Trái tim của Thăng Long

Lý Nguyên Hạo| 27/01/2020 07:51

(HNMCT) - Là trung tâm Kinh kỳ qua nhiều triều đại với những thăng trầm lịch sử, Hoàng thành Thăng Long lưu giữ những di vật thể hiện chiều sâu văn hóa, ẩn chứa tâm thức người Thăng Long. “Hùng thiêng dấu xưa” đọng lại với thành quách, đền đài, lắng sâu trong lòng đất, trở thành báu vật của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Đêm Hoàng thành. Ảnh: Lê Việt Khánh

Kinh thành ngàn năm

Trước khi Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn chọn “chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương” làm kinh đô thì nơi đây “muôn vật đã hết sức tươi tốt, phồn thịnh”. Sau cuộc thiên đô lịch sử vào năm 1010, đến năm 1014 thì nhà Lý đắp thành ngoài, làm nên hình hài kinh thành Thăng Long.

Theo khảo cứu lịch sử, Thăng Long thời Lý được tạo dựng theo cấu trúc “tam trùng thành quách”. Vòng thành ngoài cùng là Đại La thành (La thành) đắp bằng đất, lấy sông Nhị (sông Hồng), sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu làm hào lũy bảo vệ. Vòng thành ở giữa (Hoàng thành) được gọi là Long thành hay Phượng thành, đắp đất, sau xây lại bằng gạch, bao bọc trung tâm quyền lực của vương triều. Vòng thành trong cùng là Cấm thành, bao quanh chính điện, nơi có bệ rồng thiên tử và cung điện hoàng gia.

Hoàng thành là trái tim của kinh đô. Thời Lý, Hoàng thành có bốn cửa Tường Phù, Quảng Phúc, Đại Hưng, Diệu Đức; phía ngoài đào ngòi ngự nối với sông Nhị, thuyền rồng có thể xuôi dòng vào Đại Nội; phía trong dựng điện Kính Thiên trên núi Nùng (ngọn núi thiêng được coi là rốn rồng - Long Đỗ). Trung tâm Hoàng thành là điện Càn Nguyên, nơi nhà vua thiết triều. Sau ngôi điện này là Cấm thành, được ngăn với Hoàng thành bằng một bức tường, từ Thái tử đến quan nha nếu không có lệnh đòi thì không tự tiện qua lại. Cấm thành được xây dựng lại vào năm 1029, dưới triều vua Lý Thái Tông, nguy nga, bề thế hơn. Vua thiết triều ở điện Thiên An. Sân rồng có đặt một quả chuông lớn, là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng của triều đình. Đến lúc Lý Cao Tông trị vì, vua cho làm thêm nhiều cung điện tráng lệ, lại cho trồng hoa thơm cỏ lạ, dựng đình Ngoạn Y, sách cũ ghi lại “đẹp đẽ chưa từng có”.

Thời Trần, các vua nhiều lần cho xây dựng lại Hoàng thành nhưng Cấm thành thì chỉ tu sửa trên nền cũ có từ thời Lý. Những nguồn sử liệu khác nhau cho thấy, trong Hoàng thành và Cấm thành thời Trần có nhiều đền đài cung điện được xây dựng với quy mô hoành tráng, đạt tới trình độ kỹ thuật cao. “Năm 1368, vua Trần Dụ Tông cho dựng hành lang dài nối từ gác Nguyên Huyền tới cửa Đại Triều, bá quan văn võ khi tiến triều, yến kiến nhà vua đều có thể tránh nắng mưa”... Tuy nhiên, cuối thời Trần, kinh đô chịu cảnh binh đao, ly loạn bởi họa ngoại xâm.

Khi nhà Minh xâm lược Đại Việt, thành Thăng Long bị đổi tên là thành Đông Quan. Sau nhiều năm “nằm gai nếm mật”, Lê Lợi (Lê Thái Tổ) đánh đuổi giặc Minh, lên ngôi hoàng đế. Vua bỏ chữ Đông Quan, đặt tên thành là Đông Kinh. Hoàng thành Đông Kinh được mở rộng hơn nhiều so với thời Lý, Trần trước đó, về cơ bản gồm Hoàng thành và Cung thành. Hoàng thành có ba cửa Đông Hoa, Đại Hưng, Bảo Khánh. Còn Cung thành có cửa chính Đoan Môn ở phía Nam, hai bên có cửa Đông Tràng An và Tây Tràng An. Đức Lê Thái Tổ cho xây nhiều cung điện, trong đó Kính Thiên là điện chính trong Cung thành, dựng trên nền điện Càn Nguyên có từ thời Lý. Sau này Lê Thánh Tông cho sửa lại ngôi điện, lại dựng thêm đôi rồng đá ở bên thềm (nay vẫn còn). Phía đông Cung thành, nhà Lê dựng Đông Cung cho Thái tử. Đến cuối thời Lê, Hoàng thành Đông Kinh càng bề thế hơn...

Thăng trầm cùng lịch sử, kinh thành Thăng Long trải nhiều biến cố, qua triều nhà Mạc, rồi Trịnh - Nguyễn phân tranh, chưa nguôi loạn lạc thì kinh đô Đại Việt lại phải đương đầu với đế chế Mãn Thanh. Và, khi Nguyễn Ánh (Gia Long) đánh bại nhà Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế thì kinh thành không còn hình hài xưa nữa. Vua Gia Long cho phá Cấm thành, xây tòa thành mới theo kiểu Vauban của Pháp, trước Hoàng thành cũ thì dựng một cột cờ gọi là Điền Đài, sau điện Kính Thiên có thêm hành cung. Sang đến thời vua Tự Đức, cung điện của các vua Lê không còn. Đến lúc thực dân Pháp kéo vào Long thành thì hành cung bị phá, những bức tường thành cũng bị dỡ bỏ.

Qua thăng trầm lịch sử, qua nắng mưa thời gian, cung điện, đền đài, lầu son gác tía chỉ còn là trầm tích nhưng Hoàng thành vẫn là trái tim của kinh thành “bốn phương hội tụ”.

Dấu ấn thời gian

Quãng đầu thế kỷ XXI, khi những dấu tích về Hoàng thành Thăng Long phát lộ, giới nghiên cứu lịch sử, kiến trúc, khảo cổ ngỡ ngàng về một diện mạo rõ nét của Hoàng thành xưa nằm sâu trong lòng đất. Thời điểm ấy, bên những hiện vật vừa khai quật được như ngói cong, ngói mũi sen, phù điêu hình rồng, hình lá đề..., Giáo sư Sử học Phan Huy Lê đã nói: "Các tầng văn hóa mở ra trước mặt mọi người như một bộ sử bằng di tích, di vật cụ thể, đa dạng, giàu tính biểu đạt của một vùng trung tâm Cấm thành Thăng Long".

Những phát hiện từ các đợt khai quật được thực hiện một cách quy mô trong nhiều năm qua đem đến bằng chứng thuyết phục rằng: Hoàng thành Thăng Long xưa được dựng trên thành Đại La. Vào các thời Lý, Trần, Lê, ở mỗi giai đoạn khác nhau, hệ thống cung điện, đền đài lộng lẫy, tráng lệ đã được tạo dựng trong một không gian hài hòa. Kiến trúc cung đình đạt đến trình độ cao, vô cùng đẹp đẽ, tinh tế. Biểu hiện sinh động là những vật liệu kiến trúc như ngói lá đề trang trí rồng phượng, tượng tròn tạo tác đầu rồng với họa tiết tinh xảo thời Lý; kỹ thuật trang trí hoa chanh, các loại ngói mũi sen, phù điêu, tượng tròn với đường nét khỏe khoắn thời Trần hay sự tinh mỹ của các loại gốm trắng mỏng, gốm hoa lam, gốm ngói ống hình con rồng thời Lê. Cùng với đó, sự xuất hiện các vật dụng cung đình của Trung Quốc, Nhật Bản hay các quốc gia Tây Á đã cho thấy cuộc sống phồn hoa nơi Cấm thành cũng như mối giao lưu văn hóa của Thăng Long qua dặm dài lịch sử.

Như vậy, nói gần nói xa thì cũng đều phải khẳng định rằng Hoàng thành Thăng Long chính là trái tim của quốc đô, nơi kết tinh những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam và chứa đựng những yếu tố minh chứng cho sự giao thoa, tiếp biến văn hóa của Thăng Long với các nền văn minh trong khu vực. Cũng bởi những giá trị nổi bật toàn cầu ấy, năm 2010, Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa thế giới. Điều này khẳng định những giá trị lớn lao về lịch sử, văn hóa, mang lại cơ hội bảo tồn và phát triển nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho phần việc này.

Những năm gần đây, cùng với nỗ lực đề cao giá trị văn hóa di sản và bảo tồn, tạo lập các không gian trưng bày, quảng bá giá trị di sản..., Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu chuyên sâu rất đáng ghi nhận như thám sát, khai quật khu vực phía bắc Đoan Môn và nền điện Kính Thiên để làm rõ hơn về khu vực chính tâm của Cấm thành; nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên và Lễ hội đèn Quảng Chiếu tại Hoàng thành Thăng Long... Lễ hội đèn Quảng Chiếu, trong đó có nghi lễ cầu quốc thái dân an, là một lễ hội hoàng gia hoành tráng nhất trong lịch sử Thăng Long. Còn điện Kính Thiên là trung tâm Hoàng thành, nơi đặt ngai vàng của thiên tử nên việc phục dựng không chỉ có ý nghĩa bảo tồn dấu tích lịch sử với những giá trị xác thực để truyền cho hậu thế, mà còn giúp du khách và người Hà Nội cảm nhận rõ hơn về diện mạo Hoàng thành Thăng Long xưa.

Trong năm 2020, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ bắt tay vào việc phục dựng điện Kính Thiên, thông tin này đem đến niềm vui không nhỏ cho người Hà Nội trước thềm xuân Canh Tý 2020. Tuy nhiên, kết nối dấu xưa với không gian đương đại là việc không đơn giản, đặc biệt là với Hoàng thành Thăng Long, nơi có nhiều lớp lang di sản đang cùng hiện hữu. Sẽ cần rất nhiều nỗ lực để Hoàng thành Thăng Long xứng đáng hơn nữa với danh hiệu Di sản văn hóa thế giới mà UNESCO đã trao tặng, mãi mãi là trái tim của Kinh kỳ - nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, nơi lưu giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trái tim của Thăng Long