Đình Hữu Bằng - một ngôi đình Đoài đặc sắc

Lam Điền| 28/12/2019 06:17

(HNMCT) - Xung quanh đình Hữu Bằng có khá nhiều giai thoại, tăng thêm sự hấp dẫn đối với du khách nhưng cốt lõi vẫn là những giá trị kiến trúc nghệ thuật của ngôi đình mang vẻ đẹp độc đáo đã hiện hữu 330 năm cùng với nhiều di vật quý giá.

“9 thôn chung một ngôi đình”

Chỉ riêng điều ấy đã cho thấy một điểm đặc biệt của đình Hữu Bằng (còn gọi là đình Kẻ Nủa) ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Có nhiều cách lý giải nguyên do 9 thôn của xã chỉ có chung một ngôi đình; theo nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến thì câu trả lời được nhiều người nhất trí là: Tinh thần cộng đồng làng xã được hun đúc từ xa xưa vẫn luôn bền chặt, cho dù cuộc sống ngày càng phát triển và địa bàn định cư được mở rộng thì vẫn không xây dựng thêm những ngôi đình khác. Mọi người dân đều trân trọng gìn giữ giá trị thể hiện ngay trong tên làng “Hữu Bằng” (có nghĩa là đáng tin cậy), cùng củng cố, bồi đắp tài đức để làng trường tồn vạn đại.

Theo văn khắc trên câu đầu (dầm ngang chính đặt trên cùng) thì đình được xây dựng năm 1689. Từ ngoài đi vào, phía trước đình là ao sen, tiếp đó là tấm bình phong gồm 4 cột trụ nhỏ, chia thành 3 ô tường, trổ hình chữ và cây, rồi đến tam quan chính với 2 cột trụ lớn và 2 cửa phụ ở hai bên. Đi vào phía trong, hai bên sân gạch rộng là hai dãy tả, hữu vu, mỗi dãy đều gồm 7 gian; bộ khung gỗ bào trơn đóng bén; tường xây, đầu hồi bít đốc. Tòa đại đình nhìn hướng Tây, gồm đại bái và hậu cung bố trí theo hình chữ “đinh” (chuôi vồ), cơ bản vẫn giữ được kiểu dáng kiến trúc thế kỷ XVII. Bốn bề đại bái thông thoáng, hai bên có bục gỗ, xung quanh là lan can con tiện. Trong lần trùng tu lớn năm 1826 đã đắp thêm hình “lưỡng long chầu nguyệt” trên nóc đình, làm thêm một phần hậu cung...

Nghệ thuật chạm khắc ở đình Hữu Bằng được đánh giá là rất đặc biệt, nhất là các mảng chạm khắc (hình rồng trên các đầu dư; hình người đánh trống, uống rượu, đánh đàn, đấu võ, sinh hoạt hội hè trên 4 bức cốn nách ở 2 bộ vì gian giữa...). Trong đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý như: Bia đá, bản thần tích thành hoàng làng có niên đại Vĩnh Hựu 3 năm 1737, bản thần tích thành hoàng làng và tục lệ làng có niên đại Bảo Đại 11 năm 1936, tấm bảng gỗ sơn son, chữ đen, ghi hương ước của làng lập năm Thành Thái 3 năm 1891, 27 đạo sắc phong từ thời Lê Trung hưng (1533 - 1788) đến thời Nguyễn (1802 - 1945), 5 cỗ kiệu sơn son thếp vàng và các bộ bát bửu, xà mâu, cây đèn, quán tẩy... mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

Ngày 5-9-1989, đình Hữu Bằng được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Những giá trị vững bền

Mảng chạm khắc hình rồng ở đình Hữu Bằng.

Đình Hữu Bằng thờ ba vị Thành hoàng là Đệ nhất, Đệ nhị và Đệ tam Nam Hải Đại vương, là ba vị tướng có công phù giúp nhà Lê. Tại đây, du khách được thưởng lãm nhiều di sản Hán Nôm quý giá ca ngợi công đức Thành hoàng và phong tục tốt đẹp của làng. Bước vào chính điện, thấy hệ thống hoành phi, câu đối làm cho không gian thờ tự thêm vẻ thâm nghiêm, trang trọng. Trên bức cuốn thư lớn, sơn son thếp vàng, tạo lập năm Bảo Đại 7 (Nhâm Thân, 1932), có 4 chữ Hán: “Phổ bác uyên tuyền” (rộng lớn, sâu xa) ca ngợi công đức của thành hoàng. Trên lớp cửa võng thứ nhất là hoành phi chạm khắc 3 chữ: “Tối linh từ” (đền rất thiêng). ở hai bên là đôi câu đối: “Vũ thí vân hành quang vũ trụ/ Càn hoàn khôn chuyển hiển anh linh” (Mưa xuống, mây bay, sáng vũ trụ/ Trời vần, đất chuyển, hiển anh linh). Trên lớp cửa võng thứ hai có 4 chữ: “Dương dương tại thượng” (Ơn trên rộng khắp).

Đặc biệt, có đôi câu đối mà hai vế có hai chữ đối nhau thành tên của làng Hữu Bằng là: “Lịch đại HỮU phong chân giản sách/ Bách niên BẰNG thức thử cung đình” (Các triều nối tiếp sắc phong ghi trong sử sách/ Trăm năm còn chứng cứ ở nơi như cung đình). Về phong tục tốt đẹp của làng Hữu Bằng, bức biển ngạch do vua Tự Đức ban tặng năm Đinh Mão (1867) chạm khắc 4 chữ: “Mỹ tục khả phong” (Tục đẹp, nếp hay). Đây là tấm biển gỗ lớn hơn các biển ngạch cùng thời và do triều đình Huế gửi về, không phải loại biển do cấp tỉnh tổ chức chế tác theo lệnh vua. Điều đó chứng tỏ làng Hữu Bằng đã có những đóng góp lớn cho quốc gia và xứng đáng được triều đình tặng thưởng.

Đình Hữu Bằng chỉ cách Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương khoảng 3km nên hằng năm có tới hàng nghìn du khách về thăm đình. Nếu về làng vào ngày 7 tháng Giêng âm lịch, du khách sẽ được dự hội làng truyền thống tổ chức tại đình, được thưởng thức những lớp diễn xướng dân ca, nghi thức tế lễ rất độc đáo. Trong không khí lễ hội, du khách sẽ được nghe nhiều giai thoại xung quanh ngôi đình. Ấy là giai thoại xung quanh 5 vết chém trên một cột đình ở góc phải, tương truyền là do người cung ứng gỗ làm đình (cụ Phan Văn Thành) vì không được tri ân (tôn làm hậu thần, phối thờ sau khi chết) đã dùng dao chém cột để khắc lời thề rồi bỏ làng mà đi. Ấy là giai thoại xung quanh chuyện giữ đình trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện tinh thần đoàn kết toàn dân, dũng khí, tài trí và tấm lòng yêu quý di sản văn hóa...

Du khách đến thăm đình có chung nhận xét rằng đây một điểm tham quan hấp dẫn, thú vị, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các cấp, ngành chức năng cần bổ sung thêm các bảng chỉ dẫn đường tới di tích từ các ngả đường, và về lâu dài cần nghiên cứu phát triển các điểm du lịch làng nghề trên địa bàn huyện Thạch Thất, trong đó có làng nghề mộc Hữu Bằng, kết nối với những danh thắng, di tích trên địa bàn huyện. Theo chị Nguyễn Thị Quyên, cộng tác viên hướng dẫn du lịch của Công ty Du lịch Sen Vàng, phần lớn du khách mong muốn có bản thuyết minh hoặc người thuyết minh chuyên nghiệp về di tích vì nhiều hướng dẫn viên của các đoàn du lịch chưa thỏa mãn được yêu cầu tìm hiểu của du khách. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần nghiên cứu, bố trí luồng tuyến, phương tiện giao thông để kết nối điểm du lịch từ chùa Tây Phương, chùa Thầy... để tránh lãng phí tài nguyên du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Hữu Bằng - một ngôi đình Đoài đặc sắc