Để tiếng tơ xưa vọng mãi đến sau này

Bài và ảnh: Bảo Khánh| 04/12/2019 17:47

(HNMCT) - Nghề chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa đã có ở Việt Nam từ cách đây hàng nghìn năm. Theo sử sách, nghề này xuất hiện sớm nhất tại làng Cổ Đô (huyện Ba Vì, Hà Nội) từ thời vua Hùng Vương thứ 6, với “tổ nghề” là công chúa Thiều Hoa. Cho đến nay, nhắc đến nghề dệt lụa, đa phần người ta sẽ nghĩ ngay tới làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), nhưng ít ai biết rằng Hà Nội xưa còn có các làng lụa khác cũng nổi tiếng không kém...

Giới thiệu sản phẩm tơ lụa Phùng Xá đến du khách.

Thăng trầm nghề dệt

Câu ca dao: “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”... cho thấy dệt lụa là một trong những nghề nổi tiếng của Hà Nội xưa. Nếu như lụa Vạn Phúc nổi tiếng với hơn một nghìn năm tồn tại, chất lượng không thua kém lụa Trung Hoa, Ấn Độ; hay Trích Sài - làng nghề nổi tiếng của kinh thành Thăng Long với loại lĩnh độc đáo nay chỉ còn trong ký ức..., thì làng Bùng (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) cũng nổi tiếng với nghề trồng tơ, nuôi tằm, dệt chồi (sồi), lụa và lượt từ hàng nghìn năm trước. Cùng với các vùng đất chăn tằm, ươm tơ nổi tiếng ở Cổ Đô (Ba Vì), Canh Nậu, Hương Ngải (Thạch Thất)..., làng Bùng từng được mệnh danh là “thủ đô dâu tằm” của miền Bắc.

Bên cạnh các làng dệt lụa, ươm tơ nổi tiếng trên, còn có một làng nghề gắn bó mật thiết với sợi tơ, ấy là làng nghề thêu phục chế Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín). Vốn nổi tiếng với nghề thêu trang phục cung đình cho các triều vua phong kiến ở Việt Nam, nay Đông Cứu được biết đến là làng nghề duy nhất ở miền Bắc còn giữ được nghề truyền thống với kỹ thuật thêu cổ. Nghệ nhân nhân dân Vũ Văn Giỏi, một trong những người con của làng Đông Cứu cho biết: “Nghề thêu của Đông Cứu gắn bó với sợi chỉ tơ. Chỉ được dùng thêu sản phẩm phải được làm từ tơ sống và hoàn toàn là tơ tằm để tạo ra sự ăn khớp trên những mảnh lụa. Chỉ có loại chỉ tơ tằm mới bám chặt và sâu trên mặt vải, cho độ bóng, đẹp mà không bị bồng hay khập khễnh khi thêu trên các trang phục truyền thống...”. Chính nhờ những bí quyết độc đáo được trao truyền qua nhiều thế hệ, nghề thêu phục chế của làng Đông Cứu đã được phục hồi sau nhiều năm dài vắng bóng.

Tìm chỗ đứng cho di sản

Trước thực tế phát triển của cuộc sống hiện đại, không phải làng nghề nào cũng có may mắn khi nhận được sự quan tâm, đầu tư của thành phố để vừa bảo tồn vừa phát triển nghề truyền thống tốt như làng lụa Vạn Phúc. Giống như làng nghề thêu phục chế Đông Cứu từng trải qua những năm tháng bị lãng quên, làng Phùng Xá cũng đối mặt với vô vàn khó khăn trong việc bảo tồn nghề. Do những thăng trầm thời cuộc, nghề truyền thống của Phùng Xá từng có nguy cơ mai một khi diện tích đất trồng cây dâu tằm bị thu hẹp, phần lớn người dân trong làng chuyển sang nghề khác để mưu sinh. Ngôi làng với nghề cổ truyền gần nghìn năm đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn...

Trước những khó khăn ấy, thật may khi Phùng Xá còn có Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận - người hết lòng trong việc gìn giữ nghề tổ của cha ông. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bốn đời theo nghề truyền thống, ngay từ khi còn nhỏ, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã được bà và mẹ dạy cách chăn tằm, se tơ, dệt vải. Chính vì thế, khi nghề đứng trước nguy cơ mai một, nghệ nhân Phan Thị Thuận vẫn không nản lòng. Mỗi ngày bà đạp xe hàng chục cây số lên tận Hòa Bình để xin lá dâu về cho tằm ăn. Rồi bà cũng tìm được cách khôi phục lại diện tích đất trồng dâu, đẩy mạnh việc sản xuất tơ lụa. Không phụ lòng bà, các sản phẩm do gia đình bà làm ra ngày càng được tiêu thụ mạnh mẽ. Nhiều hộ khác cũng học theo cách làm của bà, nhờ đó, nghề tơ lụa dần được phục hồi trên quê hương Phùng Xá.

Không dừng lại ở đó, nghệ nhân Phan Thị Thuận còn có những sáng tạo tưởng như không thể là cho tằm làm “thợ”, lợi dụng các đặc tính vốn có để chúng tự dệt nên những tấm kén phẳng tạo thành các tấm chăn, đệm... Đặc biệt, từ năm 2016, Viện Kinh tế sinh thái (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đã phối hợp với Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức của nghệ nhân Phan Thị Thuận thực hiện đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống lá sen” và cho ra đời hàng loạt sản phẩm làm từ tơ sen. Đây là bước nâng nghề dệt của Phùng Xá lên một tầm cao mới. Bằng tâm huyết và kinh nghiệm của mình, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã mày mò tìm ra kỹ thuật kéo tơ sen đơn giản, cho năng suất cao để tạo nên những sợi tơ dai, chắc mà vẫn mềm mại, óng ả, dễ thiết kế, nhuộm, vẽ. Vì thế, các sản phẩm được làm từ tơ sen của Phùng Xá đã gây được tiếng vang nhờ sự độc đáo, khác biệt của mình.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ: “Nghề dệt đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và quan trọng nhất là phải yêu nghề, để tâm vào công việc. Có như vậy mới tạo ra được những sản phẩm đẹp, hoàn chỉnh. Tôi chỉ có một mong ước duy nhất là nghề dệt lụa tơ tằm và tơ sen của Phùng Xá ngày càng khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường, được du khách trong nước và quốc tế biết đến để từ đó tìm lại vị thế của một làng nghề có bề dày nghìn tuổi không hề thua kém gì lịch sử phát triển của làng lụa Vạn Phúc...”.

Để nghề dệt tơ lụa nói chung và làng Phùng Xá nói riêng tìm được chỗ đứng trên thị trường, họa sĩ - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Mạnh Đức cho rằng, người dân làng nghề cần chú trọng đến việc đầu tư đồng bộ từ công nghệ, máy móc, con người để nâng cao chất lượng sản phẩm với giá thành phù hợp nhằm phục vụ đối tượng khách trong nước trước tiên. Đây là thị trường khách rất tiềm năng, có sức tiêu thụ cao nhưng thường xuyên bị “bỏ quên”. Nhiều làng nghề hiện chỉ chú trọng đến việc tạo ra các sản phẩm cao cấp để phục vụ một bộ phận người tiêu dùng hoặc thị trường nước ngoài mà quên rằng, người tiêu dùng trong nước cũng quan trọng không kém. “Đó là lý do vì sao sản phẩm của chúng ta không thể cạnh tranh được với các sản phẩm nước ngoài và thua ngay trên sân nhà” - họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức chia sẻ.

Làng nghề là “cái nôi” bảo tồn văn hóa bởi đó chính là nơi tạo ra sản phẩm đại diện cho một làng nghề, một vùng hay thậm chí là diện mạo văn hóa của một đất nước. Với bề dày truyền thống hàng nghìn năm, nghề dệt tơ lụa truyền thống đã và đang cho thấy, bên cạnh những giá trị về kinh tế, đó còn là nơi lưu giữ các giá trị nền tảng văn hóa, chứa đựng những tri thức dân gian được trao truyền từ đời này sang đời khác. Bởi thế, việc bảo tồn, phát triển nghề dệt tơ lụa ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung càng cần được quan tâm nhiều hơn nữa, để tiếng tơ xưa còn vọng mãi đến sau này...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để tiếng tơ xưa vọng mãi đến sau này