Ngàn năm áo dài Trạch Xá

Chung Tử| 28/11/2019 09:51

(HNMCT) - Tôi về Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đúng ngày gặt mùa. Con đường dọc theo bờ kênh đầy hoa cỏ may phơ phất bay, làm tôi sực nhớ đến câu thơ của cố thi sĩ Nguyễn Bính viết rất thú vị về tà áo dài: “Hồn anh như bông cỏ may/ Một chiều cả gió bám đầy áo em”. Và chẳng mấy chốc ngôi làng khai sinh ra nghề may áo dài truyền thống nổi tiếng từ cả ngàn năm nay của đất Thăng Long - Hà Nội đã hiện ra trước mắt...

Nghệ nhân Đỗ Minh Thường đang phục dựng mẫu áo dài nam truyền thống.

1. Các cụ cao niên trong làng Trạch Xá thường kể, nghề may áo dài đã có ở đây từ cả nghìn năm nay. Vào khoảng thế kỷ thứ X, thời vua Đinh Tiên Hoàng, một thôn nữ người làng Trạch Xá tên là Nguyễn Thị Sen được tuyển vào cung làm Thứ phi, chuyên lo việc may mặc cho toàn bộ triều đình, đặc biệt là bà rất giỏi cắt may áo dài cho các cung tần mỹ nữ và công chúa trong triều. Nhưng rồi khi vua Đinh Tiên Hoàng bị hãm hại (năm 979), bà đã tâu với Thái hậu Dương Vân Nga cho xuất cung.

Trở về quê hương Trạch Xá, bà đã phục hồi lại nghề trồng dâu nuôi tằm, đồng thời mang nghề may áo dài ra dạy cho người dân. Sau khi bà mất, dân làng tôn bà làm Thành hoàng làng và lập đền thờ, gọi bà là Thánh sư, Tổ nghề may áo dài. Ở thành phố Huế có một làng may do người Trạch Xá dựng nghiệp từ thời Nguyễn cũng lập đền thờ bà. Kể cả làng may Hội An cũng dựng đền thờ Tổ nghề Nguyễn Thị Sen để bái vọng vào đúng ngày giỗ 12 tháng Chạp hằng năm. Còn ở Trạch Xá, những câu thơ cổ xưa vẫn còn được khắc ghi trong đền thờ Tổ nghề: “Rạng rỡ vầng trăng soi/ Sen vàng làng Trạch Xá/ Nghĩa cả khắc muôn đời/ Ơn sâu ghi vạn thế”.

Từ hàng trăm năm qua, thợ may áo dài làng Trạch Xá đã như những cánh chim bay tứ tán khắp nơi kiếm mồi. Đó là những chàng trai Trạch Xá tài hoa len lỏi khắp các vùng quê may áo dài cho khách. Theo tục xưa trong làng chỉ có đàn ông mới được học nghề may. Bởi lẽ chỉ có họ mới có sức khỏe để đi xa, tới từng nhà cắt may theo yêu cầu của thiên hạ. Nhiều khi thợ phải ngủ lại nhà chủ vì cứ người nọ nhắn người kia đến đặt may đo. Thợ Trạch Xá được tiếng là may đo cẩn thận, hàng khâu thêu đẹp nên đi đến đâu cũng được chào đón, trọng vọng. Chính vì thế mà từ bao thế hệ qua người làng vẫn truyền nhau câu ca: “Quê tôi Trạch Xá yêu thương/ Người đi người ở bốn phương hành nghề”.

Những bậc cao niên của làng cũng kể, khoảng thập niên 30 - 40 của thế kỷ trước, thợ may Tạ Văn Khuất người làng Trạch Xá được vời vào kinh đô Huế để may đo áo dài cho Nam Phương Hoàng hậu. Hành trang cụ mang theo có cái thước, cái vạch và cái kéo. Nhưng khi đối diện trước người phụ nữ cao sang, quyền quý thì cụ mới ngộ ra rằng đâu có thể dùng thước đo. Thế là cụ chỉ ước lượng bằng mắt từ xa. Trong một buổi triều đình mở tiệc đãi khách, cụ Khuất ngồi cách xa cả mấy dãy bàn, nhưng chỉ một thoáng quan sát đã ước lượng được các số đo của Hoàng hậu để sau đó về phòng cắt vải may luôn. Mấy hôm sau triều đình lại tổ chức đón khách, khi Nam Phương Hoàng hậu bước ra với tà áo dài thướt tha sang trọng thì ai nấy đều “ồ” lên, trầm trồ trước sắc áo vàng duyên dáng vừa khít với đường vai suôn mềm mại của Hoàng hậu. Sau khi cụ Khuất xin cáo lui trở về làng thì mọi người mới sực nhớ đến người thợ may tài hoa. Vua Bảo Đại vội thảo thư khen và gửi quà về làng. Từ đó thợ may Trạch Xá đi đến đâu cũng được tiếng thơm lây.

2. Từ hàng trăm năm trước, người làng Trạch Xá đã mở cửa hàng may áo dài ở các phố phường Kinh kỳ - Kẻ Chợ. Chiếc áo dài, qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của các nghệ nhân, vừa đơn giản, gọn gàng vừa kín đáo đã tôn vinh vẻ đẹp thướt tha, mềm mại của người phụ nữ Việt Nam, trở thành hồn cốt dân tộc, trở thành biểu tượng bất diệt của văn hóa Việt.

Nhưng cũng như bao lớp người đi trước, sâu thẳm trong những người thợ may Trạch Xá xa xứ đều muốn trở về quê hương dựng nghiệp, chăm bẵm cho làng nghề. Một trong số đó là nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt. Cũng như mọi đứa trẻ ở làng Trạch Xá, từ khi còn nhỏ Đạt đã thông thạo đường kim mũi chỉ. Lớn lên theo cha hành nghề ngoài Hà Nội (cha của anh từng làm Chủ nhiệm Hợp tác xã May Bắc Sơn ở phố Bạch Mai), thế nhưng lòng chàng trai vẫn hướng về làng quê. Năm 1993, anh đứng ra gom hàng may mặc mang về cho bà con Trạch Xá làm. Những năm tháng đó kinh tế đất nước nói chung khó khăn. Nghề truyền thống của làng cũng sút kém.

Thợ may hầu như không có việc, nhiều máy may “đắp chiếu”, phủ bụi. Đầu tiên Đạt mang vỏ chăn về cho người làng may theo đơn đặt hàng của khách, sau đó là khâu áo dài cho xí nghiệp may xuất khẩu sang Australia..., dần dần anh trở thành đầu mối làm ăn cho bà con. Tới đầu năm 2000, những thợ may gốc làng Trạch Xá từ khắp nơi hội tụ về quê. Phong trào gây dựng làng nghề thật sự bắt đầu từ đây. Thị trường phát triển mạnh mẽ. Nhiều đơn hàng từ các công ty may, xí nghiệp may tới tấp đưa về làng... Năm 2003, Trạch Xá được Thành phố Hà Nội công nhận Làng nghề may áo dài truyền thống. Công ăn việc làm mỗi ngày một phát đạt. Khi Hợp tác xã May áo dài Trạch Xá được thành lập năm 2011, nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt được bà con tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm.

Trò chuyện cùng tôi tại cửa hàng may áo dài của gia đình, niềm vui rạng ngời trên gương mặt chân quê của Đạt. Qua câu chuyện anh cho hay người Trạch Xá đang vận động quyên góp, tài trợ để xây lại đền thờ bà Tổ nghề may tại làng. Hàng trăm năm qua, những người thợ may làng Trạch Xá dù đi làm ăn xa đến đâu cũng đều về làng vào đầu xuân, dịp hội làng để dâng hương tưởng nhớ công ơn Thánh sư.

Chiếc áo dài tôn vinh vẻ đẹp thướt tha, mềm mại của người phụ nữ Việt Nam.

Người thợ cả mà tôi gặp tại đình làng Trạch Xá là nghệ nhân Đỗ Minh Thường. Nếu lò may của gia đình anh Đạt nổi tiếng là may áo dài thiếu nữ thì thợ cả Đỗ Minh Thường lại thành thạo may áo dài nam giới. Anh Thường dẫn tôi về nhà xem mẫu áo dài cổ cho nam mà anh mới phục chế xong theo yêu cầu của Trung tâm Đình làng Việt. Một mẫu áo bằng tơ tằm và một mẫu áo bằng vải cotton được treo trên giá mà anh còn đang tiếp tục chỉnh sửa sao cho ưng mắt nhất. Anh cho biết sắp tới mẫu áo dài này cũng sẽ xuất hiện trong cuộc trình diễn áo dài nam tại Hoàng thành Thăng Long vào dịp đón Xuân Canh Tý. Mẫu áo nam cổ được anh Thường thiết kế theo những kiểu dáng mà các nghệ nhân cao tuổi trong làng vẽ lại, phỏng theo những mẫu áo xưa đã từng được thợ may Trạch Xá dựng cho vua Bảo Đại và các quan lại triều Nguyễn.

Nghệ nhân Đỗ Minh Thường mặc thử chiếc áo lụa tơ tằm màu xanh cho tôi xem rồi vừa xúng xính đi lại như những buổi trình diễn mà anh đã từng tham gia tại Hoàng thành Thăng Long, vừa nói: “Cái khó trong may đo và cắt vải áo kiểu truyền thống là phải hết sức chuẩn, nếu sơ sẩy là đi tong cả đống tiền. Vì giá lụa tơ tằm đâu có rẻ”. Cầm trên tay miếng lụa mà một doanh nhân đã đặt anh Thường may áo dài với giá 20 triệu đồng một mét, tôi nhẩm tính nếu dựng hoàn chỉnh một áo dài nam như thế này cũng phải tốn đến 40 triệu đồng là cái chắc. Đó là một cái giá không hề rẻ, nhưng có lẽ giá trị văn hóa mà nó chứa đựng hẳn còn cao hơn nhiều khi áo dài được tôn vinh và trở thành di sản văn hóa đại diện cho Việt Nam.

3. Đang trò chuyện sôi nổi bỗng nghe tiếng hát của tốp thợ may nữ từ nơi nào đó vẳng lại: “Đẹp biết bao/ Quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu/ Dù ở đâu/ Paris, Luân Đôn hay ở miền xa/ Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó/ Em ơi!...”. Nghệ nhân Đỗ Minh Thường cười bảo: “Tà áo dài Trạch Xá đã trở thành biểu tượng làng nghề”. Như anh miêu tả thì biểu tượng làng nghề áo dài Trạch Xá là một dáng vóc thiếu nữ với tà áo được cách điệu cùng chiếc nón nghiêng nghiêng trên nền màu sen ấm áp...

Trong lúc nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt say sưa nói về kế hoạch tổ chức một chương trình thời trang áo dài ở sân đền thờ Tổ nghề (đó chắc chắn sẽ là một ngày hội mà các cô gái làng Trạch Xá sẽ hiện lên như những tiên nữ thanh thoát bay bổng với tà áo ngàn năm mà ông cha đã truyền lại), thì tôi mơ màng nhớ đến thi sĩ Nguyên Sa khi ông đến tận làng Trạch Xá và viết trong Tương tư rằng: “Có phải em mang trên áo bay/ Hai phần gió thổi, một phần mây/ Hay là em gói mây trong áo/ Rồi thở cho làn áo trắng bay”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngàn năm áo dài Trạch Xá