Tàm Xá - đất cổ đang chuyển mình

Phạm Kim Thanh| 23/12/2019 07:49

(HNM) - Nắng vàng rượi rót xuống mặt sông Hồng lấp loáng. Nhìn từ đê Tàm Xá, cầu Nhật Tân như dải lụa mềm trên không gian xanh ngắt của trời, xanh đậm của cây trái trên đất phù sa mênh mang.

1. Cái tên Tàm Xá gợi nên hình ảnh một ngôi làng cổ xưa có nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Vốn là đất nổi giữa sông Hồng, tục truyền từ thời Hùng Vương thứ 6 người dân ở đây đã biết ươm tằm, kéo tơ. Trải bao biến thiên của dòng chảy, sông lại bồi đắp nên, dân các nơi kéo về định cư, lập làng cách đây hơn 4 thế kỷ. Tấm bia đá cổ hiện còn lưu giữ trong sân đình, với hoa văn và những hàng chữ chạm khắc từ thời Hậu Lê, cho biết rõ gốc gác của làng vốn là đảo phù sa nổi giữa dòng sông ngàn năm cuộn chảy.

Nông dân Tàm Xá chăm sóc vườn quất cảnh chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Có làng, ắt có đình thờ Thành hoàng. Thần tích ghi rõ dân Tàm Xá thời Hùng Duệ Vương đã thờ Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Tả Thánh, Minh Quý Hữu Thánh, Long Linh (Thổ thần) ở đình và Cẩm phu nhân ở miếu làng. Năm 40, nhờ có các vị thần phù trợ mà quân sĩ Hai Bà Trưng đánh đuổi được giặc Hán. Các triều Đinh - Trần - Tiền Lê - Hậu Lê - Tây Sơn - Nguyễn đều có các đạo sắc phong cho các vị thánh của làng. Những hiện vật quý cùng hai cuốn thần tích về Thành hoàng làng mà các vị bô lão còn lưu giữ được là minh chứng về việc ông cha ta trao truyền cái gốc văn hiến cho con cháu bằng tất cả tâm huyết và tấm lòng yêu làng, yêu nước.

Đặc biệt nhất, và cũng rất độc đáo, thể hiện việc gìn giữ văn hóa truyền thống của cha ông, là sự kiện di dời đình chùa sang đất Chiêm Trạch. Do thủy thần gây lụt lớn năm 1861 nên năm 1863, dân làng xin được đất Chiêm Trạch bên kia sông, quyết định đưa đình, chùa sang, xây dựng lại. Hằng năm, dân làng vẫn giữ lệ chèo thuyền từ làng nổi Tàm Xá sang Chiêm Trạch tế lễ tại đình, chùa.

Ở nơi cuồn cuộn sóng nước từ đỉnh Nhĩ Hà đổ về, làng nổi Tàm Xá trù phú đã trở thành phên dậu bảo vệ kinh thành Thăng Long. Ngọn cờ cứu nước, giải phóng dân tộc của Việt Minh đã được người thầy dạy học, hương sư của Tàm Xá - thầy Phan Bình bí mật tuyên truyền trong nhân dân. Người dân bí mật nuôi giấu, bảo vệ cán bộ an toàn. Cán bộ cách mạng qua lại trên sông để hoạt động ở vùng An toàn khu của Trung ương, từ Xuân La - Xuân Đỉnh - Bưởi - Phú Thượng sang Hải Bối - Xuân Canh - Xuân Trạch, vào Cổ Loa nằm sát đường quốc lộ 3 để lên Thái Nguyên và chiến khu Việt Bắc. Ngày 28-8-1945, cờ đỏ sao vàng tung bay trên sân đình Tàm Xá, sau đó hơn 40 đại biểu của Tàm Xá đi dự Lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Nhớ lại những ngày đổi đời này, các cụ cao niên ở Tàm Xá dốc tâm can: Ở tuổi này, trải hai cuộc kháng chiến, chúng tôi thấm thía sâu sắc hơn những ngày tháng được sống trong độc lập, tự do, làm chủ cuộc sống của mình.

Những ngày đầu Hà Nội chống Pháp xâm lược, quân dân Tàm Xá đứng lên kháng chiến. Từ đêm 17 đến đêm 18-2-1947, người dân Tàm Xá chở đò đưa các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô lui về hậu phương an toàn. Mờ sáng 19-2-1947, du kích Tàm Xá cùng các chiến sĩ Đội liên lạc Nguyễn Ngọc Nại đã chặn đánh quân Pháp khi chúng mở cuộc tấn công tìm diệt Trung đoàn Thủ đô. Trong cuộc chiến đấu dữ dội, 29 người dân Tàm Xá bị địch giết hại, 50 người khác bị giải sang đình Quảng Bá tra tấn. Đau thương, tang tóc, dòng sông nhuộm máu dân lành! Trung đội trưởng du kích Lê Đức Oánh và du kích Hoàng Hữu Long của làng cùng 8 chiến sĩ Đội liên lạc đã hy sinh anh dũng với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Các liệt sĩ của Đội liên lạc Nguyễn Ngọc Nại được dân Tàm Xá chôn cất trên bãi nhãn cổ thuộc đất Xuân Canh. Mãi tới năm 1992, mộ 8 liệt sĩ mới được tìm thấy và quy tập tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Xuân Canh.

Chín năm kháng chiến, làng nổi giữa sông đã từng nhiều lần bị quân Pháp càn quét, đốt phá nhưng dân Tàm Xá vẫn một lòng, một dạ với cách mạng. Máu đào của 78 liệt sĩ Tàm Xá trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương Tổ quốc đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng của Tàm Xá.

2. Mấy chục năm trước, sông đổi dòng chảy nên đất làng cổ đã bị sóng nước ngoạm dần. Cụ Hoàng Minh Tiến (90 tuổi, nguyên cán bộ quận 4 ngoại thành giai đoạn 1948-1949) kể: “Đêm đêm nghe tiếng đất lở “ùm, ùm”, sáng hôm sau đã mất vạt ruộng lớn. Nhìn chân ruộng há hoác, đau lắm! Năm 1973, chúng tôi được thành phố cho sang đồng đất thuộc xã Xuân Canh và Vĩnh Ngọc (Đông Anh) định cư. Làng mới được lập vẫn giữ tên Tàm Xá, có thôn Đoài, thôn Đông. Các đạo sắc phong của các triều vua cho Thành hoàng làng thì chúng tôi cất giữ kỹ, quý hơn vàng, cháu ạ”.

Tôi theo chân ông Lê Đăng Đường, người từng 20 năm gắn bó với công việc của cán bộ văn hóa xã Tàm Xá ra cụm di tích đình, chùa, miếu làng nằm trên đất thôn Đoài. Ông khoát tay chỉ rõ lộ giới con đường đang mở rộng 40 mét, giáp chân cầu Nhật Tân và bảo đây sẽ là trục giao thông chính của xã, nối với quốc lộ 5 kéo dài. Đường thôn Đoài và thôn Đông rộng, thoáng, sạch đẹp, có hệ thống cống ngầm được bê tông hóa 100%. Quần thể kiến trúc cổ gồm đình, chùa Linh Ứng, miếu làng đã được đưa vào dự án xây dựng Khu văn hóa tâm linh, chờ đón du khách bốn phương.

Bí thư Đảng ủy xã Tàm Xá Hoàng Viết Phương hồ hởi kể: Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2010 chỉ đạt 12,9 triệu đồng/người/năm, đến nay đã lên 51,7 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất từ các ngành đạt 232,4 tỷ đồng, trong đó trồng trọt đạt 91,2 tỷ đồng (riêng 28,5ha quất cảnh ước đạt 2,5 tỷ đồng/ha/năm; 57,5ha quất giống ước đạt 950 triệu đồng/ha/năm); thương mại dịch vụ mỗi năm một phát triển…

Chia sẻ thêm về những cái khó của một xã vốn thuần nông, Bí thư Đảng ủy Hoàng Viết Phương cho biết: Theo quy hoạch của thành phố, huyện Đông Anh sẽ trở thành quận và Tàm Xá sẽ thành phường. Vì vậy, lãnh đạo xã đã định hướng phát triển kinh tế địa phương theo hướng phát triển thương mại - dịch vụ - nông nghiệp. Trước mắt, sẽ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sạch, bền vững; đầu tư phát triển cây thương hiệu quất cảnh và rau an toàn theo vùng quy hoạch. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình giáo dục, y tế, văn hóa theo mô hình mới; đẩy mạnh cải cách hành chính…

Đứng trên đê nhìn hút tầm mắt ra mé sông chỉ thấy màu xanh thẫm của cây trái và rau xanh hữu cơ. Cây quất cảnh đã bén duyên, được công nhận thương hiệu “Quất Tàm Xá” vào năm 2019. Các ngõ, ngách Tàm Xá thẳng tắp, được đánh số như nơi phố thị; hệ thống chiếu sáng giăng trên khắp các trục đường, làm diện mạo làng cổ thay đổi theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp.

Những điều ấy là minh chứng cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của vùng đất cổ này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tàm Xá - đất cổ đang chuyển mình