Những người đi mở cõi

Hà Anh| 25/01/2020 08:25

(HNMCT) - Trong ngàn năm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội không chỉ là nơi hội tụ nhân tài, mà từ đây cũng xuất phát nhiều cuộc di dân. Vào năm 1434, 17 người phường Kim Hoa, phủ Hoài Đức đã rời kinh thành, giong thuyền về miền duyên hải Đông Bắc để khai khẩn, góp phần lập nên vùng đảo Hà Nam trù phú thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Gần 6 thế kỷ qua, hậu duệ của những người đi mở cõi vẫn luôn hướng về cội nguồn Thăng Long - Hà Nội.

Lễ hội xuống đồng ở đảo Hà Nam.

1. Ông Lê Công Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Lê phường Phong Cốc (thị xã Quảng Yên) thành kính thắp ba nén hương lên ban thờ tổ trước khi mở cuốn gia phả. Trang đầu cuốn “sử ký” ghi: “Lịch sử 17 cụ tiên công”, rồi đến tên 17 vị, trong đó có hai cụ tổ Lê Khép, Lê Mở của họ Lê Phong Cốc được hơn hai chục đời con cháu trọng vọng thờ tại ngôi nhà thờ họ bề thế - di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nằm ngay mặt tiền phố Phong Lưu...

“Năm 1434 thời vua Lê Thái Tông niên hiệu Thiệu Bình, mở thêm rộng kinh đô, phạm vào đất riêng của gia đình các cụ. Khi ấy nhận lệnh đi tìm quê hương mới, khai giang lập ấp, gia đình chuẩn bị lương thực đầy đủ, xuôi thuyền qua sông Hồng Hà, xuống tới sông Bạch Đằng...”. Thông tin tương tự cũng có trong gia phả họ Vũ, Nguyễn, Bùi, Ngô, Dương... ở phường Phong Cốc, Yên Hải và xã Cẩm La của thị xã Quảng Yên (trước năm 2011 là huyện Yên Hưng), hay trong các thần phả, hoành phi đại tự, câu đối, văn bia, chỉ dụ, sắc phong (của các triều đại Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng, Nguyễn...) tại hệ thống nhà thờ họ, đình, chùa, miếu dày đặc ở xứ đồng bể này, ngoài ra còn được tập hợp trong cuốn Văn hóa Yên Hưng của tác giả Lê Đông Sơn mà tôi tranh thủ đọc lướt được vài trang lúc đến miếu Tiên Công bên Cẩm La.

Đặc biệt, bộ sách Địa chí Quảng Ninh (Nhà xuất bản Thế giới - 2001) gồm 3 tập dày tổng cộng hơn 2.000 trang - công trình khoa học đồ sộ do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, cũng nhắc đến chuyện này. Ở chương V của tập 2, trang 222 có đoạn: “Xưa kia đảo Hà Nam vốn là một bãi bồi ở cửa sông Bạch Đằng, thấp hơn mực nước thủy triều từ 3 - 3,5 mét, là một rừng sú vẹt... Đến đời vua Thái Tông niên hiệu Thiệu Bình (1434), có 17 người từ làng Kim Hoa thuộc kinh thành Thăng Long đến quai đê lấn biển và lập thôn xóm... Sau này các thôn xóm kia hợp thành xã Phong Lưu...”.

Chương II của tập 3, mục “Miếu Tiên Công”, trang 116, nêu tên 17 tiên công (gồm Vũ Song, Vũ Hồng Tiệm, Bùi Huy Ngoạn, Ngô Bách Đoan, Nguyễn Phúc Cốc, Nguyễn Phúc Thắng, Nguyễn Phúc Vinh, Lê Khép, Lê Mở, Vũ Tam Tỉnh, Vũ Giai, Nguyễn Nghệ, Nguyễn Thực, Bùi Bách Niên, Phạm Việt, Dương Quang Tín và Dương Quang Tấn), ngoài ra còn ghi: “Tại bái đường, trên ban thờ còn lưu giữ bức đại tự sắc tặng của vua Tự Đức năm thứ 28 đề “Phong Lưu nghĩa dân”. Trong đền có đôi câu đối đáng chú ý: “Thiên cổ khai canh công vĩnh tại/ Ức niên phụng trị phúc du đồng” (Muôn thuở khai canh công còn mãi/ Ngàn năm thờ phụng phúc vô cùng). Có đôi câu đối ghi nhớ quê gốc của các vị tiên công từ phường Kim Hoa, phủ Hoài Đức kinh thành Thăng Long (nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội) đã đến đây mở đất lập nên xã Phong Lưu: “Hoài Đức lưu phương tổ triệu tông bồi cơ chỉ cựu/ Phong Lưu tụ hội tử truyền tôn kế lễ nghi tân” (Hoài Đức tiếng thơm tổ tông triệu bồi nền móng cũ/ Phong Lưu tụ hội cháu con kế tiếp lễ nghi mới)...

2. Suốt chặng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Yên chừng 160 cây số, tôi cứ mường tượng hành trình từ Thăng Long đến trấn An Bang (địa danh hành chính thời nhà Lê, tương ứng với tỉnh Quảng Ninh bây giờ) của 17 tiên công cách đây gần 600 năm. Hẳn là các cụ giong thuyền ngược sông Hồng rồi vào dòng Đuống, xuôi Lục Đầu giang trước khi nhập vào sông Kinh Thầy, tới Kinh Môn (Hải Dương) thì rẽ sang sông Đá Bạch, tiếp đến là sông Bạch Đằng còn gọi là sông Rừng chảy ra Quảng Yên. Đây cũng được xem là thủy lộ tốt nhất thời bấy giờ để từ vùng biển Đông Bắc vào trung tâm nước Việt, và ngược lại, mà các đạo thủy quân của Hoằng Thao (nhà Nam Hán, năm 938), Hầu Nhân Bảo (nhà Tống, năm 981) và Ô Mã Nhi (nhà Nguyên, năm 1288) từng chọn, để rồi chúng lần lượt bị chìm đắm, bị đốt cháy, chôn thây phơi xác “sông chìm giáo gãy, gò đầy cốt khô”, để cái tên Bạch Đằng giang đi vào sử sách và là nỗi ô nhục ngàn đời “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” của kẻ xâm lược...

Có điều, khi đến Quảng Yên thuyền của các di dân Thăng Long không theo dòng chính ra cửa bể mà rẽ vào sông Chanh phân lưu của Bạch Đằng giang rồi cập vào một doi đất hoang mọc đầy sú vẹt. 17 người bảo nhau trụ lại, ngày ngày quai đê lấn biển, thau chua rửa mặn, sau đó cắt cử người về quê đón gia đình đến khai canh, lập nên phường Bồng Lưu sung túc. Đến nửa sau thế kỷ XV vùng Hà Nam đã có khoảng 500 dân, thời vua Lê Thánh Tông lên đến gần 1.000 người. Đời sau suy tôn 17 vị là “tiên công” và lập miếu thờ. Cái tên Bồng Lưu sau được chính quyền phong kiến đổi thành Phong Lưu và được công nhận đơn vị hành chính cấp xã, với bốn làng Phong Cốc, Cẩm La, Yên Đông, Trung Bản.

Gần 6 thế kỷ qua, các tiên công người Thăng Long và hàng chục thế hệ hậu duệ của họ đã khai phá, mở mang, biến bãi triều hoang sơ phía Nam sông Chanh thành vùng đảo Hà Nam trù phú với hàng chục nghìn hecta làng mạc, ruộng đồng được bao bọc bởi 34km đê biển như bức tường chắn sóng kiên cố... Như để bổ sung minh chứng, Chủ tịch UBND phường Phong Cốc Vũ Văn Huy (hậu duệ của một tiên công họ Vũ) đọc vài số liệu. Từ “nhất xã tứ thôn”, đảo Hà Nam hiện có 8 xã, phường. Phường Phong Cốc có 8.000 dân, sinh sống ở 7 khu phố. Thu nhập bình quân của phường đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Con số ấy có lẽ còn cao hơn so với nhiều nơi ở Hà Nội!

Một chuyện nữa. Khoảng hai chục năm trở về trước Hà Nam thực sự là một hòn đảo. Bốn bề là sông nước, biển cả bao bọc, đi lại rất khó khăn. Chưa nói tới Hải Phòng, Uông Bí, Hạ Long... xa xôi mà chỉ sang vùng Hà Bắc bên kia sông Chanh là phải qua đò, phà. Bây giờ cầu lớn cầu bé được xây dựng, đường nhựa, đường bê tông lắp đèn cao áp sáng choang giăng khắp ngõ xóm. Phố xá Phong Cốc được đặt tên “Kim Liên”, “Hoài Đức”... gợi nhớ cội nguồn.

3. Theo tài liệu cũ, trong số “thập thất tiên công” có 5 vị Quốc Tử Giám giám sinh (học trò Quốc Tử Giám) và 3 hiệu sinh (đã học xong, chờ ra làm quan). Nghĩa là không chỉ “dân đen” làm ruộng, đánh cá ở các đầm hồ phía nam kinh thành, mà có cả kẻ sĩ Thăng Long! Có lẽ nhờ thế mà xa đất kinh kỳ đã hơn nửa thiên niên kỷ nhưng từ thuần phong mỹ tục, lễ hội (đặc biệt là Lễ hội Tiên công, Lễ hội xuống đồng rất đặc sắc, hằng năm thu hút hàng vạn người tham dự), kiến trúc đình chùa, nhà cửa cho đến nết ăn ở và nhất là truyền thống hiếu học, tất cả vẫn giữ nếp Thăng Long. Mỗi làng đều có văn từ thờ Khổng Tử và những người đỗ đạt, là nơi chăm lo việc học của làng. Tôi đã thấy tấm “bảng vàng” treo ở nhà thờ họ Lê (chắc các họ khác cũng thế), ghi rõ từ đời thủy tổ đến nay có bao nhiêu cụ đỗ đạt sinh đồ, hiệu sinh, khóa sinh, hương khoa..., đặc biệt là “đời 16, 17, 18 có 4 phó giáo sư - tiến sĩ, 14 thạc sĩ, 256 cử nhân, kỹ sư”. Ông Lê Tại Thường, 70 tuổi, phụ trách khuyến học của gia tộc họ Lê bảo “chưa cập nhật hết” vì họ Lê ở Phong Cốc đã được 23 đời. Còn ông Vũ Hữu Thỉnh, 82 tuổi, nguyên Hiệu trưởng Trường cấp 1 Cẩm La, hậu duệ đời thứ 22 họ Vũ, thì chia sẻ tâm đắc rằng chỉ cách vài cây số nhưng tiếng nói của cư dân Hà Nam thanh nhẹ khác hẳn, rằng ở Hà Nam thế hệ trước luôn nhắc nhở thế hệ sau ghi nhớ tổ tiên mình ở thôn Đồng Lầm, phường Kim Hoa, phủ Hoài Đức, huyện Thọ Xương thành Thăng Long đến đây mở đất, lập nghiệp...

Hẳn là vì thế mà thẳm sâu trong họ luôn hướng về cội nguồn và tự hào là người Thăng Long. “Sử làng” ở Yên Đông (nay thuộc phường Yên Hải) còn ghi sự việc Lý trưởng làng Phong Lưu là Vũ Đình Quang, cháu đời thứ 10 của tiên công Vũ Tam Tỉnh đã tìm về đất tổ và tiếp kiến các chức sắc, kỳ hào của làng Kim Liên. Tháng 11-1852 (năm Tự Đức thứ 5), các chức sắc làng Kim Liên gửi thư thăm hỏi xã Phong Lưu. Tháng 12 năm đó, các chức sắc ở Phong Lưu gửi thư phúc đáp lên chức sắc làng Kim Liên...

Nhưng có lẽ do xa xôi cách trở rồi giặc giã, chiến tranh triền miên mà sợi dây liên lạc với quê cũ bị đứt quãng. Bẵng đi một thế kỷ rưỡi, dịp khánh thành đình Kim Liên, nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, một sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, sống ở Hà Nội nhưng là người họ Lê Phong Cốc, tình cờ “gặp” Chủ tịch UBND phường Phương Liên trên truyền hình và nghe nhắc đến tên “thôn Đồng Lầm, phường Kim Hoa” của làng Kim Liên xưa. Chừng ấy là đủ để những người con Thăng Long - Hà Nội có cuộc tìm về cội nguồn sau gần 6 thế kỷ xa xứ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người đi mở cõi