Một vùng huyền tích

Tích Linh| 25/01/2020 08:01

(HNM) - Là chốn địa linh nhân kiệt, mỗi tấc đất Thăng Long - Hà Nội đều đậm đặc dấu tích nghìn xưa để lại, phản ánh sinh động chất linh thiêng, hào hoa, trí tuệ, phẩm cách cùng khát vọng vươn tới chân - thiện - mỹ của người và đất Kinh kỳ. Những dấu tích dẫu còn hiện hữu hay mai một vẫn luôn là niềm tự hào của cư dân Kinh đô - Thủ đô, và Thăng Long - Hà Nội trải hơn nghìn năm cũng như mãi mai này, luôn là một vùng huyền tích.

Tâm thức ngàn đời  

Huyền tích được sáng tạo và lưu truyền ở mọi thời điểm trong đời sống nhân gian, bắt đầu từ một nguyên cớ sử thực nào đó, mà sáng tạo, phát triển theo cảm quan của dân chúng. Ở đó, chính sử và huyền thoại quấn quýt lấy nhau, chúng ta có thể nhận ra vang bóng của chính sử qua huyền tích, cũng như nhờ huyền tích, những câu chuyện chính sử trở nên lôi cuốn, hấp dẫn, nhiều màu sắc hơn. 

Dù có những lúc đứt đoạn nhưng gần như liên tục hơn 8 thế kỷ là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa của đất nước, Thăng Long - Hà Nội với đặc trưng hội tụ, kết tinh, lan tỏa tinh hoa mọi miền Tổ quốc, đã bao hàm, chất chứa một kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ và phong phú, trong đó chiếm phần đáng kể là những huyền tích đầy sống động về mảnh đất này.

Chỉ riêng về những con hồ của Hà Nội đã có khá nhiều huyền thoại cổ kính được lưu truyền. Như hồ Tây, nơi được coi là đắc địa về phong thủy, quy tụ vô vàn truyền thuyết, gắn với các tên gọi: Xác Cáo, Kim Ngưu, Dâm Đàm, Lãng Bạc... Theo Lĩnh Nam chích quái, hồ nước lớn nhất nội thành Hà Nội hiện giờ là nơi Lạc Long Quân diệt trừ hồ ly, cứu nguy dân chúng, nên có tên là hồ Xác Cáo. Cái tên khác của hồ - Kim Ngưu, lại để ghi nhớ sự tích trâu vàng phương Bắc, nghe tiếng chuông, chạy đến nước Nam tìm mẹ. Đến phía Tây thành Thăng Long thì đầm mình xuống hồ sâu, bặt tăm bóng dáng. Cái tên Dâm Đàm của hồ Tây gắn với vụ án thần bí “Thái sư hóa hổ” thời Lý Nhân Tông. Dù với tên gọi nào, xuất phát từ truyền thuyết hay chính sử, những câu chuyện kể trên vẫn phản ánh những chuyển động đáng kể của lịch sử cũng như những giá trị văn hóa phi vật thể không thể đong đếm ở vùng đất nghìn năm văn hiến.

Càng tìm hiểu, càng bất ngờ hơn khi hồ nào ở đất Thăng Long - Hà Nội cũng có cho riêng mình những câu chuyện huyền tích đầy mê hoặc. Từ hồ Hoàn Kiếm thân thuộc với câu chuyện vua Lê trả gươm báu, cầu hòa bình cho đất nước; hồ Linh Đàm nơi trú ngụ của thần Lâm Đàm (thần Rồng), từng hóa thân thành cậu học trò, theo học thầy Chu Văn An; hồ Đồng Mô gắn với trận đại chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh... đến các hồ Ngọc Khánh, Thiền Quang, Đồng Nhân, Bảy Mẫu... đều ẩn chứa những huyền thoại bí ẩn và độc đáo. 

Không chỉ có hồ Hà Nội, theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu, mỗi tấc đất của Kinh thành Thăng Long đều đậm đặc dấu tích nghìn xưa để lại. "Có những dấu tích vẫn còn hiện hữu, có những dấu tích đã mai một, song nó vẫn luôn in dấu trong trí nhớ của bao thế hệ bằng những huyền tích gần gụi. Chỉ tính từ thời điểm đức Thái Tổ khởi đầu triều Lý, mở ra các triều đại phát triển rực rỡ sau này, cũng đủ thấy huyền tích luôn gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần, phản ánh tâm thức, khát vọng ngàn năm của người và đất Kinh kỳ", Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu đánh giá.

Khát vọng Thăng Long

Hơn một nghìn năm trước, mùa thu năm 1010, Lý Công Uẩn lên ngôi, sáng lập vương triều Lý, đồng thời chọn Đại La làm đất định đô. Tương truyền, khi thuyền ngự vừa cập dưới chân thành thì rồng vàng xuất hiện. Coi đó là điềm lành, nhà vua lấy tên Thăng Long đặt cho kinh đô mới. Từ việc lấy tên con vật huyền thoại để định danh cho cả vùng đất, có thể thấy Thăng Long tự lúc khởi phát đã là xứ sở của kho tàng cổ tích dồi dào.

Có thể gặp trên đất Thăng Long nhiều con vật huyền thoại, mỗi vật lại là một đầu đề cho một sự tích, truyền kỳ không hồi kết. Thăng Long có rồng bay mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ lâu dài; có rùa vàng với lễ thức mượn - trả gươm thần, hàm ẩn triết lý nhân sinh quan của người Việt; có ngựa sắt hỗ trợ Phù Đổng Thiên Vương dẹp giặc Ân; ngựa trắng giúp vua Lý Thái Tổ xây thành; rắn vàng hiện thân của thần Linh Lang, người có công trong cuộc kháng chiến chống giặc nhà Tống...

Không những vậy, Thăng Long - Hà Nội còn có các vị thần linh thiêng trợ giúp chế ngự thiên tai, đánh đuổi xâm lược, an cư lạc nghiệp. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thăng Long nhận xét: “Mỗi vị thánh, thần trên đất Thăng Long đều có sự tích, được ghi chép trong các sách Hán Nôm và các văn bia thần tích, trong đó có nhiều câu chuyện tiêu biểu về cả tư tưởng và nghệ thuật, không chỉ có giá trị mở nguồn cho văn học dân gian, mà còn phản ánh đầy đủ, sâu sắc khát vọng vươn tới chân, thiện, mỹ của người và đất Thăng Long - Hà Nội”.

Đó là các câu chuyện về thần Long Đỗ, Thành hoàng của thành Đại La xưa, đến đời Lý được tôn là Quốc đô Thành hoàng; Đức thánh Chèm - Lý Ông Trọng, danh tướng khiến quân Hung Nô khiếp sợ; thánh Đồng Đen Đặng Văn Hòa - Thần cứu hỏa duy nhất của Việt Nam. Rồi các Thánh Mẫu: Ỷ Lan, Quỳnh Hoa, bà Chúa Kho... Các anh hùng chống giặc ngoại xâm được nhân dân tôn xưng là thánh Trần, thánh Phạm... Đặc biệt, cả “Tứ bất tử” của người Việt là thánh Tản Viên, thánh Gióng, thánh Chử Đồng Tử và thánh mẫu Liễu Hạnh cũng đều có khởi nguồn hoặc liên hệ mật thiết với mảnh đất này, hiện vẫn được thờ phụng rộng rãi từ phố thị tới làng quê, tạo nên vùng tín ngưỡng thờ cúng độc đáo và đặc sắc.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) Lê Hồng Lý, trong dặm dài phát triển, huyền thoại, huyền tích đã thực sự đi sâu vào đời sống, lưu truyền qua bao thế hệ, góp phần làm nên sự phong phú và đa dạng cho đời sống tinh thần của cư dân Thăng Long; đồng thời chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử quý báu khác. Đó là những giá trị cốt lõi về truyền thống anh hùng, tinh thần bất khuất, ý thức tự lực, tự cường, đoàn kết chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta nói chung, của kinh đô nghìn năm văn hiến nói riêng. Nói cách khác, Thăng Long - Hà Nội là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh lượng lớn những giá trị vật thể và phi vật thể, góp phần cô đọng, bồi đắp tinh hoa văn hóa cho mảnh đất này.

Hà Nội ngày một mở rộng, vươn xa, xứng tầm Thủ đô một quốc gia có vị thế trên thế giới. Bên cạnh nhiều phần việc phải làm, cần làm, việc quan trọng, cốt lõi chính là giữ gìn, phát huy cho được vẻ đẹp văn hóa, nét tinh hoa của vùng đất văn hiến nghìn năm, để giá trị của Thủ đô ngày càng được nâng tầm, để Hà Nội mãi là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị văn hóa từ mọi miền Tổ quốc.

Để Thăng Long - Hà Nội trải hơn nghìn năm qua cũng như mãi mai này, khi đã là một đô thị văn minh, hiện đại thì vẫn luôn là một vùng huyền tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một vùng huyền tích