Nguồn lực nội sinh

Triều Dương| 25/01/2020 08:04

(HNM) - Kể từ buổi đầu Lý Thái Tổ định đô đến nay đã hơn 10 thế kỷ. Thăng Long - Hà Nội, với đặc trưng tụ hội bốn phương, vẫn thu hút lớp lớp tinh hoa, bồi dưỡng, vun đắp nên nền văn hóa đậm đà bản sắc, cùng lối ứng xử “ý nhị, tế vi, tao nhã và thanh lịch”. Dù đời sống hôm nay có nhiều thay đổi, nếp sinh hoạt, ứng xử của người Hà Nội cũng mang nhiều yếu tố mới thì “chất” Hà Nội, với nét thanh lịch Tràng An, vẫn là mạch ngầm lấp lánh, củng cố nguồn lực nội sinh cho mảnh đất Kinh kỳ.

“Nhất lịch, nhất sắc - Kinh kỳ Thăng Long”

Từ lâu, văn hóa, cốt cách người Hà Nội đã được định vị trong những “hào hoa”, “thanh lịch”, biểu hiện ở trí tuệ, tâm hồn, thị hiếu cảm thụ lẫn chuẩn mực ứng xử. Đón nhận những tác động văn hóa từ nhiều vùng miền, quốc gia, người Hà Nội cởi mở với cái mới, song biết tiếp thu có chọn lọc để làm giàu phong cách, lối sống, hình thành nên thương hiệu riêng có: “Nhất cao là núi Ba Vì. Nhất lịch, nhất sắc - Kinh kỳ Thăng Long”.

Có thể thấy thanh lịch là yếu tố quan trọng trong cốt cách, văn hóa người Thăng Long - Hà Nội suốt chiều dài lịch sử. Nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Đạo Thúy từng cắt nghĩa: “Thanh” là không tục, không thô lỗ. “Lịch” là lịch thiệp, lịch sự. Thanh lịch chỉ phong cách sống đặc trưng của người Thăng Long - Hà Nội thể hiện ở nếp ăn, nếp ở, phong cách giao tiếp, ứng xử, khiếu thẩm mỹ... 

Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Lâm (làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm) thì bày tỏ: Người Hà Nội ăn uống không chỉ cốt cung cấp năng lượng, mà còn bộc lộ sự đảm, khéo, nền nếp được rèn giũa ra sao. Vốn là con gái phố Hàng Than, con ông chủ gara ô tô nổi tiếng Hà thành một thời, bà Nguyễn Thị Lâm từ nhỏ đã được sống trong sung túc, song cũng chịu sự “uốn nắn” nghiêm cẩn theo nếp nhà phố cổ.

“Kị nhất là đua đòi, xa hoa. Thứ nhì là vô phép...”, bà nhớ lại: “Chị em tôi được chỉ bảo từ lời “thưa gửi, vâng dạ” đến cách ăn mặc, đi đứng, giao thiệp. Việc nấu nướng cũng được dạy dỗ cẩn thận. Món ăn không chỉ chế biến đơn thuần, mà còn phải sao cho tinh tế, hấp dẫn, bởi theo các cụ, cách lo việc bếp núc, hay lối ứng xử của mỗi người sẽ phản ánh nền tảng văn hóa, giáo dục của gia đình”. Nếp ăn ở, lối ứng xử đặc trưng ấy theo bà Nguyễn Thị Lâm suốt cuộc đời, tác động đến cả tâm huyết gìn giữ, quảng bá tinh hoa văn hóa Thăng Long - Hà Nội thông qua nghệ thuật ẩm thực truyền thống. Nhiều năm qua, ngôi nhà của bà là nơi lui tới thường xuyên của những người yêu và muốn tìm hiểu về ẩm thực cũng như nét xưa Hà Nội.

Giống với nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Lâm, nghệ nhân hoa lụa Mai Hạnh (phố Chả Cá, quận Hoàn Kiếm) tạo ấn tượng bởi lối sống giản dị, thanh nhã, cung cách ứng xử lịch lãm, khiêm nhường - những điều mà như bà thổ lộ, đều được thừa hưởng từ nếp sống của lớp người đi trước. Bà Mai Hạnh kể: “Mẹ tôi thường nhắc nhở, phải luôn khiêm tốn, nhu hòa, ai khen chê cũng cần có thái độ vui vẻ tiếp nhận. Ở trong nhà thiếu thốn thì cũng chỉ mình biết, nhưng bước ra ngoài mà xử sự hẹp hòi, thì sẽ bị thiên hạ chê cười”.

Phong cách Tràng An thanh lịch, lối ứng xử mẫu mực, khuôn thước không chỉ là nét thuần phong mỹ tục của người Hà Nội, mà còn tạo ấn tượng sâu đậm, trở thành nguyên do để người bốn phương thêm yêu, thêm nhớ về Hà Nội. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), càng tiếp xúc với người Hà Nội, nhất là những người thuộc thế hệ sinh ra và lớn lên trước những năm 30-40 của thế kỷ trước, tôi càng khâm phục cung cách ứng xử, giao tiếp của họ. Có cụ đã 80, 90 tuổi, khi nghe chúng tôi chào hỏi, vẫn khiêm tốn trả lời "Không dám!". Họ cũng luôn thường trực câu “vô phép ông, bà”, trước khi có thể làm phiền ai...

"Cái hồn của Hà Nội không phải nằm ở những con phố tấp nập, những tòa nhà mới xây hay những danh lam thắng cảnh, mà ở chính nét văn hóa trong lời ăn, tiếng nói hiền hòa, cử chỉ mộc mạc, chân tình từ mỗi con người Hà Nội", PGS.TS Nguyễn Thị Hương nhận xét.

Còn với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, mẫu mực để người dân ngưỡng vọng và noi theo chính là gia đình các thầy giáo trường công ở ngoài Hà Nội vào. Ông kể: Trước năm 1964, khi đó tôi đang ở quê Nghệ An, họ về tản cư, nghèo, sống thanh bần. Gia đình đối xử trên dưới nhẹ nhàng, các anh chị ngoan ngoãn và học giỏi. Chính họ đã truyền lối sống tử tế, lửa học hành và khát vọng ra đi lập nghiệp cho rất nhiều học trò như chúng tôi, để đến giờ mỗi khi họp đồng môn chúng tôi vẫn thường nhắc lại. “Sự lan tỏa ấy không đo đếm được, nó ở trong tim, trong trải nghiệm từng cá nhân, nhưng nó có thật, nó hướng đạo cho nhiều người khác”, ông Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ.

“Cho đời mãi gọi Hoa Tràng An”

Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, ngày xưa, Thủ đô Hà Nội được chia ra là “thành” và “thị”. Vì cái "thị" là một phần đặc trưng mà dân gian còn gọi nơi đây là Kẻ Chợ. Nói thế để thấy, phong phú và phức tạp cũng là Thủ đô, mà khôn ngoan, tinh túy cũng là Thủ đô. Những phẩm chất tốt đẹp của người Thăng Long - Hà Nội được tạo nên trong suốt quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này. Tuy nhiên, cũng không phải không có những va đập, xung đột trong quá trình tiếp biến văn hóa, làm nảy sinh những hạn chế, thiếu sót.

Văn hóa, cốt cách của người Hà Nội luôn được coi là di sản quý. Đó là nét thanh lịch của xứ Kinh kỳ với sự rộng lòng của nơi bốn phương tụ hội, sự quả cảm của mảnh đất trải qua nhiều bom đạn đau thương, sự hài hòa của thành phố cổ kính mà năng động… Nó có sự lắng lại của chiều sâu văn hóa ngàn năm, nhưng cũng bắt nhịp cùng thời cuộc. Ẩn trong những không gian hiện đại được tạo bởi những tòa nhà chọc trời, hệ thống giao thông phát triển..., là hồn cốt truyền thống từng ngày tạo nên thành phố hiện đại, văn minh mà giàu bản sắc.

Làm sáng tỏ nét đẹp văn hóa người Hà Nội xưa và nay là những gì Thủ đô chú trọng suốt nhiều năm qua, nhằm tiếp tục lưu giữ, trao truyền, củng cố và bồi đắp nguồn lực nội sinh cho mảnh đất ngàn năm văn hiến này. Cuộc vận động bồi đắp văn hóa, giữ gìn “thương hiệu” người Hà Nội gắn với Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đã và đang được triển khai sâu rộng trên toàn thành phố. Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội sau hơn 2 năm đi vào cuộc sống, đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội, góp phần khơi dậy ý thức, trách nhiệm vì một Thủ đô thanh lịch, văn minh... 

Trong sự vun đắp không ngừng ấy, còn biết bao điều khác đang giúp Hà Nội ngày càng hấp dẫn hơn. Từ đô thị tới làng quê, đâu đâu cũng nở rộ những phong trào, sáng kiến vì một nơi đáng sống: Những con đường hoa, những bức bích họa, những hoạt động thiện nguyện...

Thủ đô hôm nay đã ở trên một tầm cao mới, không chỉ về diện tích mà cả về chiều sâu văn hóa, lịch sử cùng các giá trị nhân văn bền vững. Trên đường vượt qua những ngổn ngang, bề bộn, mỗi người Hà Nội biết tự hào và có trách nhiệm góp sức xây dựng đời sống văn hóa, đấu tranh cho cái hay, cái mới, sẽ góp phần củng cố, bồi đắp các giá trị tốt đẹp cho Hà Nội. Trong đó, phát triển mang ý nghĩa nhân văn, trên cơ sở sáng tạo từ những nét thanh lịch truyền thống chính là sự phát triển đúng nghĩa của văn hóa Thăng Long - Hà Nội hôm nay và mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn lực nội sinh