Nghệ nhân trẻ đam mê với con giống bột

Thu Hằng| 18/01/2020 07:07

(HNM) - Không chỉ giữ lửa nghề truyền thống của làng tò he Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên), với tài năng và niềm đam mê, nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu còn đưa nghề nặn những con giống bằng bột đến với đông đảo người dân và du khách trong và ngoài nước. Gian tò he của anh Hậu trên phố Hàng Lược mỗi dịp lễ, Tết, đã khơi gợi cảm xúc, ký ức và tuổi thơ của biết bao người Hà Nội.

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu hướng dẫn trẻ em nặn tò he.

Thăng trầm làng nghề

Vào dịp Tết, ngày nào anh Đặng Văn Hậu cũng chở theo thúng bột, mẹt con giống bột từ làng Xuân La vào nội đô. Gian hàng của anh như nét vẽ đặc sắc, độc đáo, tinh hoa, làm sống lại những ký ức Hà Nội xưa giữa phố Hàng Lược luôn nhộn nhịp. 

Sinh năm 1985 tại làng nghề nặn con giống bột (tò he) truyền thống Xuân La, ngay từ bé, anh Hậu được ông ngoại - nghệ nhân tò he nổi tiếng Đặng Văn Hạ trực tiếp dạy nghề. Khi đó, cứ một buổi đến lớp, một buổi anh Hậu lại theo chân ông ngoại học nghề. Anh nhớ, ngày bé được nặn những nhân vật trong phim mà mình yêu thích như Bao Công, Triển Chiêu thì vui lắm. Dần dần, niềm đam mê ngấm vào máu, anh có thể ngồi tỉ mẩn cả buổi bên thúng bột, chăm chú từng động tác vê bột, tạo hình...

Làng nghề tò he Xuân La có thời điểm tưởng chỉ còn trong dĩ vãng. Đến năm 1993 làng nghề này mới thực sự có mặt trở lại khi con giống bột Xuân La lần đầu tiên được tham dự một hội chợ thủ công làng nghề ở Trung tâm Triển lãm Vân Hồ. Rồi người Xuân La được mời đi sang Nhật và các nước châu Âu trình diễn tay nghề.

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu chia sẻ, năm 2006 với vai trò là cộng tác viên Trung tâm Hỗ trợ trẻ em nghèo, anh thường đi đến các vùng sâu, vùng xa hướng dẫn trẻ em nặn tò he. Trẻ ở vùng cao thiếu thốn đồ chơi, nên rất thích thú với những con giống bột đã đành, trẻ em ở những khu đô thị cao cấp ngay giữa Hà Nội cũng say mê với con giống bột. Nhiều bậc phụ huynh đã chờ anh cả tiếng đồng hồ để con họ có món đồ chơi yêu thích. Nghệ nhân Đặng Văn Hậu nghĩ, tất cả trẻ em đều yêu quý tò he, thì không có lý do gì nghề này mai một. Tình cảm của những đứa trẻ cộng với những lời động viên, khích lệ càng khiến anh yêu nghề và quyết tâm theo đuổi đam mê.

Quyết tâm theo đuổi đam mê

Năm 2008, một lần nữa người làm nghề tò he gặp khó khăn khi thành phố cấm bán hàng rong trên một số tuyến phố, đồng nghĩa với việc họ không thể ngồi ở vỉa hè để phục vụ khách du lịch. Nhiều người phải chuyển sang nghề khác để kiếm sống… Thế nhưng, trách nhiệm và tình yêu với nghề truyền thống đã khiến anh Hậu không chịu lùi bước. Chính khó khăn đó là động lực giúp anh quyết tâm phát triển nghề theo hướng khác.

Tình cờ, vào thời điểm đó, anh em Hậu nhận được đơn hàng từ nước ngoài. Bột nặn do họ mang sang đã làm Hậu sửng sốt về độ mịn, tinh và đặc biệt là sản phẩm để lâu vẫn không hề bị nứt gãy. Có những ngày anh em Hậu chỉ nặn gà trống Gô loa theo đơn đặt hàng của người Pháp. Lại có những tháng phải nặn cho đủ 50.000 quả ớt và chai rượu vang bé xíu giống hệt nhau để xuất sang Nhật Bản.

Nếu chất bột làm anh em Hậu ngạc nhiên, thì các đơn hàng gia công thuê lại khiến họ trăn trở với nghề của làng. Cuối cùng, anh em Hậu bàn nhau nhập loại bột đó về nặn đủ loại hình thù ngộ nghĩnh gắn lên đầu bút bi, bút chì, thay vì que tre thông thường và từ đó, tò he Xuân La mang một diện mạo hoàn toàn mới. Những năm 2010-2013, bút tò he làm ra không đủ bán.

Không dừng lại ở đó, anh Hậu còn vào thành phố Hồ Chí Minh tìm cách học chế biến bột làm hoa đất. Thậm chí, anh còn sang cả Thái Lan học cách làm đất nặn. “Sang đó mới biết đất nặn của họ cũng chỉ là những loại bột như mình, chỉ khác ở tỷ lệ pha trộn. Vậy mà, bấy lâu nay, Xuân La vẫn phải nhập ngoại với giá rất cao”, nghệ nhân Đặng Văn Hậu chia sẻ.

Song song với việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, nghệ nhân Đặng Văn Hậu tìm đến các khu du lịch tiếp thị sản phẩm và thuê địa điểm bán hàng, tổ chức các cuộc thi nặn tò he để quảng bá nghề và luôn cập nhật những mẫu mới nhằm thu hút khách hàng nhí… Dần dần, các sản phẩm tò he tìm lại được chỗ đứng, phát triển bền vững.

Nhiều nhà trường và phụ huynh muốn con em mình chơi những trò chơi truyền thống, thế là anh Hậu mang tò he đến trường dạy học sinh. Rồi anh tổ chức những buổi học tập ngoại khóa trong các khách sạn lớn giới thiệu cho khách nước ngoài, tổ chức những tour du lịch trải nghiệm tại làng nghề kết hợp với những trò chơi dân gian…

Năm 2014, Đặng Văn Hậu đã được thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”, đây là động lực để anh tiếp tục phát triển nghề truyền thống. Đặc biệt, thông qua nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách, anh tìm hiểu về những con giống bột cổ để mở rộng sản phẩm.

Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, con giống bột Hà thành xưa được chia làm hai loại căn bản là: Con giống Đồng Xuân và con giống Phố Khách (của người gốc Hoa ở Hà Nội). Con giống Đồng Xuân thường do các bà, các cô nặn khi đến mùa lễ, Tết, hay khi nhàn rỗi. Đề tài thông dụng là các loại vật nuôi và vật dụng gần gũi với con người thời xưa như trâu, ngựa, lợn, dê, gà, chó, giỏ hoa quả… Con giống Phố Khách cầu kỳ, tinh xảo hơn, còn được gọi là con giống vẩy. Đề tài của các con giống Phố Khách thiên về thần thoại, thí dụ như nghê hý châu, sư tử hý cầu, cá hóa long, con thiềm thừ (cóc 3 chân trên cung Trăng)... Nhiều năm nay, khi nhà nghiên cứu Trịnh Bách sưu tầm được những dòng con bột cổ từ Bảo tàng ở Paris, thì Đặng Văn Hậu đã bắt tay vào nặn bộ lân, nghê, sư cầu kỳ theo phong cách Phố Khách.

Dưới tán đa già góc phố, nghệ nhân Đặng Văn Hậu vừa lắng nghe hướng dẫn của nhà nghiên cứu Trịnh Bách, vừa lướt smarphone để tìm lại màu sắc của “nhân vật” trong những bức tranh xưa. “Đây là công việc rất khó, nhưng nghệ nhân Đặng Văn Hậu vẫn vượt qua”, nhà nghiên cứu Trịnh Bách nói. Rồi nhà nghiên cứu Trịnh Bách kể, hơn 20 năm trước, lần đầu tiên ông gặp anh Hậu theo ông ngoại ngồi nặn tò he trước Nhà thờ Lớn. Ngày đó ông đã thấy ở cậu bé mười ba tuổi sự khéo léo, say mê, siêng năng, nhẫn nại. Càng tiếp xúc, ông càng thấy mình bị cuốn hút, bởi Hậu có con mắt mỹ thuật tốt, luôn cầu tiến trong phát triển cái mới và đặc biệt là anh biết quý trọng văn hóa ông cha để lại.

Hiện tại, hầu hết các cuộc giới thiệu làng nghề đặc sắc của Hà Nội đều không thể thiếu Đặng Văn Hậu và “gánh” tò he sặc sỡ sắc màu cổ tích của người Xuân La. Không những vậy, nghệ nhân Đặng Văn Hậu còn dạy miễn phí cho nhiều bạn trẻ ở quê theo nghề, để nghề truyền thống của quê hương luôn được gìn giữ, phát huy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ nhân trẻ đam mê với con giống bột