Tháng 12 trên phố Yên Ninh - Hàng Bún

Triệu Dương| 16/12/2019 16:55

(HNNN) - Vài ngày trước khi phát súng đầu tiên của quân ta khai hỏa từ Pháo đài Láng, mở màn cho Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), tại ngã ba Yên Ninh - Hàng Bún, các chiến sĩ tự vệ và người dân nơi đây đã thể hiện tinh thần quật cường chống lại âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. “Sự kiện phố Yên Ninh” đã được sử sách ghi lại và ở ngã ba Yên Ninh - Hàng Bún hôm nay vẫn còn tấm bia nhắc nhớ sự kiện lịch sử bi tráng năm xưa.

Sống mãi với Thủ đô

Đi trên phố Hàng Bún, nối từ đê sông Hồng đến phố Phan Đình Phùng hôm nay, nhiều người không khỏi bùi ngùi khi dừng chân trước tấm bia ở ngã ba phố Yên Ninh - Hàng Bún, nơi ghi lại sự kiện bi tráng 73 năm trước, dù chỉ vẻn vẹn dòng chữ: “Khắc sâu căm thù. Nơi đây thực dân Pháp đã tàn sát đồng bào ta, mở đầu cuộc gây hấn của chúng ở Thủ đô Hà Nội”.

Tấm bia tưởng niệm trên phố Yên Ninh. Ảnh: Dương Hiệp

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với âm mưu trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, quân Pháp đã thực hiện nhiều hành động gây hấn, phá hoại, gây không khí căng thẳng. Ở Hà Nội, chúng ra tối hậu thư, đòi tước vũ khí của Tự vệ Hà Nội, đòi giao quyền kiểm soát trật tự trên địa bàn thành phố cho chúng, làm chậm các thư, điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Chính phủ Pháp. Vào giữa tháng 12-1946, để châm ngòi cho cuộc chiến tranh xâm lược, thực dân Pháp đã bắn phá một số nơi trong thành phố. Đặc biệt, chúng cho xe ủi và binh lính phá hủy các ụ chiến đấu do tự vệ và nhân dân Hà Nội dựng lên trên các khu phố. 

Tối 16-12, một xe ô tô chở lính Pháp chạy tới phố Hàng Bún, bắn chết một tự vệ đang đứng gác và bắt cóc một chiến sĩ khác đưa lên xe. Sáng ngày 17, chúng cho máy bay trinh sát lượn khắp bầu trời Hà Nội. Dưới đường phố, một trung đội lính lê dương mũ đỏ mang súng tiểu liên cùng xe tăng, xe bọc thép vây chặt khu vực ngã ba Hàng Bún - Yên Ninh. Tại đây, chúng bắt hơn 40 người tập trung ở ngã ba phố Yên Ninh - Hàng Bún để tra hỏi, đánh đập, khám xét, cướp đoạt tiền bạc, tư trang... khiến nhân dân vô cùng phẫn nộ. Khi chúng bắt 15 phụ nữ đưa lên ô tô thì đồng bào xô đến đòi chúng phải trả lại tự do cho con em mình. Và tiếng súng tàn bạo của lũ cướp nước đã vang lên khiến hơn 20 người dân vô tội chết và bị thương. Giặc Pháp còn cho lính lê dương ùa vào các gia đình tàn sát, đập phá đồ đạc, châm lửa đốt nhà.

Báo Cứu Quốc số 440 ra ngày 19-12-1946 đã ghi lại sự kiện vô nhân đạo của thực dân Pháp đối với nhân dân ta với tiêu đề: Những cảnh thảm thương ở phố Hàng Bún. Cũng trong số báo này có thông tin, ngày 18-12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám mời cả Lãnh sự Anh và Tổng lãnh sự Trung Hoa Dân Quốc đến chứng kiến hiện trường vụ thảm sát, nhằm bày tỏ sự phẫn nộ của phía Việt Nam...

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã miêu tả sự kiện ngày 17-12-1946 rất chi tiết và sống động trong chương 5 cuốn tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô: “... Hai đầu ngõ Yên Ninh bị vít lại. Xe tăng, háp-tờ-rắc của quân Pháp đỗ bên đường Quan Thánh, bắn phá cái ụ, bắn xả vào trong ngõ. Súng trường của tự vệ Yên Ninh lẻ tẻ bắn lại. Một tên lính Pháp đứng trên xe cam nhông ngã gục xuống đường. Một tiếng thét: “A mort les Viet Minh assassins!”. Những cây gỗ đã bị nhổ mang lên xe. Cái ụ đất bị san phẳng. Trọng pháo ở trong thành bắn sang yểm hộ. Ngôi chùa nhỏ ở trong ngõ đổ sụp. Tiếng súng của tự vệ im bặt. Hơn một chục lính mũ đỏ rầm rập tiến vào cái ngõ vắng tanh, bụi bốc mù, rải rác mấy xác người nằm hai bên hè. Từ cái chùa đổ cuồn cuộn bốc lên một đám khói to. Bọn lính sục vào trụ sở của tự vệ ở đầu phố... Cuộc chém giết kéo dài cho đến quá trưa...”.

Biểu tượng cho ý chí người Hà Nội

“Dù không chính thức nhưng sự kiện xảy ra tại phố Hàng Bún - Yên Ninh vẫn được coi là nơi mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc năm 1946, bởi bà con và tự vệ thành Hoàng Diệu đã chống giặc và đánh giặc từ ngày 17-12. Sau khi Bác Hồ đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, cả Hà Nội sục sôi đánh giặc, trên nhiều khu phố còn giăng biểu ngữ chiến đấu trả thù cho đồng bào bị tàn sát trên phố Yên Ninh... Đất và người phố Yên Ninh - Hàng Bún chính là biểu tượng cho khí phách người Hà Nội” - Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội khẳng định.

Chủ tịch UBND phường Quán Thánh Võ Hồng Vinh cho rằng, sự kiện trên phố Yên Ninh - Hàng Bún cách đây 73 năm đã thể hiện ý chí sắt đá của người dân Hà Nội “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Với mục đích giáo dục truyền thống lịch sử, đặc biệt cho thế hệ sau này, năm 1980, Quận ủy, UBND quận Ba Đình đã chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương dựng một tấm bia tại ngã ba Hàng Bún - Yên Ninh. Vị trí tấm bia gắn trên tường ngôi nhà 54 Hàng Bún, giáp với nhà 98 ngõ Yên Ninh. Trên phố Hàng Bún có ngôi nhà số 40 đã là nơi ở và làm việc bí mật của đồng chí Lương Khánh Thiện, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội. 

Anh Nguyễn Đức Tiến - Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội cho biết, những địa danh cách mạng như tấm bia căm thù ghi lại sự kiện phố Yên Ninh luôn là địa chỉ đỏ để giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên Thủ đô. 

Chướng ngại vật được dựng lên ở khắp nơi trong những ngày Toàn quốc kháng chiến. Ảnh: Tư liệu

Bà Nguyễn Thị Minh năm nay đã 85 tuổi, sống ở khu tập thể báo Nhân Dân trên phố Yên Ninh kể, ngày nào cũng có thanh niên tình nguyện đến quét dọn khu vực bia tưởng niệm. Vào ngày 17-12 hằng năm, nhiều gia đình dù đã chuyển đi nơi khác đều quay về đây thắp hương tưởng nhớ các chiến sĩ và người dân đã ngã xuống năm nào. Như bao người con phố Yên Ninh, anh Nguyễn Minh Đức - một doanh nhân thế hệ 7x sinh sống, làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh thường quay lại nơi “chôn nhau cắt rốn” - con phố lịch sử này vào dịp cuối năm. Cách đây 73 năm, gia đình anh cũng có người nhà là nạn nhân của vụ tàn sát dã man. Năm nay cũng không là ngoại lệ, anh lặng lẽ trở về thăm lại nơi mình từng sinh ra lớn lên, tưởng niệm người thân, và quan trọng hơn là để bồi đắp, nhắc nhớ phát huy truyền thống bất khuất, kiên trung của người Hà Nội.

Câu chuyện bi tráng của quân và dân Hàng Bún - Yên Ninh năm xưa đã hòa trong dòng sử đầy tự hào của hào khí Thăng Long - Hà Nội. Ngày nay, phố Hàng Bún - Yên Ninh vẫn là con phố đẹp ở Hà thành và càng đẹp hơn khi lịch sử hào hùng tiếp tục được bồi đắp, trao truyền.

Xem lại Hoài Đức phủ toàn đồ, nhiều nhà nghiên cứu xác định vào niên hiệu Minh Mạng thứ 12, tức năm Tân Mão 1831, đã thấy phố Hàng Bún. Nhưng nhiều khả năng tên phố xuất hiện rất lâu trước thời điểm ấy.

Sách Đường phố Hà Nội do Nguyễn Vinh Phúc và Trần Huy Bá hợp soạn giải thích: “Sở dĩ có tên là Hàng Bún vì thời xưa thôn Yên Ninh có nghề làm bún nổi tiếng, sợi nhỏ và trắng. Cho tới năm 1945 ở đây vẫn còn có nhà làm bún”.               

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháng 12 trên phố Yên Ninh - Hàng Bún