Đình Phùng Khoang - khoảng lặng giữa phố phường

Ban Đình| 27/11/2019 16:56

(HNMCT) - Nằm ở một địa bàn sôi động bậc nhất về sản xuất, kinh doanh là phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), khu vực đình Phùng Khoang là một khoảng lặng đem lại sự bình yên, thư thái cho du khách đến thăm. Đây không chỉ là di tích kiến trúc nghệ thuật quý mà còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử hào hùng của địa phương và đất nước.

Nét cổ kính vẫn còn nguyên vẹn

Phía trên lối cổng chính (tam quan ngoại) vào đình hiện nay, có đắp nổi 3 chữ Hán lớn trên nền cuốn thư, dù rêu phong qua năm tháng nhưng vẫn còn khá rõ: “Tối linh từ” (Ngôi đền rất linh thiêng). Như vậy, nguyên thủy, đây là ngôi đền thờ, sau mới nâng cấp quy mô và thêm chức năng, trở thành đình làng.

Đình Phùng Khoang xây dựng vào đầu thời Lê Trung Hưng (1533 - 1788) và đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn. Khuôn viên đình hiện nay rộng trên 3.000m2, thuộc loại lớn so với khuôn viên nhiều di tích ở Hà Nội.

Nhìn từ phía trước mặt đình, trước tiên là một cái hồ lớn, tiếp đó là bức bình phong, rồi đến một sân gạch rộng, trên sân có nghi môn tượng trưng với kiến trúc trụ thẳng đứng ở hai bên. Đi tiếp vào phía trong sân, hai bên là tả vu, hữu vu, đều có ba gian, kết cấu vì kèo đơn giản kiểu quá giang, bào trơn đóng bén; đầu hồi có cửa ngách nhỏ để vào phía bên và sau đại đình. Cuối sân là phương đình rồi đến đại đình. Phương đình cao hơn sân đình 20cm, có kiến trúc kiểu chồng diêm 2 tầng, 8 mái. Các bộ vì dựng trên hệ thống cột gỗ lim kê trên chân tảng bằng đá xanh. Các mái lớn ở tầng dưới được đỡ bằng những kẻ dài, ăn mộng vào cột cái qua cột hiên, trên kẻ có đặt một ván gỗ dày để đỡ hoành.

Các mái nhỏ ở tầng trên được đỡ bằng 4 kẻ dài chạy từ cột cái tới nóc mái. Trên các đầu kẻ có chạm chìm hình mây, còn ở các đầu dư dưới xà thượng thì được trang trí hình đầu rồng râu xoắn, mắt lồi, nét chạm cầu kỳ, thanh thoát và đẹp. Phía sau phương đình, chỉ cách một khoảng rất hẹp (ống máng) là tòa đại đình. Đại đình nhìn hướng Đông Bắc, nền cao hơn phương đình 40cm, kiến trúc hình chữ “đinh” (chuôi vồ) gồm có tiền tế 5 gian, thiêu hương và hậu cung. Các bộ vì ở 5 gian của đại đình được dựng trên 12 cột, các cột có đường kính 40cm, rất vững chãi. Hầu hết các hạng mục của đình đều được bảo tồn, tu tạo tốt, vừa giữ được yếu tố kiến trúc nguyên gốc vừa đáp ứng yêu cầu phát huy giá trị lâu dài.

Trong đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý gồm: Cuốn thần phả; 9 đạo sắc phong từ triều Lê đến triều Nguyễn, sớm nhất là đạo sắc năm Chính Hòa thứ 19 (1698), một bản còn nguyên vẹn đạo là sắc phong đời vua Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783); 6 tấm bia đá lớn, sớm nhất là bia Chính Hòa 19 (1698), muộn nhất là bia thời Tự Đức 33 (1881). Ngoài ra, còn 2 con rồng đá phong cách thời Lê Trung hưng giữa lối vào thềm đình; 2 tượng Hộ pháp Thiện - Ác ở đầu hiên tiền tế; đỉnh đồng; nhang án và nhiều hoành phi, câu đối...

Đình Phùng Khoang được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa năm 1991.

Sức hút của tâm điểm lễ hội 5 làng

Đình Phùng Khoang thờ Đoàn Thượng (1181 - 1228), một võ tướng thời Lý. Ông được 72 nơi lập đền thờ nhưng đình Phùng Khoang được coi là một trong những nơi thờ tự chính, thu hút đông đảo người dân tìm đến, nhất là vào dịp hội đình làng mùng 8 tháng Giêng âm lịch. Không những thế, trong đại lễ (5 năm tổ chức một lần), lễ hội đình Phùng Khoang còn là tâm điểm lễ hội chung của 5 làng kết nghĩa với nhau nên số người tham dự lên đến hàng nghìn. Tương truyền, 4 vị thành hoàng của 5 làng Giáp Nhất, Phùng Khoang, Quan Nhân, Chính Kinh, Cự Lộc (Chính Kinh và Cự Lộc thờ chung một thành hoàng) đều là anh hùng võ tướng, có công đánh giặc, lập ấp, yên dân. Các vị này tuy sống từ thời Bố Cái Đại vương Phùng Hưng (? - 791) đến thời nhà Lý (1010 - 1225) nhưng trong tâm thức người dân thì đều là anh em nên trong dịp đại lễ, dân 5 làng tổ chức rước kiệu chung để các vị gặp nhau. Dân gian có câu: “Nhất vui mở hội 5 làng/ Để cho thiên hạ phố phường vào xem” chính là nói lên quy mô và ảnh hưởng của lễ hội đình Phùng Khoang, nơi thể hiện sự hòa quyện giữa văn hóa dân gian và văn hóa tâm linh.

Đến thăm đình, ngoài việc tham quan, tìm hiểu giá trị kiến trúc, du khách còn được hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp lẫy lừng của “Anh liệt chính khí Đoàn tướng quân” (đánh giá của Lý Tế Xuyên, thế kỷ XIII - XIV, trong sách Việt điện u linh tập). Nhiều triều vua đã phong Đoàn Thượng là “Thượng đẳng Phúc thần”. Du khách có thể tìm hiểu thêm qua thần phả và các câu đối. Trên mặt bên trụ biểu ở nghi môn trong sân, có đôi câu đối:“Bát thập dư chiến hùng uy di tích nhưng lưu cô lũy tại/ Thất thập nhị từ hiển thánh tinh thành trường đối bát lăng cao” (Hơn tám mươi trận oai hùng, di tích còn lưu nơi lũy vắng/ Bảy mươi hai đền hiển thánh, tinh anh đối diện tám lăng cao”. Trong đình có đôi câu đối khái quát công trạng, uy danh Thái úy Đoàn Thượng: “Cố quốc nhất sinh tâm, Lý đình hà niên suy mạc tận/ Sùng từ tam đại trấn, La Thành thử địa trạc linh quang” (Một lòng vì nước cũ, đình thờ tướng triều Lý năm nào không còn nữa/ Ba trấn lớn đền thiêng, La Thành đất ấy ngời ngời ánh sáng linh thiêng).     

Đình Phùng Khoang còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của địa phương và đất nước. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đình là nơi tổ chức mít tinh, cướp chính quyền ở xã. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) và chống Mỹ (1965 - 1975), đình là nơi đóng quân của lực lượng vũ trang cách mạng.

Ngày nay, đình Phùng Khoang là một khoảng lặng giữa phố phường, đem lại sự bình yên, thư thái cho du khách đến thăm. Tuy nhiên, để giữ được khung cảnh ấy với những giá trị văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc, có rất nhiều việc phải làm. Theo Tiến sĩ Tạ Hoàng Vân, Trưởng phòng Đào tạo và Hợp tác quốc tế (Viện Kiến trúc quốc gia), để tạo sự bền vững trong phát triển lâu dài, phải quy hoạch cảnh quan kiến trúc làng nghề, áp dụng mô hình đô thị làng. Chỉ khi xác định rõ đối tượng bảo tồn các giá trị đặc trưng, lưu giữ được các di sản và cảnh quan kiến trúc truyền thống còn lại thì các di tích như đình Phùng Khoang cũng như chùa, đền, miếu... mới được bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Phùng Khoang - khoảng lặng giữa phố phường