Quần thể Di tích đền Hai Bà Trưng được công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt

Nhật Hạ| 26/01/2020 09:08

(HNM) - Quận Hai Bà Trưng hiện có 51 di tích lịch sử văn hóa, 22 di tích cách mạng kháng chiến, trong đó 22 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 12 di tích xếp hạng cấp thành phố. Những năm qua, quận luôn xác định bảo tồn di sản văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững.

Đền Hai Bà Trưng, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Hội tụ khí phách và tinh hoa của nữ tướng

Tháng 3 năm 40 (sau công nguyên), hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị là con gái lạc tướng Mê Linh, hậu duệ đời thứ 25 của Vua Hùng, trước cảnh nước mất nhà tan, căm thù quân giặc tàn bạo, đã phất cờ khởi nghĩa. Lời thề  “Đền nợ nước, trả thù nhà” của hai bà Trưng Trắc - Trưng Nhị trên dòng sông Hát đã vang vọng núi sông với hàng vạn dân chúng, tướng lĩnh, nghĩa quân cùng Hai Bà Trưng ào ào xuất trận với khí thế dũng mãnh. Chỉ trong thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo tài tình của Hai Bà Trưng, ngọn cờ chính nghĩa đã tung bay chiến thắng. Nền độc lập được khôi phục, chấm dứt giai đoạn thống trị của phong kiến phương Bắc lần thứ nhất (dài 246 năm). 

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là kết tinh của một quá trình đấu tranh kiên cường, bất khuất của người dân Việt cổ. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đã khắc dấu son đầu tiên trong lịch sử dân tộc, khẳng định vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Dấu ấn này làm vẻ vang, rạng rỡ non sông đất nước, tạo dựng truyền thống quý báu “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam. 

Lên ngôi vua được 3 năm, quân giặc lại tràn sang. Ngày 6-2 năm Quý Mão, tương truyền sau khi quyết chiến với kẻ thù, Hai Bà Trưng đã gieo mình xuống sông Hát tuẫn tiết. Sau khi mất, khí phách anh linh của Hai Bà Trưng kết thành tượng đá, theo dòng nước trôi xuôi, tới vùng đất bên dòng sông Cái. Một đêm đầu tháng Hai (âm lịch), hai pho tượng tỏa sáng trên dòng sông Nhị, trước bãi Đồng Nhân. Dân làng Đồng Nhân Châu xưa (nay là bến Bạch Đằng) lấy vải đỏ làm lễ rước tượng vào bờ. Tượng đá có hai tay giơ cao như đang rẽ nước tiến lên, đầu đội mũ trụ, thân mặc áo giáp đỏ với tư thế lẫm liệt của nữ Anh hùng. Vua Lý Anh Tông, niên hiệu Đại Định 3 (1142) được tin, truyền lập đền thờ khang trang ngay tại bờ bãi. Năm Gia Long thứ 18 (1819), do sạt lở bờ sông, đền thờ Hai Bà Trưng được chuyển vào khu vực Võ Miếu, thôn Hương Viên, huyện Thọ Xương, là phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng ngày nay.

Nhân lên niềm tự hào, mãi tỏa sáng dũng khí hào hùng

Hằng năm mỗi độ xuân về, vào ngày 6 tháng Hai (âm lịch), Lễ hội kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng lại được nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội tổ chức để tưởng nhớ công lao to lớn của Nhị vị Vua Bà, các vị tướng lĩnh tài ba, các nghĩa binh trung liệt và nhân dân đương thời anh dũng chiến đấu bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Đầu xuân 2020, nhân kỷ niệm 1980 năm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, cán bộ, nhân dân trong quận vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng Quần thể di tích đền Hai Bà Trưng là Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Di tích gồm 3 hạng mục chính: Đền Hai Bà Trưng (đền Hai Bà hay đền Đồng Nhân) có kiến trúc theo kiểu “nội công, ngoại quốc” thờ Hai Bà Trưng và 6 vị nữ tướng thân tín. Trong đền bảo lưu nhiều di vật quý như đạo sắc phong của triều Lê và Nguyễn; tượng thờ; bia đá cổ, tượng 2 ông voi, bộ kiệu thời Nguyễn cùng nhiều cửa võng, hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng tạo nên sự lộng lẫy, trang trọng nơi điện thờ. 

Đình Đồng Nhân nằm sát bên phải đền Hai Bà Trưng, thờ thần Cao Sơn Đại Vương, Quốc Vương Thiên Tử, thần Đô Hồ Đại Vương. Ngoài 3 vị thần này, đình còn thờ các vị thủy thần có công phù trợ cho cư dân sống ở ven sông. Đình Đồng Nhân hiện còn 17 đạo sắc phong (5 đạo sắc triều Lê, có niên đại sớm nhất được phong vào năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783); 2 pho tượng Phỗng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn; bia đá cổ, hạc thờ, khám thờ, cửa võng, có giá trị lịch sử, nghệ thuật, thẩm mỹ.

Chùa Viên Minh nằm bên trái đền, tên chữ Hán là “Viên Minh Tự”, tục truyền là tên gọi theo pháp hiệu của Hai Bà Trưng khi được triều đình nhà Lê tôn lên thành phật. Tên Nôm là chùa Đồng Nhân hoặc được gọi với tên thành kính chùa Hai Bà. Bia cổ lưu tại chùa có tiêu đề: “Viên Minh Thiền tự kỷ niệm bi chí” (bài văn trên bia kỷ niệm chùa Viên Minh), được tạo tác dưới triều Bảo Đại thứ 7 (1932). Trong chùa còn bảo lưu nhiều di vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật, thẩm mỹ. Đến nay, Quần thể di tích đền Hai Bà Trưng trở thành điểm tham quan thường xuyên của du khách.

Những người con đất Việt hôm nay vinh dự, tự hào biết bao khi được sống, làm việc tại quận mang tên Hai Bà Trưng. Tiếp nối truyền thống của hai nữ tướng Anh hùng dân tộc Trưng Trắc - Trưng Nhị và truyền thống anh hùng của quận, cùng với công cuộc đổi mới của Thủ đô, của đất nước, năm 2018 và 2019, quận Hai Bà Trưng được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ. Trong không khí đầu xuân với quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hai Bà Trưng ra sức thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quần thể Di tích đền Hai Bà Trưng được công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt