Nỗ lực đưa xẩm đến gần hơn với công chúng

Bài và ảnh: Linh Tâm| 06/11/2019 16:46

(HNMCT) - Trong dòng chảy âm nhạc dân gian Việt Nam, nghệ thuật hát xẩm đóng một vai trò quan trọng, góp phần định hình bản sắc văn hóa dân tộc. Sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật hát xẩm cũng phản ánh cả một thời kỳ lịch sử của đất nước. Trải qua bao biến thiên, nghệ thuật hát xẩm đã bị mai một khá nhiều. Bởi thế, việc bảo tồn và phát huy giá trị của môn nghệ thuật dân gian này càng trở thành một đòi hỏi bức thiết trong bối cảnh hiện nay.

Trong dòng chảy âm nhạc dân gian Việt Nam, nghệ thuật hát xẩm đóng một vai trò quan trọng, góp phần

Thăng trầm một loại hình nghệ thuật dân gian

Hát xẩm là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, hát xẩm còn là thể loại âm nhạc dân gian mang đậm tính nhân văn, thẩm mỹ và có tính giáo dục về đạo đức, lối sống của mọi tầng lớp trong xã hội.

Theo dân gian, nghệ thuật hát xẩm ra đời từ khoảng thế kỷ thứ XIV, nhưng xẩm thực sự phát triển mạnh mẽ vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX tại các tỉnh vùng đồng bằng, trung du phía Bắc. Với đặc trưng là những khúc hát mang nặng tâm sự, xẩm thường gắn với hình ảnh những người hát rong với cây đàn trên tay đi khắp nơi để mưu sinh.

Nhưng điều làm nên sức hút của nghệ thuật hát xẩm chính là những làn điệu vui tươi với lời ca gần gũi, mang nội dung chính là đả kích, châm biếm, lên án những thói hư tật xấu trong xã hội hay đề cập đến các sự kiện mới xảy ra. Sự tài hoa của những người hát xẩm nằm ở chỗ họ có thể nhanh chóng ứng tác những nội dung, sự kiện ấy vào bài hát của mình để chuyển tải thành những câu chuyện kể dễ đi vào lòng người. Và bởi thế, họ được mệnh danh là những “người kể chuyện bằng âm nhạc”.

Mặc dù xẩm xuất hiện ở Hà Nội muộn hơn các tỉnh, thành khác nhưng đất kinh kỳ - Kẻ Chợ lại cho thấy sức hút mạnh mẽ khi hội tụ những nghệ nhân hát xẩm nổi tiếng từ khắp nơi đổ về đây. Những phường, nhóm với các ông trùm xẩm như: Trùm Nguyên, trùm Khoản, Vũ Đức Sắc, Nguyễn Văn Khôi... đã góp phần định hình phong cách xẩm Hà Nội, mà tiêu biểu là Xẩm Tàu điện.

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Xuân Hoạch chia sẻ: “Xẩm Tàu điện đa số là các bài ngắn gọn, tiết tấu nhanh, vui tươi, được phổ thơ từ những thi sĩ nổi tiếng như Á nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bính, Tản Đà... Có những đặc trưng mà nghe qua người ta biết ấy là Xẩm Tàu điện”. Có rất nhiều làn điệu xẩm và cách hát ở đâu cũng vậy, nhưng riêng Xẩm Tàu điện thực sự là một “đặc sản” chỉ có ở Hà Nội và là niềm tự hào của người dân Thủ đô.

Thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật hát xẩm là những năm 30 của thế kỷ trước. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và những năm sau đó, xẩm cũng như nhiều môn nghệ thuật dân gian khác đã “đồng hành” cùng với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.

Đơn cử như tuyên truyền cho phong trào bình dân học vụ ở các huyện ngoại thành với bài Tiễu trừ giặc dốt, nghệ nhân xẩm Minh Sen (Thanh Hóa) với cây đàn nhị đã đi khắp các mặt trận để hát cho các chiến sĩ nghe; hay nghệ nhân Hà Thị Cầu dù không hề biết chữ hay bất cứ nốt nhạc nào cũng sáng tác bài Theo Đảng trọn đời theo điệu Thập ân...

Có thể thấy xẩm có một sức sống mạnh mẽ, dễ lan tỏa và có sức truyền cảm sâu sắc đến người nghe. Song, do nhiều yếu tố khách quan, nghệ thuật hát xẩm dần bị quên lãng và mai một trước sự ra đi của các “ông xẩm”, “thần xẩm” trứ danh - những người nắm giữ tinh hoa cốt lõi của nghệ thuật hát xẩm.

Hồi sinh và phát triển

NSND Xuân Hoạch hướng dẫn các bạn trẻ sử dụng nhạc cụ trong nghệ thuật hát xẩm. 

Bẵng đi một thời gian dài, bị che lấp bởi các phương tiện nghe nhìn, giải trí hiện đại, nghệ thuật hát xẩm không còn được mấy người nhớ đến. Thế rồi, từ những nỗ lực của những nghệ sĩ nặng lòng với nghệ thuật dân gian như Thao Giang, Văn Ty, Xuân Hoạch, Thúy Ngần, Thanh Bình..., nghệ thuật hát xẩm dần được hồi sinh. Từ những định kiến của số đông rằng xẩm chỉ là lời hát của tầng lớp bần cùng trong xã hội, nay xẩm đã bước lên sân khấu một cách đàng hoàng như các môn nghệ thuật khác.

Sự chào đón nồng nhiệt của khán giả Thủ đô đối với xẩm chưa bao giờ giảm kể từ năm 2005 - khi nhạc sĩ Thao Giang lần đầu tiên thử nghiệm đưa xẩm lên sân khấu tại khu vực ngã năm Hàng Đào. Với Thao Giang, ông không thể quên được cảm xúc trong buổi diễn đầu tiên đưa xẩm trở lại.

Ông kể: “Chính chúng tôi ban đầu cũng không ngờ xẩm được người Hà Nội chào đón nồng nhiệt đến vậy. Sân khấu tuy nhỏ, nhưng hôm nào khán giả cũng đứng xem chật kín, tắc hết đường. Sau này, chúng tôi được Công ty Cổ phần Đồng Xuân hỗ trợ kinh phí và địa điểm nên chuyển sang sân khấu bên cạnh chợ Đồng Xuân và biểu diễn liên tục cho đến nay. Động lực trình diễn của các nghệ sĩ là những khán giả trung thành suốt 15 năm qua, có những người chưa bao giờ bỏ buổi diễn nào. Điều đó khiến chúng tôi như được tiếp thêm năng lượng để cống hiến cho khán giả”.

Trong sự hồi sinh của xẩm những năm gần đây không thể không nhắc tới sự đam mê, nhiệt huyết của những người trẻ như Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Mai Tuyết Hoa và các thành viên của nhóm Xẩm Hà Thành. Họ là những nghệ sĩ, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ cùng gặp nhau tại một điểm chung, ấy là sự say mê và tình yêu với xẩm.

Là một trong những học trò xuất sắc của nghệ nhân Hà Thị Cầu, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa được coi là người có thể nắm bắt tinh thần của xẩm khi hát khá chính xác các làn điệu cổ vốn rất khó. Không những vậy, chị còn cùng nhóm Xẩm Hà Thành thường xuyên sáng tác, đặt lời mới cho các bài xẩm với nội dung tuyên truyền về văn hóa giao thông, tình yêu với biển đảo, nhớ ơn công lao sinh thành của cha mẹ hay những bài xẩm về Hà Nội 36 phố phường...

Tất cả những bài xẩm ấy dường như được khoác thêm chiếc áo mới với lời ca sinh động, vui tươi, có tính khuyên răn, giáo dục một cách nhẹ nhàng. Bên cạnh việc phát hành các bài xẩm trên kênh YouTube của nhóm nhằm tăng cường sức lan tỏa đến thế hệ trẻ, nhóm Xẩm Hà Thành cũng duy trì đều đặn lịch diễn 3 buổi tối cuối tuần tại sân khấu đền vua Lê trong Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm.

NSƯT Mai Tuyết Hoa chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng làm tất cả những gì có thể để đưa xẩm đến gần với công chúng hơn. Thông qua nghệ thuật hát xẩm và một số loại hình nghệ thuật dân gian được trình diễn tại sân khấu đền vua Lê, chúng tôi mong muốn giới thiệu đến người dân, du khách trong nước và quốc tế những tinh hoa của âm nhạc dân gian Việt Nam. Tôi mong rằng, nghệ thuật hát xẩm nói riêng và các loại hình nghệ thuật dân gian nói chung sẽ để lại ấn tượng cho du khách khi đến với Hà Nội, từ đó góp phần phát triển du lịch Thủ đô bằng những sản phẩm đặc sắc mang dấu ấn riêng”.

Bên cạnh những sân khấu thường xuyên “đỏ đèn”, xẩm còn được hồi sinh thông qua lớp học tại nhà riêng của NSND Xuân Hoạch trên phố Láng Thượng (quận Đống Đa) sáng thứ bảy hằng tuần. Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng khuôn mặt vui tươi, phúc hậu của người nghệ sĩ già này lúc nào cũng ánh lên niềm vui khi trực tiếp truyền dạy cho học viên ở các lứa tuổi từng câu hát, từng ngón đàn. Ông bảo: “Dù vất vả nhưng còn người yêu và muốn học xẩm, tôi cũng sẽ cố gắng để duy trì “ngọn lửa” ấy cho giới trẻ”.

Hiện nay, ở Hà Nội, những người yêu và muốn học xẩm có thể theo học tại Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam do nhạc sĩ Thao Giang thành lập. Đây là sân chơi cho những người yêu thích âm nhạc dân gian cả không chuyên lẫn chuyên nghiệp. Bên cạnh các khóa ngắn hoặc dài hạn dành cho những người không chuyên, trung tâm còn đào tạo hệ chính quy cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Một tín hiệu đáng mừng là từ trung tâm này, một thế hệ những nghệ sĩ trẻ được đào tạo hệ cử nhân, thạc sĩ đã trưởng thành và đang tham gia vào công tác bảo tồn nghệ thuật hát xẩm. Với sự chuyên nghiệp ấy, hy vọng nghệ thuật hát xẩm sẽ ngày càng phát huy những giá trị của mình và tiếp tục phát triển lên một tầng nấc mới, có sức lan tỏa rộng rãi, xứng đáng với vị thế của xẩm.

Việc khôi phục và phát triển nghệ thuật hát xẩm ở Hà Nội những năm qua chưa được chú trọng đúng mức. Cái khó của việc này là các nghệ nhân của nghệ thuật trình diễn này không còn, môi trường diễn xướng cũng bị biến đổi. Vì thế, bây giờ việc truyền dạy để được đến mức trở thành di sản gặp không ít khó khăn.

Hà Nội đang đưa vào lộ trình để làm hồ sơ đưa nghệ thuật hát xẩm trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bước đầu, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã tiến hành kiểm kê các trung tâm, câu lạc bộ, số lượng người tham gia học và trình diễn nghệ thuật hát xẩm để thực hiện các bước tiếp theo. Cái khó là bây giờ các nghệ nhân nắm giữ di sản không còn, nguồn tư liệu cũng hiếm, vì thế chúng tôi vẫn đang phải mò mẫm, tìm kiếm. Về cơ bản, các bước xây dựng hồ sơ và bảo tồn nghệ thuật hát xẩm sẽ được tiến hành giống như 10 năm trước từng thực hiện với ca trù.

Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Hoạch:
Quan trọng là phải truyền tải được tinh thần của xẩm cho người học

Khó khăn nhất bây giờ là không có một chỗ riêng để những người yêu thích xẩm có thể đến, giống như trước kia từng có một nhà hát ca trù nhỏ ở Hà Nội. Việc khôi phục nghệ thuật hát xẩm ở Hà Nội hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn bởi các câu lạc bộ bị phân tán nên khả năng “tái mai một” khá cao do thiếu những người nắm vững về chất liệu và cách hát chuẩn mực của xẩm. Cần phải có những người nắm vững nghệ thuật xẩm giảng dạy một cách bài bản, chuẩn mực và quan trọng là phải truyền tải được tinh thần của xẩm cho các học viên thì mới giảm được nguy cơ biến dạng, mai một nghệ thuật hát xẩm đang hiện hữu.

Thạc sĩ Lê Xuân Quỳnh - Phòng Đào tạo, Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam:
Cần có chế độ đãi ngộ thích hợp để các nghệ sĩ yên tâm sống với nghề

Hiện nay người trẻ đến với xẩm đang gặp không ít khó khăn. Đó là sự mặc cảm và khó tiếp cận vì nhiều người trẻ cho rằng, xẩm là môn nghệ thuật của người già, đồng thời có nhiều người yêu hát xẩm nhưng cách tiếp cận chưa đúng. Trong khi đó, với các nghệ sĩ trẻ, khó khăn lớn nhất là làm sao sống được bằng nghề này. Hiện nay chưa có bất kỳ một cơ chế, chính sách đãi ngộ nào cho các nghệ sĩ đã và đang tham gia giữ gìn nghệ thuật hát xẩm nói chung và các nghệ thuật dân gian khác nói riêng.

Không ít người phải làm thêm nghề khác để nuôi đam mê của mình. Nhiều lúc tôi thấy chạnh lòng khi sang các nước trong khu vực, nghệ sĩ của họ được coi trọng, được hưởng các chế độ đãi ngộ và được nhà nước “nuôi” 100% nên họ có thể yên tâm làm nghề. Trong khi ở ta, trong lĩnh vực nghệ thuật dân gian nghệ sĩ phải lo chạy show từng ngày, do đó rất khó duy trì lòng đam mê và sức sáng tạo. Cần phải có chế độ đãi ngộ thích hợp để các nghệ sĩ có thể yên tâm sống với nghề. Bên cạnh đó cũng cần suy nghĩ đến việc “ươm mầm" bằng các chương trình giáo dục trong trường học để các em nhỏ có thể phát triển tình yêu với nghệ thuật hát xẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực đưa xẩm đến gần hơn với công chúng