Vàng son một  thuở

PGS.TS Nguyễn Minh Tường| 28/01/2020 07:07

(HNMCT) - Thăng Long - Hà Nội luôn là đất “địa linh nhân kiệt”, tụ nhân, tụ tài và lan tỏa tinh hoa. Và trong hơn ngàn năm lịch sử của đất kinh kỳ văn hiến, thời Lê Trung hưng được xem là một thời kỳ đặc biệt, với rất nhiều thành tựu phát triển rực rỡ trong các lĩnh vực.

Tháp Bút. Ảnh: Lê Việt Khánh

Vài nét về cục diện vua Lê - chúa Trịnh

Thời Lê Trung hưng, tức là thời kỳ phục hồi vương triều Lê sơ (1428 - 1527) sau khoảng nửa thế kỷ rơi vào tay họ Mạc, còn gọi là thời Lê - Trịnh, kéo dài 256 năm (1533 - 1789).

Tương truyền, vào thế kỷ XVI Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhận định: “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong”. Câu sấm nổi tiếng nói về cục diện vua Lê - chúa Trịnh từ giữa thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII. Sử gia Phan Huy Chú ở thế kỷ XIX viết rằng: “Không chỉ có riêng một vua, cũng không chỉ có riêng một chúa, nhưng quyền lực của hai người bao trùm thiên hạ” (Lịch triều hiến chương loại chí). Có thể nói, đó là một thể chế chính trị độc đáo, thể hiện sự đổi mới, sáng tạo của cha ông ta từ cách đây hàng trăm năm. Một số học giả đương đại gọi đó là “Song trùng quyền lực”, có người gọi là “Lưỡng đầu chế” (Diarchy) - thể chế trong đó hai vị nguyên thủ quốc gia cùng cai trị, hiện vẫn tồn tại ở một số nước trên thế giới.

Chúa Trịnh và vua Lê liên kết, gắn bó trên nhiều khía cạnh: Cùng quê hương (Thanh Hóa), nương tựa nhau trong một thời gian dài khởi dựng sự nghiệp - thời kỳ Nam triều (1533 - 1592) ở vùng Thanh - Nghệ, đối đầu với Bắc triều (1527 - 1592) của họ Mạc, ngoài ra còn có quan hệ hôn nhân ràng buộc, bền chặt. Lịch sử thời Lê - Trịnh có một vài cặp như vua Lê Thần Tông - chúa Trịnh Tráng, vua Lê Hy Tông - chúa Trịnh Căn, vua Lê Dụ Tông - chúa Trịnh Cương... được xem là điển hình cho mối quan hệ gắn bó trong việc trị quốc, an dân. Nhưng dù có tốt đẹp thế nào chăng nữa thì nhìn chung các vua Lê cũng chỉ “rủ áo khoanh tay”, còn mọi việc lãnh đạo, điều hành quốc gia nằm trong tay các chúa Trịnh.

Vai trò của họ Trịnh đối với quốc gia Đại Việt

Đại Việt thời Lê Trung hưng không chỉ duy nhất có chính quyền Lê - Trịnh ở phía Bắc, mà còn chính quyền chúa Nguyễn ở phía Nam. Tháng 12 năm Nhâm Tý (1672), sau gần nửa thế kỷ chiến tranh, chúa Trịnh Tạc và chúa Nguyễn Phúc Tần cùng thừa nhận sông Gianh là biên giới tự nhiên giữa hai miền. Phía Bắc là Bắc Hà, hay Đàng Ngoài (người phương Tây thường gọi là Vương quốc Đàng Ngoài - Royaume de Tonkin), phía Nam là Đàng Trong (Vương quốc Đàng Trong - Royaume de Cochinchine), cùng theo niên hiệu vua Lê. Và bài viết này chỉ xem xét vai trò của họ Trịnh đối với Đàng Ngoài.

Sau khi đánh thắng nhà Mạc, trở về kinh đô Thăng Long (năm 1592), việc đầu tiên chúa Trịnh Tùng làm là bình thường hóa quan hệ bang giao với nhà Minh. Chính sách đối ngoại mềm dẻo, khôn khéo nhưng cũng khá mạnh mẽ, cương quyết của các chúa Trịnh đã giúp Đại Việt tránh được các cuộc xung đột với phương Bắc. Đặc biệt, thời chúa Trịnh Cương xảy ra cuộc đấu trí ngoại giao để đòi lại mỏ đồng Tụ Long (thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang ngày nay), kết quả là tháng 6 năm Mậu Thân (1728), triều đình nhà Thanh phải trao trả mỏ đồng Tụ Long cho Đại Việt...

Các chúa Trịnh, từ Trịnh Tùng, Trịnh Tráng, Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Cương đến Trịnh Doanh, Trịnh Sâm đều quan tâm tới giáo dục, tuyển chọn nhân tài. Khoa cử Nho học được duy trì khá đều đặn. Những kỳ thi cao cấp như thi Tiến sĩ, thi Minh kinh, thi Đông các... được tổ chức tại kinh thành. Chế độ thi cử rộng rãi hơn thời Lý, Trần. Quân lính cũng được đọc sách, được học, được thi. Cuối thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII, chúa Trịnh cho phép con nhà hát xướng cũng được đi thi, được làm quan. Thời Lê - Trịnh tổ chức 64 khoa thi chính, tuyển chọn được 717 vị Tiến sĩ, trong đó 6 Trạng nguyên (Nguyễn Xuân Chính khoa thi năm 1637, Nguyễn Quốc Trinh năm 1659, Đặng Công Chất năm 1661, Lưu Danh Công năm 1670, Nguyễn Đăng Đạo năm 1683, Trịnh Tuệ năm 1736) và 1 Bảng nhãn - Tam nguyên là Lê Quý Đôn.

Nhờ có những chính sách đúng đắn nên thời Lê - Trịnh văn hóa Đại Việt rất phát triển, nhất là văn học (chữ Hán, chữ Nôm) và sử học. Một lý do nữa là do đa phần các chúa Trịnh đều uyên thâm Hán học, có tài thi ca. Có 3 chúa Trịnh được xưng tụng “nhà thơ Việt Nam” là Trịnh Căn, Trịnh Doanh và Trịnh Sâm. Chúa Trịnh Căn (1633 - 1709) là tác giả của tập thơ Nôm Ngự đề Thiên Hòa doanh bách vịnh. Trịnh Doanh (1720 - 1767) có tác phẩm thơ Nôm Càn Nguyên ngự chế thi tập. Chúa Trịnh Sâm (1737 - 1782) sáng tác nhiều, tác phẩm để lại có Nam tuần ký trình thi, Tâm thanh tồn dụy tập... Thời kỳ này đặc biệt phát triển thơ “vịnh sử”, thơ “đi sứ” với Vịnh sử thi của Nguyễn Tông Khuê, Nguyễn Bá Lân và Ngô Tuấn Cảnh; Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập của Phùng Khắc Khoan; Hoa trình thi tập của Nguyễn Quý Đức... Các nhà sử học như Phạm Công Trứ, Lê Hy kế tiếp công việc của Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh... viết các bộ Đại Việt sử ký - Bản ký tục biên, rồi Đại Việt sử ký tục biên. Lê Quý Đôn có Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục...

Những cải cách thời Lê - Trịnh giúp kinh tế Đại Việt có nhiều khởi sắc, hội nhập mạnh mẽ với quốc tế. Từ giữa thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVII, hầu hết các cường quốc thương mại phương Tây đều đến buôn bán với “Vương quốc Đàng Ngoài”. Chính sách truyền thống “Trọng nông ức thương”, “Bế quan tỏa cảng” được nới lỏng. Từ đây, giới doanh nhân Đại Việt đã tham gia tích cực vào hoạt động thương mại khu vực...

Thăng Long thời Lê - Trịnh

Trong bài thơ Thượng kinh tự hoài, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tả cảnh Thăng Long như sau: “Y quan văn vật sinh trung thổ/ Lâu quán đình đài tiếp viễn thiên” (Áo mũ rất sang, đầy đỏ tía/ Lâu đài trời ngất, nối xinh tươi). Quả thực là trong lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long thời Trung đại (từ thời Lý đến thời Nguyễn), chưa bao giờ đô thị này lại phát triển phồn thịnh như thời Lê - Trịnh.

Năm 1599, chúa Trịnh Tùng cho xây phủ Chúa ở ngoài Hoàng thành và đây mới thực sự là cơ quan đầu não của chính quyền trung ương thời Lê - Trịnh. Theo các bản đồ thời Lê thì phủ Chúa ở phía nam tháp Báo Thiên (phía tây hồ Hoàn Kiếm, khu vực Nhà thờ Lớn hiện nay), có tường thành bao bọc hình vuông, mở hai cửa Chính Môn ở phía nam và Tuyên Vũ ở phía đông (nhìn ra hồ Hoàn Kiếm). Thương gia người Anh S.Baron mô tả trong cuốn Desciption des royaumes de Tonquin (Ghi chép về vương quốc Đàng Ngoài) như sau: “Phủ Chúa ở trung tâm thành phố Kẻ Chợ. Nó rất rộng rãi và có tường thành bao bọc xung quanh… Những cung điện bên trong xây cao hai tầng, có nhiều cửa thoáng đãng. Các cửa đều đồ sộ nguy nga, tất cả đều bằng gỗ lim”.

Trước kia hồ Hoàn Kiếm gồm hai phần, phần trên từ Hàng Đào, Hàng Dầu xuống Hàng Khay, phần dưới từ Hàng Khay xuống đến Hàng Chuối. Giữa hai phần hồ có rẻo đất dài chạy từ Hàng Khay đến Nhà hát Lớn (gần trùng với phố Tràng Tiền hiện nay). Chúa Trịnh cho xây dựng các lâu đài, cung điện dọc phía tây bờ hồ và đặt tên phần trên là hồ Tả Vọng, tức hồ Hoàn Kiếm hiện tại, và phần dưới là hồ Hữu Vọng (bị san lấp cuối thế kỷ XIX) với hàm ý “vọng về phủ Chúa”!

Hồ Tả Vọng và Hữu Vọng là nơi luyện tập thủy quân nên còn gọi là hồ Thủy Quân. Trên gò Ngọc Sơn ở hồ Tả Vọng, chúa Trịnh Giang dựng cung Thụy Khánh và cho đắp hai trái núi đất ở bờ hồ phía đông gọi là núi Ngọc Bội và núi Đào Tai (sau này núi Đào Tai bị san bằng). Năm 1865 danh sĩ Nguyễn Văn Siêu cho dựng trên núi Ngọc Bội ngọn tháp hình bút lông, gọi là Tháp Bút. Gần cửa ô Tây Long, chúa Trịnh cho xây cung Tây Long, cạnh đó là lầu Ngũ Long cao 300 thước (khoảng 100 mét) ở thôn Cựu Lâu (vị trí phố Tràng Tiền ngày nay) để làm nơi duyệt quân. Cùng với các cung điện là hồ cảnh, nguyệt đài, thủy tạ, chuồng voi, chuồng ngựa, kỳ đài, bãi hội quân và duyệt quân. Năm 1662 Quốc Tử Giám cũng được sửa sang lại. Năm 1724, Võ học sở ở gần sông Nhị Hà được khánh thành (theo Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn)...

Cùng với việc mở rộng đô thị, sự phát triển kinh tế của Đàng Ngoài là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự hưng khởi của Thăng Long. Xung quanh kinh thành là những làng nghề như La Khê, La Cả, La Nội (Sơn Nam) chuyên dệt the lụa; làng Vạn Phúc (Sơn Nam) dệt gấm; làng Đại Bái, Đề Cầu, Đông Mai (Kinh Bắc) đúc và làm đồ đồng; thợ vàng bạc ở Định Công; thợ tiện gỗ ở Nhị Khê (Sơn Nam); nghề gốm ở Bát Tràng; dệt lĩnh ở Trích Sài và Bái Ân; làm giấy ở Yên Thái, Hồ Khẩu và Nghĩa Đô...

Một hiện tượng trước đó chưa từng có, đó là đầu thế kỷ XVII ở Thăng Long bắt đầu có người phương Tây đến cư trú và buôn bán. Đông nhất là người Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, dần dần là người Tây Ban Nha, Pháp... Những công ty thương mại Hà Lan và Anh đã lập thương điếm tại bờ sông Hồng. Các tiệm buôn Trung Quốc, Nhật Bản cũng xuất hiện nhiều.

Nhờ có hệ thống sông ngòi thuận tiện nên quan hệ kinh tế giữa Thăng Long với các địa phương ngày càng chặt chẽ. Thuyền buôn từ Thanh Hóa - Nghệ An và Đàng Trong, cũng như thuyền buôn từ mạn ngược về kinh thành luôn nhộn nhịp. Thương gia S.Baron có cửa hiệu ở Thăng Long khoảng cuối thế kỷ XVII nhận xét về sông Hồng như sau: “Đối với kinh thành sông này cực kỳ thuận lợi: Tất cả các thứ hàng hóa đều đem tới đây, đây là nơi thâu tóm mọi hoạt động trong nước với một số lượng thuyền bè vô tận, đi đi lại lại khắp nước để buôn bán”. Sông Tô Lịch cũng tấp nập thuyền bè ra vào. Phường Hà Khẩu (phố Hàng Buồm hiện nay) ở ngã ba sông Tô, sông Hồng tập trung nhiều hiệu buôn của người ngoại quốc. Hồ Tây khi ấy còn thông với sông Tô nên những phường ven bờ như Nhật Chiêu, Tây Hồ đều có thuyền bè sầm uất. Có thể nói, 36 phố phường của Thăng Long thời kỳ này thương mại khá phát triển, tựa như một cái chợ lớn. Đâu phải ngẫu nhiên mà Thăng Long thời Lê - Trịnh được gọi bằng cái tên “Kẻ Chợ”!

Buôn bán thịnh vượng thì dân số càng tăng. Cố đạo Alexandre de Rhodes phỏng đoán dân số Thăng Long đầu thế kỷ XVII có thể đến 1 triệu người (?), còn thương gia W.Dampier ước tính Kẻ Chợ có chừng 20.000 nóc nhà. Nhiều thương nhân, giáo sĩ phương Tây nhìn nhận, Thăng Long có tầm vóc của một thành phố lớn của châu Á, thậm chí có người còn so sánh với Venise của Italia hay Paris của Pháp!

Nhờ những chính sách khá cởi mở nên văn hóa - giáo dục ở Thăng Long thời kỳ này rất phát triển. Trường Quốc Tử Giám được mở rộng hơn trước và thường xuyên nhận lưu trú những học sinh đã thi Hương trúng tuyển 4 kỳ, gọi là Giám sinh. Đặc biệt, thời Lê - Trịnh có nhiều trường tư do các danh nho, danh sĩ lập nên. Được sử sách nhắc đến nhiều là trường Hào Nam của danh sĩ Vũ Thạnh (người làng Đan Loan, huyện Đường An, trấn Hải Dương). Học trò của ông nhiều người đỗ cao, làm bầy tôi danh vọng của triều đình Lê - Trịnh.

Dưới thời Lê Trung hưng, Phật giáo được phục hưng ở Đàng Ngoài. Nhiều ngôi chùa mới được dựng lên ở Thăng Long như chùa Liên Tông (chùa Liên Phái) ở phường Hồng Mai, huyện Thọ Xương (ngõ Chùa Liên Phái, phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng ngày nay) do Thiền sư Như Trừng (1696 - 1733) trụ trì. Nhiều ngôi chùa nổi tiếng khác cũng được tu tạo như chùa Khai Quốc (năm 1624, đến năm 1628 lại trùng tu một lần nữa và đổi tên là chùa Trấn Quốc); chùa Hồng Phúc (chùa Hòe Nhai ở phố Hàng Than, năm 1687). Năm 1771, chúa Trịnh Sâm cho xây lại chùa Đại Bi ở phường Nghi Tàm bên Hồ Tây và đổi tên là chùa Kim Liên... Năm 1680, quán Trấn Võ (tức đền Quán Thánh, xây năm 1102 đời Lý) được trùng tu, năm 1681 đúc tượng Thánh Trấn Võ tức Huyền Thiên Trấn Vũ Chân quân - vị thần trấn giữ phương Bắc, bằng đồng đen, cao 3,72 mét, nặng 4 tấn...

Đặc biệt, thời kỳ này đời sống văn học nghệ thuật ở Thăng Long rất phát triển và hình thành một lớp nho sĩ, danh sĩ tài năng được người đời ca ngợi là “danh sĩ Bắc Hà” hay “danh sĩ Thăng Long”. Có thể kể đến Đoàn Thị Điểm với Truyền kỳ tân phả và bản dịch chữ Nôm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn; Lê Hữu Trác với tác phẩm Hải Thượng y tông tâm lĩnh và Thượng kinh ký sự nổi tiếng; Lê Quý Đôn, nhà bác học có kiến thức uyên bác và đa dạng, trước tác hàng mấy chục tác phẩm, trong các lĩnh vực văn học, triết học, địa lý học, sử học, khảo cứu...; Ngô Thì Sỹ với các tập thơ Anh ngôn thi tập, Quan lan thi tập... và các tác phẩm sử học: Việt sử tiêu án, Đại Việt sử ký tục biên; Nguyễn Gia Thiều có Ôn Như thi tập và nhất là Cung oán ngâm khúc được ca ngợi là “Thiên đoàn bách luyện, ngữ ngữ kinh nhân” (Trăm nghìn lần điêu luyện, mỗi câu đọc lên nghe đến ghê người); Ngô Thì Nhậm với Kim mã hành dư, Hàn các anh hoa, Bang giao hảo thoại, Xuân Thu quản kiến, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh... và không thể không nhắc đến “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương với rất nhiều tác phẩm để đời.

Với những thành tựu trong các lĩnh vực, có thể nói thời Lê Trung hưng, tức thời Lê - Trịnh, là một thời kỳ phát triển rực rỡ trong ngót 1.000 năm lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam (939 - 1884). Như đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, đã nhận định trong bài viết Thời Lê - Trịnh trong ngàn năm Thăng Long (năm 2010), những đóng góp to lớn của thời Lê - Trịnh với quốc gia Đại Việt nói chung và với Thăng Long - Hà Nội nói riêng cần được đánh giá khách quan để làm sáng tỏ những “mảng khuất” còn “phủ bụi thời gian”, đồng thời có thể khai thác được những tinh hoa của quá khứ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vàng son một  thuở