Làm báo Hànộimới trong 12 ngày đêm khói lửa năm 1972

Thu Hằng| 19/12/2019 07:08

(NSHN) - Những ngày cuối năm 1972, trước sự tấn công mãnh liệt của quân, dân ta trên các chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ tráo trở mở lại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc. Từ ngày 18-12-1972, Mỹ đã huy động một lực lượng lớn máy bay các loại, trong đó có máy bay ném bom siêu hạng B.52 mở chiến dịch tập kích chiến lược bằng không quân liên tục trong 12 ngày đêm, đánh phá hàng loạt mục tiêu ở cả nội và ngoại thành Hà Nội. Cả Hà Nội rung lên trong từng đợt bom lửa dữ dội của kẻ thù...

Ngay từ những ngày đầu giặc Mỹ ném bom Hà Nội, Ban Biên tập Báo Hànộimới và lực lượng xung kích của báo vẫn bám trụ tại trụ sở bên Hồ Gươm. Trong cuốn “Những kỷ niệm một thời làm báo”, cố nhà báo Dương Linh – Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Hànộimới viết:

“Tối 18-12-1972, tôi và anh Hồng Lĩnh (Tổng biên tập) đến trụ sở một tổ dân phố ở phố Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng) để dự một cuộc họp với bạn đọc. Dự kiến cuộc họp sẽ bắt đầu lúc 20h, nhưng trước đó khoảng mươi phút, còi báo động nổi lên, mọi người phải tản ra tránh. Chừng ít lâu sau, nghe có tiếng máy bay ầm ì ở xa, rồi tiếng bom nổ rền khác lạ. Hồi đó, Hội nghị Paris về Việt Nam đang đứt đoạn do sự lật lọng của ekip Nixon-Kissinger, ai nấy đều cảnh giác đón khả năng xấu xảy ra. Linh tính tôi mách bảo: Chúng nó ném bom B.52 xuống Hà Nội rồi. Không đợi hết báo động, tôi lấy xe đạp băng ngay về tòa soạn để chờ tin.

Khoảng gần 22h có điện thoại mời tôi sang họp với Hội đồng phòng không thành phố. Tại đây một sĩ quan Bộ Quốc phòng chính thức thông báo: máy bay B.52 đã trút bom xuống một số vùng ngoại thành Hà Nội. Ta bắn rơi một B.52, hai F4. Nhận định về âm mưu sắp tới của giặc Mỹ, đồng chí nói nhiều, song trong đó có một chi tiết khiến tôi chú ý: nhiều khả năng Mỹ sẽ rải bom B.52 một vệt dọc đường số 1 từ Hà Nội xuống phía Nam để phá hủy đường giao thông huyết mạch của ta...

Nhà báo Dương Linh tại phòng làm việc cuối năm 1972

Hơn 11h khuya, tôi về tòa soạn lo giải quyết các việc. Một nhóm phóng viên đã được cử vượt cầu phao sông Hồng sang Đông Anh nơi bị ném bom. Tôi viết xã luận biểu dương chiến công của quân dân Hà Nội, lên án tội ác của giặc Mỹ. Xong xuôi thì đã quá nửa đêm.

Giờ mới đến lúc lo việc riêng. Tôi về nhà đổi xe đạp lấy chiếc xe máy Stadion của Tiệp phóng một mạch 20 cây số về Nhị Khê, xộc vào nơi hai con sơ tán, dựng chúng dậy, khẩn trương thu dọn quần áo, sách vở, bốc hai đứa lên xe lao về bến đò Thường Tín, qua sông về quê tôi ở Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên). Khỏi phải nói nỗi vất vả: Trời rét, đêm đen, đường nông thôn khấp khểnh… Thu xếp mọi việc êm êm thì trời mờ sáng. Tôi lại lên xe về Hà Nội, đến cơ quan, bắt đầu một ngày làm việc mới, dự kiến lại có nhiều báo động, nhiều bom rơi…”.

Cố nhà báo Quang Huy – Nguyên Trưởng ban Nội chính của Báo Hànộimới viết trong “Những kỷ niệm một thời làm báo”: “Đêm 18-12-1972, chúng tôi đang học tiếng Anh ở tầng 3 tòa soạn thì còi báo động rú lên. Đèn phụt tắt. Cả thành phố chìm trong bóng đêm… Từng loạt bom nổ rền kéo dài rất khác thường, làm rung chuyển cả căn hầm bê tông cốt thép.

Khoảng 23h, anh Dương Linh ra lệnh cho bốn phóng viên Thiện Mỹ, Quang Cát, Quang Huy và Nguyễn Văn sang những nơi vừa bị máy bay Mỹ ném bom ở Gia Lâm và Đông Anh bằng chiếc ô tô Rumani “đít vuông” do anh Trần Văn Hồng lái. Gần 1h sáng 19-12 xe mới tới Thượng Thanh, Gia Lâm. Máy bay Mỹ lại vào đợt 4. Bầu trời lại sáng lóe. Tiếng bom, đạn pháo các cỡ lại ầm ầm tứ phía…

Xe dừng bánh trước tòa soạn lúc 5h30 sáng. Người nào cũng hốc hác, bơ phờ. Bốn chúng tôi viết ghi nhanh. Mỗi người được 2 chiếc bánh xốp vừa ăn vừa viết. Mãi đến 11h ngày 19-12 số báo hôm đó mới in xong và phát hành. Chúng tôi không ai được ngủ, lại cùng đội ngũ phóng viên của tòa soạn phân chia nhau đến các điểm ở nội, ngoại thành bị máy bay Mỹ bắn phá”…

Gần 50 năm đã trôi qua nhưng chị Phạm Thị Hội, công nhân sửa bài vẫn còn nhớ như in những ngày bám trụ với Thủ đô để đảm bảo tờ báo của Đảng bộ thành phố phát hành đều đặn trong 12 ngày đêm giặc Mỹ ném bom B.52 hủy diệt Hà Nội. 

Chị kể: “Lệnh từ trên xuống tất cả những người không có nhiệm vụ phải khẩn cấp sơ tán khỏi thành phố. Lãnh đạo tòa soạn và nhà in quyết định chỉ có những đồng chí trong đội Tự vệ và những người có nhiệm vụ xuất bản tờ báo ở lại Thủ đô.

Để tránh thiệt hại về người và tài sản, tất cả chúng tôi đều phải xuống hầm làm việc. Điều kiện làm việc dưới hầm rất chật chội, ngách hầm chỉ vừa kê đủ hộp chữ và người ngồi sắp. Muốn di chuyển đi lại rất khó khăn. Điện không có, mọi người phải căng mắt ra sắp chữ dưới đèn dầu, sửa bài, đặt trang cũng dưới đèn dầu. Năm ấy, Hà Nội lạnh lắm, ngồi dưới hầm, vách hầm lạnh buốt thấu xương. Những ngày đó chúng tôi thường xuyên phải làm việc 14, 15 tiếng một ngày, phần vì do điều kiện làm việc nên tốc độ chậm, phần vì bài vở thay đổi luôn cho kịp với tình hình thời sự. Ngày ấy còn sắp chữ thủ công nên mỗi lần thay đổi tin bài rất vất vả…

Trong khó khăn gian khổ hiểm nguy, giữa sự sống và cái chết, chúng tôi vẫn kiên cường bám trụ. Sức trẻ và lòng căm thù giặc đã giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, trong điều kiện chiến tranh ác liệt vẫn đảm bảo ra báo hằng ngày, đáp ứng nhu cầu thông tin”.

Trong hồi ức của nhà báo Đỗ Trọng Thành (Tân Minh), ngày 19-12-1972, “khi màn đêm vừa buông xuống, lũ giặc B.52 lại mò đến. Đêm nay chúng làm dữ hơn, gần trung tâm thành phố hơn. Nhưng mọi người chống trả quyết liệt. Cứ thế, cuộc chọi lại của mặt đất và bầu trời Hà Nội đối với lũ máy bay đủ loại của giặc diễn ra hết đêm này đến đêm khác. Thua đau, giặc đánh phá cả ngày lẫn đêm. Rồi B.52 mò vào Hà Nội, rải thảm ở Bệnh viện Bạch Mai, khu tập thể Đài phát thanh, khu phố Khâm Thiên… Chúng không kịp hoành hành vào trung tâm Bờ Hồ Hà Nội. Chúng bị đòn đau vì tài chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta và cũng vì tinh thần kháng cự mãnh liệt, kiên cường của nhân dân Hà Nội. Tôi đã thu thập tài liệu viết bài “Đập tan uy thế của không lực Hoa Kỳ” khẳng định sự thất bại ê chề của Nixon. Ngày 30-12-1972, bài báo ra mắt bạn đọc Thủ đô đúng lúc”.

Bom đạn của đế quốc Mỹ đã không khuất phục được ý chí quật cường của người Hà Nội. Bằng sức mạnh của lòng yêu nước, trí thông minh, sáng tạo và lòng quả cảm, quân và dân Thủ đô đã làm nên một Điện Biên Phủ trên không. 81 máy bay Mỹ đã rơi trên bầu trời Hà Nội, trong đó có 34 pháo đài bay B.52, con át chủ bài mà Mỹ vẫn cho là bất khả xâm phạm.

Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không một lần nữa nêu bật “Tinh thần Hà Nội, tính cách Hà Nội”. Trong cuốn “Thời gian và nhân chứng”, cố Tổng Biên tập Hồng Lĩnh kể: “Mỹ dùng B.52 trút bom ngày đêm xuống Hà Nội nhưng báo vẫn ra không nghỉ ngày nào. Sau khi Mỹ thất bại phải ngừng ném bom, nhiều đoàn nhà báo nước ngoài đến thăm, chúc mừng chiến thắng của quân và dân ta, đề nghị báo cho biết vì sao địch bắn phá ác liệt đến vậy mà báo vẫn xuất bản đều đặn?

Thật ra, hỏi về kinh nghiệm thì cũng khó nhưng cũng dễ trả lời. Khó là vì việc mới quá và chúng tôi bận quá chưa rút kinh nghiệm, nhưng cũng dễ là cũng như quân dân Thủ đô, từ lãnh đạo đến cán bộ, phóng viên, công nhân nhà in báo đều quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ bằng công việc của mình nên dù địch bắn phá ác liệt thế nào, dù phải hy sinh, anh chị em đều không biết sợ, nao núng, mà càng cố gắng làm tốt công việc của mình – không riêng Báo Hànộimới mà các báo khác đều như vậy. Các bạn nhà báo nước ngoài bắt tay, ôm chặt tôi nói: Đó là kinh nghiệm lớn quá, hay quá!”.

Nhanh nhạy, sắc bén, quyết liệt, Hànộimới cùng các báo khác trong 12 ngày đêm khói lửa năm 1972 ấy đã kịp thời lên tiếng tố cáo tội ác của giặc Mỹ với dư luận thế giới và tuyên truyền chiến thắng giòn giã của nhân dân Thủ đô. Thời gian trôi nhanh, nhiều bậc trưởng lão của Hànộimới không còn nữa nhưng những trang báo được viết bằng máu và nước mắt của gần nửa thế kỷ trước xứng đáng là những tư liệu lịch sử sống động của bản Anh hùng ca kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm báo Hànộimới trong 12 ngày đêm khói lửa năm 1972