Vắng lặng chùa Bà Đanh

Khánh Ngọc| 14/11/2019 10:11

(HNMCT) - Ở Hà Nội có một ngôi chùa dường như là nguồn gốc ra đời câu thành ngữ: “Vắng như chùa Bà Đanh”. Không rõ đó có phải sự thật không, nhưng với khung cảnh quanh năm vắng vẻ, ít người lui tới do nằm sâu trong ngõ 199 Thụy Khuê (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ), chùa Bà Đanh (hay chùa Châu Lâm) là một công trình kiến trúc tôn giáo có lịch sử tồn tại khá độc đáo, thú vị.

Theo nội dung tấm bia đá trong chùa, năm 1471, sau khi dẹp quân Chiêm Thành, vua Lê Thánh Tông đưa về Thăng Long nhiều tù binh, trong đó có nhiều người thuộc dòng dõi quý tộc. Để cách ly những tù binh này, nhà vua cho xây Châu Lâm viện cùng một ngôi chùa để họ có nơi sinh hoạt tín ngưỡng. Cả hai công trình được xây ở vị trí tương ứng với đầu phố Thụy Khuê ngày nay. Đến cuối thế kỷ XIX, người Chiêm Thành không còn ở đây, ngôi chùa bị đổ nát, không có người lui tới. Khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội đã thu hồi miếng đất này và cho một nhà tư bản người Pháp xây dựng nhà in. Chùa Châu Lâm bị di chuyển và sáp nhập với chùa Phúc Long ở ngõ 199 phố Thụy Khuê hiện nay. Khu đất vốn là chùa Bà Đanh xưa kia nay chính là Trường Trung học phổ thông Chu Văn An.

Được xây dựng từ thế kỷ XVIII, chùa Châu Lâm có lối kiến trúc khá bề thế, uy nghi với các công trình được xây dựng kế tiếp nhau tạo nên sự khép kín tổng thể. Tam quan chùa làm kiểu gác chuông, cổng chính kết cấu 3 tầng, 2 cổng phụ làm kiểu mái chồng diêm 2 tầng. Sau tam quan, qua một khu vườn và khoảng sân rộng là chùa chính. Phía trước cửa chùa là 2 cột đồng trụ xây cao, đỉnh trụ đắp hình nậm rượu, thân trụ tạo khung đắp nổi câu đối chữ Hán. Mái chùa được lợp ngói ta 2 tầng kiểu chồng diêm, trang trí đắp nổi hình trúc, mai, đào, lựu... Giữa nóc mái ghi 3 chữ Hán “Châu Lâm tự” (chùa Châu Lâm). Đặc biệt, chùa Châu Lâm nằm giữa hệ thống cây cổ thụ quanh năm um tùm hoa trái càng làm tăng vẻ đẹp tĩnh lặng của ngôi chùa cổ.

Hiện nay, chùa Châu Lâm còn bảo tồn, lưu giữ được khối di vật phong phú, mang giá trị khoa học, lịch sử, nghệ thuật cao như: Chuông đồng có niên đại thời Lê, khánh đồng có niên đại thời Nguyễn và bộ sưu tập tượng tròn với 48 pho tượng trong đó có 3 pho tượng Mẫu, 5 pho tượng Tổ và 40 pho tượng Phật mang giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao. Các pho tượng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII - XIX, được tạo tác công phu, tỉ mỉ, thể hiện trình độ kỹ thuật tinh xảo của ông cha ta. Ngoài ra, các tư liệu thành văn như bia đá, chuông khánh của hai thời Lê - Nguyễn không chỉ mang giá trị nghệ thuật cao mà còn là nguồn tư liệu quý cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa của các thế hệ sau này. Với những giá trị đó, chùa Châu Lâm thực sự là một di tích lịch sử, văn hóa quý báu của Thủ đô.         

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vắng lặng chùa Bà Đanh