Kinh thành trong sông - Kẻ Chợ

Miên Hạo| 23/01/2020 08:02

(HNM) - “Nhị Hà qua Bắc sang Đông/Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này”. Những con sông bồi đắp nên “chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương”, che chở kinh thành, cũng là tuyến đường nối muôn phương… Kinh thành trong sông, chợ họp bên sông, rồi thành phố chợ. Cái tên Kẻ Chợ từ đấy mà ra và hai chữ “thị dân” dành để chỉ những chủ nhân của Kẻ Chợ - Kinh kỳ.

Chợ bên sông - Kẻ Chợ

Sử sách không ghi chi tiết, nhưng trước khi Đức Lý Thái Tổ chọn mảnh đất “trong sông” để “thượng đô” thì nơi đây đã “hết sức tươi tốt, phồn thịnh”.

Là nơi “tụ hội” của những con sông “Nhị Hà qua Bắc sang Đông/Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này” nên đây cũng là nơi hàng hóa khắp nơi dập dìu theo sông đổ về. Thời nhà Lý, hồ Lục Thủy (Hồ Gươm) và hồ Chu Tước vẫn ăn thông với hai con sông uốn khúc trong kinh thành là Tô Lịch, Kim Ngưu, thuyền bè ra vào tấp nập. Do vậy, triều đình đã mở hàng loạt bến, như: Triều Đông, Thái Cực, Thái Tổ, Giang Tân, Thiên Thu, Đại Thông… 

Bến cũng là chợ, chợ nằm sát bến, bán buôn rộn rã tháng ngày. Cái từ “chợ búa” trong dân gian cũng hình thành từ đây. Nhiều khảo cứu về Hà Nội còn cho thấy, thuyền buôn nước ngoài theo sông Nhị vào Thăng Long từ những ngày tạo lập kinh thành. Đến thời Lý Anh Tông, triều đình đã phải cho mở bến Vân Đồn Trang để lái buôn phương xa neo đậu thuyền bè, tiện việc giao thương tại Kinh đô Đại Việt.

Một vị giáo sĩ phương Tây ghi lại cảnh buôn bán bên bến sông Hồng như sau: “Số lượng thuyền bè lớn lắm, đến nỗi rất khó mà lội được xuống bờ sông: Những sông, những bến buôn bán sầm uất nhất của chúng ta (châu Âu), ngay thành phố Venise, với tất cả những thuyền lớn, thuyền nhỏ cũng không thể đem đến cho người ta một ý niệm về sự hoạt động buôn bán và dân số trên sông Kẻ Chợ…”. 

Về những con sông gắn với đời sống kinh thành, các tài liệu lịch sử và địa chí có một điểm chung: Tô Lịch là tuyến đường sông quan trọng nhất. Từ ngày Đức Lý Thái Tổ định đô lấy tên là Thăng Long, sông Tô như có thêm sức sống mới. “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh…”. Sông Tô Lịch trải dài với cảnh trên bến dưới thuyền, chợ búa tấp nập. Sách cũ ghi lại khá nhiều câu chuyện về thuyền buôn và Hoa kiều làm ăn ở chợ Bạch Mã (còn có tên Cửa Đông hay Kim Hoa) họp sát bờ sông Tô; rồi chuyện người Hà Lan, người Anh xây dựng những thương điếm trên con sông này.

Theo các dòng sông, thương nhân phương Đông, phương Tây mang hàng hóa tới Thăng Long và thuyền buôn của người Việt cũng mang tinh hoa nước Việt đi khắp tứ xứ. Có thể nói, các dòng sông chằng chịt dọc ngang kinh thành với những bến, những chợ là sự khởi đầu cho phố phường buôn bán sầm uất sau này...

Phố phường - những phố “hàng”

Thời nhà Lý, vùng đất nằm ngoài Hoàng thành (nơi có các cung điện biểu trưng cho quyền lực tối cao của các vương triều) được gọi là kinh thành. Trung tâm kinh thành có Thái Hồ là nơi dựng Văn Miếu và Trường Quốc Tử Giám. Phía Nam hồ này có hồ Chu Tước, ở đây, triều đình dựng đàn Viên Khâu để làm lễ Tế Giao hằng năm. Cung Long Đức của thái tử, các phủ điện của hoàng thân, quốc thích, đại thần trong triều cũng được đặt ở kinh thành. Các công trình kỳ vĩ nằm xen với những phường buôn bán của cư dân Thăng Long, tạo nên một không gian phố thị sầm uất mang đặc trưng riêng của một triều đại gần dân.

Sách sử ghi khá rõ, kinh thành được chia thành 61 phường (nguyên nghĩa của chữ “phường” là “ô đất vuông”), được giới hạn với nhau bằng đường phố. Các phường này tập trung thợ thủ công làm chung một nghề và thường có chung một quê. Cửa hàng dựng dài theo những con phố và bán chung một mặt hàng. “Buôn có bạn, bán có phường” là vậy! Đây cũng là khởi nguồn cho những phố “hàng”. Kinh thành thời Trần so với thời Lý không có nhiều khác biệt. Sách cũ lưu danh một số phường, như: Cơ Xá là cảng và là nơi ở của cư dân vùng đất bãi; Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, binh khí; Thụy Chương và Nghi Tàm dệt vải, dệt lụa; Yên Thái làm giấy; Đồng Nhân bán áo diệp y…

Sang thời Lê, kinh thành đặt là Phủ Trung Đô, sau đổi tên thành Phụng Thiên, gồm hai huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương, chia làm 36 phường. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, phường vừa là một đơn vị hành chính, vừa là tập hợp những người cùng nghề - phường nghề. Có lẽ cái tên “ba sáu phố phường” cũng từ đó mà ra. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, số phường thời kỳ này không nhiều như thời Lý, Trần là bởi chính sách “khuyến nông, ức thương”, nhà Lê hạn chế phát triển thương mại, thậm chí cư dân nơi khác bị cấm nhập cư vào kinh đô. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn sử liệu thì “ba sáu phố phường” vẫn sầm uất bán buôn.

Đến quãng giữa thế kỷ thứ XVII, phố tên “hàng” bắt đầu xuất hiện. Trong một cuốn sách của nhà truyền giáo Filippo de Marini từng đến Thăng Long thời gian này, có viết: “Ở đầu mỗi phố đều treo một tấm biển gỗ trên đó có ghi tên mặt hàng”. Những tấm biển này do người dân tự treo để tiện việc buôn bán, như: Hàng Cót, Hàng Hòm, Hàng Chiếu, Hàng Mã, Hàng Gà… 

Thăng trầm cùng năm tháng, phố “hàng” lưu giữ những tinh hoa của Kẻ Chợ - Kinh kỳ. 

… và “chất” thị dân

“Kẻ Chợ là một cái chợ lớn, trong đó chứa đựng nhiều chợ nhỏ” và chủ nhân của Kẻ Chợ là những “thị dân”, trước hết đúng với nghĩa đen của từ này.

“Đất lành, chim đậu”, Kẻ Chợ tập hợp người tứ xứ, làm đủ thứ nghề với mong muốn đến thị thành để bớt lo cảnh cơ hàn hay toan tính chuyện lâu dài. Từ bon chen buôn bán ngoài sông, đầu bến đến lúc mở cửa hàng trong phố thì hình thành một lớp thị dân (nôm na là dân phố thị). Song, kinh thành với phố phường sầm uất bán mua cũng là nơi đặt Văn Miếu, Trường Quốc Tử Giám, cung điện của thái tử, hoàng thân, quốc thích, quan lại, do vậy, lễ giáo phong kiến ngấm vào người dân ngay khi đến Kẻ Chợ, nên “chất sống” có nét riêng. 

Người Kẻ Chợ thường lấy chữ “tín” làm căn bản. “Buôn có bạn, bán có phường”, không thể không giữ chữ “tín” trong chuyện vay mượn tiền nong, hàng hóa. Quan trọng hơn là giữ được chất lượng hàng làm ra để bảo đảm uy tín của gia chủ. Hơn nữa, cùng quê, cùng phường nên chẳng thể “bóc lột” nhau, chỉ lấy sự chăm chỉ cùng bàn tay khéo léo mà tích lũy đồng vốn. Sau rồi thành nếp, người Kẻ Chợ đích thực biết làm giàu, nhưng không lấy đó làm mục đích sống. Thứ nữa là tính cẩn thận được rèn từ bản năng nghề truyền từ đời này sang đời khác và cũng để đáp ứng đòi hỏi “hơn người” của cư dân phố thị. Hai tính cách này vẹn nguyên cùng thị dân Kẻ Chợ suốt thời gian dài thịnh trị của các vương triều phong kiến.

Khi kinh thành lâm cảnh loạn lạc binh đao, nhất là lúc triều đình nhà Nguyễn hạ biển Thái Học Môn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, “chất” Kẻ Chợ dần có sự khác. Nhiều bậc danh sĩ lận đận, thất thế chốn quan trường tìm về với “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”. Cánh nhà nho tài tử, như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương... cũng đến kinh thành, gieo vào lòng người Kẻ Chợ sự ngạo nghễ chất ngất của kẻ sĩ. 

Rồi dân giang hồ tứ chiếng đổ về bon chen kiếm sống, làm nên “một góc” thị dân. Người xưa có câu “Trai ngõ Trạm, gái Tạm Thương” hay “Gái Hàng Khoai, trai Hàng Lược” ám chỉ thói xấu của đám người này.

Đến thời người Kẻ Chợ bỏ nhà lá sang ở nhà gác, rồi như người ta vẫn nói, từ thời hai họa sĩ Cát Tường và Lê Phổ “chuyển” chiếc áo tứ thân truyền thống thành áo dài tân thời cho phụ nữ, thị dân Kẻ Chợ đã thành những cư dân Thăng Long - Hà Nội với chất sống là sự kết tinh của nền phong học Nho gia với quan niệm sống phương Tây: Hào hoa, phong nhã, có gu thưởng thức, thẩm mỹ tinh tế… Họ là những người giàu văn hóa.

Từ chợ bến sông đến phố chợ, từ thị dân Kẻ Chợ đến cư dân Thăng Long - Hà Nội là những dặm dài lịch sử. Và, Thăng Long - Hà Nội muôn đời vẫn vậy, thẩm thấu, lắng đọng, chưng cất rồi lan tỏa những tinh hoa văn hóa để làm nên chất riêng có - “chất” Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh thành trong sông - Kẻ Chợ