Cổ tích làng nghề bên sông Nhuệ

Cảnh Linh| 14/12/2019 09:17

(HNMCT) - Nhiều người thường nói, hơi ngoa chút, là những hàng giày trên phố Hàng Dầu nhập hàng về, nếu không của Trung Quốc thì chỉ có giày làng Giẽ (Giẽ Hạ và Giẽ Thượng) của xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Chỉ cần nhìn lối dán hay chỉ khâu là biết ngay là giày làng Giẽ. Bền và chắc. Nghe nói làng Giẽ còn có đôi giày vừa cả bàn chân Thánh Gióng...

Anh Nguyễn Lương Đức - Chủ tịch Hội Giầy da xã Phú Yên bên chiếc giày lập kỷ lục Việt Nam. Ảnh: Văn Toản

“Phố Hàng Giày” ở Phú Yên

Con “phố làng” này nằm trên quốc lộ số 75 đi từ Cầu Giẽ sang thị trấn Vân Đình. Nó chạy dọc hai làng Giẽ (Thượng và Hạ) dài hơn 2 cây số quanh co bên sông Nhuệ. Ồn ào không kém gì các con phố nội thành vì những đoàn xe đến nhập hàng tấp nập. Ngay cả nhiều “nam thanh nữ tú” ngoài Hà Nội bấy lâu nghe tin đồn cũng mò xuống tận đây để sục tìm những mẫu mã lạ mắt, bền đẹp, lại hợp túi tiền.

Quả đúng như thiên hạ lâu nay vẫn được nghe câu rao: “Ai muốn mua giày rẻ chạy khỏe lên Giẽ”, giày làng Giẽ nhiều vô kể. Nhà nào cũng chất ngất các chủng loại giày. Ấy là chưa kể các kho chứa hàng. Cứ vào vụ đông xuân hay dịp áp Tết, nhà nào cũng hối hả làm ngày làm đêm cho kịp hợp đồng.

May sao chúng tôi gặp anh Nguyễn Như Diên, Phó Chủ tịch Hội Giày da xã Phú Yên và được anh cho biết, chẳng cứ vào vụ đông xuân hay Tết mà dân làng Giẽ quanh năm đóng giày. Mỗi năm làng nghề xuất 6 - 7 triệu đôi giày đến các tỉnh, thành trên cả nước, thu về khoảng 50 - 60 tỷ đồng là chuyện bình thường. Giải đáp tò mò của chúng tôi về nhãn mác giày, anh Diên cười bảo đúng là cách đây vài năm không ít nơi về đây mua giày về rồi đóng nhãn hiệu của mình là chuyện có thật, nhưng đến nay chính quyền xã đã có quy định chung nhà nào cũng phải khắc dấu “Giày Phú Yên” trên sản phẩm để khẳng định thương hiệu làng nghề.

Mặc dù trong xã có đến hàng chục cơ sở sản xuất đăng ký những cái tên riêng nhưng vẫn phải ghi xuất xứ “Giày Phú Yên”, cho rành mạch. Thế nhưng cạnh tranh với các thương hiệu mạnh trên thị trường vốn là chuyện không dễ dàng gì, vì thế giày làng Giẽ vẫn phải sống nhờ nhãn mác của thiên hạ, như người ta nói, hẳn cũng là chuyện khó tránh. Cũng theo anh Diên, những năm gần đây, nghề đóng giày được xác định là “trọng điểm kinh tế” của Phú Yên. Toàn xã hiện có tới hơn 500 cơ sở sản xuất giày, như anh Diên đánh giá là “sống được”, thậm chí còn làm giàu với nghề của cha ông. Không khí làm việc hằng ngày thật sôi nổi. Hàng ngàn thợ trong làng cùng với hàng trăm thợ ở khắp nơi tụ về, thu nhập bình quân của mỗi người thợ cũng được dăm bảy triệu đồng.

Anh Diên dẫn chúng tôi về văn phòng của Hội Giày da xã Phú Yên để chiêm ngưỡng chiếc giày khổng lồ. Khách đến đây lần đầu hẳn ai cũng tròn mắt ngạc nhiên với chiếc giày dài tới nửa căn nhà. Cứ như là giày của Thánh Gióng! Có người bắc ghế bước lên chiếc giày và ngồi lọt thỏm vào trong.

Anh Diên nói người làng “đặt tên” cho chiếc giày này là “Nhịp bước thời đại”. Nó được làm bằng da bò, dài tới 2,72m, cao 1,1m và rộng 1,05m (nặng 70kg). Trả lời câu hỏi “con bò nào mà da lại rộng để có thể làm ra chiếc giày liền mũi như vậy?”, anh Diên bảo đây từng là một vấn đề cam go, khiến cả làng phải chia nhau đi lùng sục khắp nơi. Cuối cùng mọi người phải đặt mua những con bò giống lớn Ấn Độ đưa về làm thịt để lấy da. Anh Diên kể, năm 2007, Hội Giày da Việt Nam tổ chức cuộc thi “Tạo mẫu thiết kế giày”. Thợ giày Phú Yên muốn thử sức mình, bèn tập hợp những người thợ giỏi nhất của hai làng lại để thể hiện quyết tâm khẳng định thương hiệu làng nghề. Chiếc giày “Nhịp bước thời đại” của thợ giày Phú Yên sau đó được xác lập Kỷ lục Guinness Việt Nam, trở thành niềm tự hào của làng nghề Phú Yên.

Những người thợ tài hoa

Một cửa hàng bán giày ở làng nghề Phú Yên.

Khi được hỏi về người thiết kế và làm ra chiếc giày kỷ lục này, anh Diên vui vẻ dẫn chúng tôi ngược về làng Giẽ Thượng để gặp gỡ lão nghệ nhân Lê Văn Thịnh.

Năm nay tròn 70 tuổi, mặc dù nhà ở ngay mặt đường phố nhưng nghệ nhân Lê Văn Thịnh không mở cửa hàng như những người thợ giày khác mà chỉ đóng giày theo đơn đặt hàng. Nức tiếng xa gần về độ tài hoa, nghệ nhân Lê Văn Thịnh đã đạt nhiều danh hiệu và giải thưởng trong các cuộc thi đóng giày, giành danh hiệu “Bàn tay Vàng” và được Thành phố Hà Nội phong danh hiệu nghệ nhân năm 2013.

Nhắc về chuyện chiếc giày kỷ lục, ông lên gác lấy tập hồ sơ và cho chúng tôi xem những thiết kế mẫu cho chiếc giày này. Đó là chiếc giày nam mũ bướm có kích thước lớn gấp 10 lần chiếc giày bình thường, đáp ứng tiêu chí cuộc thi là giày phải liền da, không ghép mũi và nuột nà như có thể đi được. Nghệ nhân Lê Văn Thịnh phải mất cả tuần để lên bản thiết kế chi tiết. Phải cắt thử bằng giấy bìa để khi lên khung uốn bằng da cho khớp kích thước, nếu không cắt khéo là hỏng cả tấm da lớn.

Để làm được chiếc giày kỷ lục phải dùng hết 40m2 da bò, 300m chỉ khâu và 30kg keo dán. Riêng phom làm cốt giày cũng ngốn đến vài khối bê tông. Đúng như nghệ nhân Lê Văn Thịnh nói, chiếc giày tuy to nhưng không có cảm giác thô mà vẫn hài hòa, duyên dáng. Và đã hơn 10 năm nay nước xi cũng vẫn mịn màng đều màu, không một chút gợn nhăn. Đó thực sự là một thành quả đáng tự hào, thể hiện một mỹ cảm thời trang hiện đại của người thợ thủ công tài hoa làng Giẽ.

Câu chuyện đang lôi cuốn các vị khách thì người cháu nội của nghệ nhân Lê Văn Thịnh về nhà, mang theo một mẫu giày mới. Anh Diên giới thiệu đó là nghệ nhân trẻ Lê Văn Hải, một người thợ tiêu biểu cho thế hệ làm nghề thứ tư của làng. Mặc dù còn trẻ nhưng Hải được đánh giá là một trong những thợ giỏi khi đã giúp ông nội thực hiện thi công chiếc giày kỷ lục và hiện anh đang là người chuyên thiết kế mẫu giày mới cho những công ty giày da và các cơ sở sản xuất. Đáng kể, anh cũng là một trong những người thợ thủ công làng Giẽ sớm ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thiết kế, trang trí các mẫu giày hiện đại.

Năm 2009, khi mới 24 tuổi, Lê Văn Hải đã tham dự cuộc thi thiết kế mẫu giày quốc tế ở Thượng Hải và đoạt Huy chương Bạc. Đây là thành tích bất ngờ ngay cả đối với những nhà thiết kế chuyên nghiệp ở Việt Nam. Chẳng ai có thể ngờ một người thợ trẻ ở làng quê bên lại giành được giải cao tại một cuộc thi thời trang quốc tế có sự tham gia của rất nhiều nhà thiết kế tên tuổi. Đó thực sự là niềm vinh dự, tự hào cho những người thợ đóng giày Việt Nam. Chả biết có phải vì thế mà căn nhà hai ông cháu ở trở thành nơi tụ hội của những người thợ đóng giày trẻ ở làng Giẽ.

Thật thú vị khi ông Lê Văn Thịnh còn cho biết vùng đất làng Giẽ một thời được ví là “Thủ đô kháng chiến”. Bởi đây từng là nơi tập hợp những văn nghệ sĩ tham gia hoạt động kháng chiến ở ngoại thành Hà Nội. Chính vùng quê sông nước này đã tạo nên nguồn cảm xúc để nhà văn Nam Cao viết thiên truyện ngắn Đôi mắt.

Trước khi ra về, chúng tôi được nghệ nhân trẻ Lê Văn Hải cho xem một “kỷ lục” khác của anh, đó là một chiếc giày nhỏ xíu bằng ngón tay. Tựa như chiếc hài cổ tích trong câu chuyện thần tiên nào đó mà người thợ trẻ làng Giẽ mới tạo ra trong một buổi sáng mùa đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cổ tích làng nghề bên sông Nhuệ