), những ngày gần Tết, làng Bình Đà chật cứng người ra vào để mua pháo” - ông Nguyễn Văn Kíp, 88 tuổi, có 60 năm tuổi Đảng, một “nghệ nhân” làm pháo một thời chia sẻ.

Theo chân ông Kíp, chúng tôi tham quan một vòng làng Bình Đà với nhiều nếp nhà cổ kính, cảnh đường làng phố chợ nhộn nhịp. Dừng chân tại đền Nội, được nghe ông Kíp kể truyền thuyết Lạc Long Quân trên đường dẫn 50 người con xuống biển, thấy đất Bình Đà màu mỡ đã cho các con dừng chân, dựng trại khai khẩn, lập nên xóm làng. Nhìn tấm biển “Đền Quốc Tổ” cùng bức phù điêu có cảnh Lạc Long Quân xem hội đua thuyền, không khỏi thấy tự hào khi trở về vùng đất này.

Ông Kíp như một nhà sử học kể cho chúng tôi chi tiết: “Đất Bình Đà từng là căn cứ của Đỗ Cảnh Thạc trong thời loạn 12 sứ quân, cũng là nơi vua Lý Thái Tông chọn để tổ chức lễ hội tịch điền vào năm 1032 khi thấy đây là khu đất thiêng nằm gần kinh thành Thăng Long”. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhân dân thôn Bình Đà đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, động viên bà con lao động, sản xuất, làm hậu phương vững chắc cho miền Nam ruột thịt. Chẳng thế mà Bình Đà còn được xem là "quê hương" của những cánh đồng 5 tấn, 10 tấn, là làng dẫn đầu miền Bắc về sản lượng lúa. Ông Kíp bồi hồi nhớ lại lần được gặp Bác, khi đó ông đang là Chủ nhiệm Hợp tác xã: “Tôi đang cày dở, chân còn lấm bùn, đầu đội mũ cát, nghe tin Bác về tôi tức tốc lên nhà thờ Thạch Bích nghe Bác huấn thị. Lúc đó tôi chỉ đứng cách Bác Hồ ba mét”.

Đến năm 1985, người Bình Đà vui mừng đón tin xã Bình Minh “của mình” được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, minh chứng cho thời kỳ lao động quật cường của nhân dân trong xã.

Ký ức một thời

Hội làng Bình Đà được tổ chức hằng năm tại cả đình Nội và đình Ngoại để tưởng nhớ và tri ân hai vị Thành hoàng của làng.

“Nhất pháo Bình Đà, nhì gà Đông Tảo” là câu nói về nghề làm pháo trứ danh ở Bình Đà được nhiều người biết tới. Ông Kíp chia sẻ thêm: "Dân Bình Đà làm pháo thường xuyên từ lâu rồi. Loại được làm phổ biến thời trước là pháo bông, pháo bèo, pháo Trúc Bạch, pháo Nam Hải Hoàng Hoa...".

Tuy là làng nghề làm pháo nổi danh khắp miền Bắc nhưng người theo nghề khó làm giàu được vì mặt hàng pháo nổ chỉ bán chạy vào dịp Tết. Ngoài việc bán pháo cho các địa phương khác, người Bình Đà còn làm pháo để thi tài cao thấp với nhau. Vào tháng 3 âm lịch hằng năm, thời điểm diễn ra hội làng Bình Đà, các thôn làm pháo thi. Họ làm pháo cây, pháo bông, pháo hoa và đặc biệt là loại pháo 16 quả nổ “một tiếng” (pháo bèo)...

“Năm 1982, tôi nghỉ hưu và được Bí thư Huyện ủy lúc đó là ông Nguyễn Ngọc Khoa mời làm tổ trưởng kỹ thuật Xưởng pháo Thanh Oai. Nghề pháo khi đó rất phát triển nhưng người làm pháo chẳng khác gì “cưỡi trên lưng hổ”, độ rủi ro cao. Ở Bình Đà ít nhất có 2 người thiệt mạng vì pháo, chưa kể hàng trăm vụ nổ gây thương tích. Sau khi Chính phủ ban hành chỉ thị cấm sản xuất, vận chuyển, đốt pháo nổ, tuy lúc đầu người dân có đôi chút hụt hẫng nhưng dần cũng quen, và người Bình Đà dần chuyển sang các nghề khác”, ông Kíp nói.

Ông Phạm Quốc Nhật, 85 tuổi, người Bình Đà phân tích: “Trước đây các cụ có lời nguyền rằng nghề pháo chỉ được truyền cho con đẻ, người đó phải hiền lành, ngoan ngoãn, chứ tuyệt đối không được truyền nghề ra bên ngoài. Vì vậy, nghề làm pháo như ăn sâu vào máu của người dân Bình Đà. Sau khi thôi nghề, tuy có chút khó khăn nhưng lớp trẻ nhiều người vẫn cố thoát ly để học hành, trở thành kỹ sư, bác sĩ, chủ doanh nghiệp, buôn bán nhỏ..., đời sống cũng dần đi vào ổn định”.

Tới thăm nhà anh Nguyễn Hữu Bình - Trưởng thôn Chua (làng Bình Đà xưa), anh Bình phấn khởi cho chúng tôi hay: “Người dân Bình Đà không còn nuối tiếc nghề pháo nữa mà chỉ nhớ về những kỷ niệm đẹp. Hiện giờ Bình Đà cũng phát triển nhiều ngành nghề như bao làng ngoại thành khác, đời sống nhân dân khấm khá, tỷ lệ con em vào đại học mỗi năm một tăng. Năm 2020, Bình Đà sẽ hoàn thành tiêu chí cuối cùng để đạt chuẩn Nông thôn mới”.

Phát huy thế mạnh di sản

Mặc dù kinh tế Bình Đà đã phát triển ổn định sau nhiều năm từ bỏ nghề sản xuất pháo, nhưng xét về khía cạnh di sản văn hóa thì mảnh đất cổ này vẫn ở dạng tiềm năng, chưa thực sự phát huy được giá trị như kỳ vọng.

Ông Nguyễn Văn Đàm, thủ từ đền Nội chia sẻ: "Bức phù điêu có hình Lạc Long Quân xem đua thuyền được sơn son thếp vàng, có niên đại trên 1.000 năm nhưng vẫn còn vẹn nguyên, thần thái như ngày nào. Năm 2016, bức phù điêu này được công nhận là Bảo vật quốc gia. Trước đền Nội là 4 cây di sản. Đền Nội được đánh giá là một trong những ngôi đền có quy mô và kiến trúc đẹp nhất miền Bắc, thu hút giới kiến trúc về tham quan, nghiên cứu".

Nói về đỉnh Ba Gò, tương truyền là nơi an táng Quốc Tổ, ông Kíp kể: “Từ khi còn nhỏ tôi đã thấy các cụ đào đất lên phát hiện tường xếp bằng gạch múi cam, phỏng đoán là có từ thời Hùng Vương. Tuy vậy, đây mới chỉ là phỏng đoán”. Hiện tại, trên đỉnh là một hương án bằng đá, có lọ hoa và bát hương đơn sơ, đằng sau là một tấm bia có dòng chữ “Quốc Tổ chi mộ”. 

Trưởng thôn Chua - anh Nguyễn Hữu Bình chia sẻ, năm 2014 lễ hội Bình Đà được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trước đây, lễ hội diễn ra trong 10 ngày, từ ngày 27-2 đến 6-3 âm lịch với rất nhiều hoạt động, nhân dân nô nức đến dự hội. Ngày nay, lễ hội được rút xuống còn 3 ngày vào đầu tháng 3 âm lịch nhưng vẫn đầy đủ nghi thức truyền thống, đặc biệt nhất là lễ rước kiệu đêm... Thú vị là thế nhưng lễ hội chưa thu hút được nhiều du khách. Một phần do sản phẩm du lịch còn hạn chế, công tác tổ chức còn chưa quy củ, một phần do chưa có nhiều du khách biết đến giá trị di sản và tiềm năng du lịch văn hóa tại Bình Đà.

Ngắm nhìn tổng thể đỉnh Ba Gò, dễ thấy cỏ hoang mọc cao, hương án thờ Quốc Tổ có phần đơn sơ, các đồ thờ chưa có phương án bảo vệ, dễ bị hư hại bởi mưa nắng hoặc mất trộm. Với giá trị lịch sử văn hóa lớn như vậy, khu vực đồi Ba Gò xứng đáng được quan tâm và bảo vệ nhiều hơn từ phía các cơ quan quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu cũng như chính quyền địa phương và cộng đồng người dân...

Trước khi chia tay khách, Trưởng thôn Nguyễn Hữu Bình cho biết thêm: Phát huy thế mạnh từ di sản sẽ vừa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương vừa giúp bảo tồn di tích văn hóa và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân cả nước. Đây là cơ hội quý để đạt được nhiều mục tiêu, vì thế mà ngoài trông đợi các cơ quan quản lý văn hóa, chuyên gia thiết kế một số tour văn hóa, trong thời gian tới bản thân người dân Bình Đà cần tích cực tham gia giữ gìn cảnh quan, bảo tồn di sản, cùng chính quyền địa phương hình thành những sản phẩm, dịch vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Đà những ngày xuân