Nhà thờ Quốc lão Đặng Đình Tướng

Bài và ảnh: Đỗ Quốc Bảo| 31/10/2019 10:21

(HNMCT) - Người họ Đặng ở vùng đất địa linh nhân kiệt có danh thắng núi Chúc, sông Ninh (nay thuộc thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) từ xa xưa đã tự hào rằng: “Bao giờ núi Chúc hết cây/ Sông Ninh hết nước, họ này hết quan”. Chỉ riêng dưới thời phong kiến, dòng họ này đã rất nhiều người đỗ đạt, thành danh, có công lớn với đất nước, trong đó Quốc lão Đặng Đình Tướng là một trường hợp tiêu biểu.

Cổng nhà thờ Quốc lão Đặng Đình Tướng.

Một di tích xứng tầm danh nhân

Nhà thờ Tiên Quốc lão Đặng Đình Tướng (1649 - 1735) tọa lạc trên khu đất rộng hơn 1.200m2 ở xóm Ngõ Chỗ, thôn Trung Tiến (xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội). Bao quanh khuôn viên là bức tường xây kín. Từ ngoài đi vào qua cổng, qua một đoạn đường ngắn, tới một sân rộng. Nhìn sang bên phải là một giếng hình vuông có thả nhiều cây hoa súng nở hoa bốn mùa. Ở giữa là nhà bia, kiến trúc kiểu 2 tầng, 8 mái. Bên trái là khu nhà thờ. Phía trước là đại bái gồm 3 gian. Đi qua khoảng sân nhỏ là đến hậu cung xây theo hình vuông, chỉ có 1 gian rộng, bề ngang trên 5m, chiều sâu gần 8m. Đáng chú ý là mái hậu cung xây hình vòm để bài trí các hạng mục và đồ thờ. Theo thủ từ Đặng Văn Dung (70 tuổi, thành viên Ban Thường trực họ Đặng tại thôn Trung Tiến) thì mái vòm nguyên thủy được xây dựng bằng cách dựng khung tre, lót cót nan, trát rơm, trải qua hơn 200 năm với nhiều lần tu tạo vẫn đảm bảo nguyên gốc, chỉ quét lại vôi cho sáng, mịn.

Trong nhà thờ còn lưu giữ được nhiều di vật quý: 3 bia đá trong đó có bia ghi công trạng của Quốc lão và nhiều hoành phi, câu đối, đồ thờ tự... Ở gian giữa đại bái có bức hoành phi chạm khắc nổi 4 chữ Hán lớn là: “Đặng Quốc lão từ” (Đền thờ Quốc lão họ Đặng - chỉ Quốc lão Đặng Đình Tướng). Tại đây, có đôi câu đối ca ngợi công lao to lớn của Quốc lão Đặng Đình Tướng: “Công tại Lê triều, danh tại sử/ Sinh vi lương tướng, tử vi thần” (Công với triều Lê, danh lưu sử/ Sống làm tướng giỏi, chết làm thần). Một đôi câu đối nữa là: “Hộ quốc tý dân sinh đẳng phúc thần minh tự cổ/ Phù triều thảo tặc tư công đô đốc tụ thạch bi” (Giữ nước giúp dân, sống như phúc thần, rõ ràng từ xưa/ Phù triều đánh giặc, nhớ công đô đốc, bia đá ghi danh).

Năm 2004, nhà thờ Tiên Quốc lão Đặng Đình Tướng được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa.

Nơi hội tụ tinh thần Đại Việt truyền thống

Ngai thờ và tượng Quốc lão Đặng Đình Tướng.

Về thăm nhà thờ Đặng Đình Tướng, du khách được nghe lời giới thiệu mang đầy vẻ tự hào về dòng họ Đặng ở trang Lương Xá xưa: “Thập bát quận công tam tể tướng/ Bách dư tiến sĩ, cửu công hầu” (Mười tám quận công, ba tể tướng/ Hơn trăm tiến sĩ, chín công hầu). Đặng Đình Tướng, thuộc đời thứ 19 của dòng họ Đặng ở thôn Trung Tiền, không chỉ tiếp nối mà còn phát huy cao độ truyền thống dòng họ. Xuất thân dòng dõi danh gia vọng tộc, có cha là Đặng Đình Thự từng làm đến chức Thái bảo nhưng ông rất chăm chỉ học tập. Năm Kỷ Dậu (1669), mới 20 tuổi, ông đỗ Giải nguyên trong kỳ thi Hương. Năm sau, trong kỳ thi Hội khoa Canh Tuất (1670), ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, được bổ nhiệm làm Hàn lâm viện Hiệu thảo. Năm 1675, Đặng Đình Tướng làm Đốc đồng Kinh Bắc. Năm 1676, làm Hiến sát sứ Sơn Tây. Năm 1682, làm Công khoa Cấp sự trung. Năm 1683, ông được cử đi sứ nhà Thanh.

Đầu năm 1687, Đặng Đình Tướng làm Đốc thị đi dẹp giặc ở các đạo Tuyên, Hưng. Năm 1697, Đặng Đình Tướng lại được cử làm phó sứ trong phái đoàn sang triều cống nhà Thanh, tới tháng 4-1698 mới trở về. Trong thời gian này, ông đã viết nhiều bài thơ thể hiện tình cảm thương nhớ về quê hương, đất nước, được thể hiện trong 50 bài thơ trong tập Trúc Ông phụng sứ. Năm 1705, Đặng Đình Tướng được phong làm Bồi tụng, Tả thị lang Bộ Lại, đứng đầu hàng quan văn, nhưng vì “có mưu cơ, tài lược, hiểu biết việc quân” nên được chuyển sang võ ban với chức Trung quân Hữu Đô đốc, tước Ứng Quận công. Là người văn võ kiêm toàn, ông luôn thể hiện lòng tự tôn dân tộc Đại Việt trong mọi hoàn cảnh. Ông cho rằng nước Việt tuy nhỏ nhưng tinh thần, ý chí tự lập, tự cường luôn vươn cao mạnh mẽ.

Năm 70 tuổi, ông dâng sớ tới 7 lần chúa Trịnh mới cho về trí sĩ, lại gia phong làm Trí sĩ Ứng Quận công, Quốc lão tham dự triều chính và cho về quê nghỉ hưu. Chúa Trịnh Cương vẫn tin dùng ông, thỉnh thoảng mời vào phủ bàn việc. Mãi tới năm 84 tuổi, Đặng Đình Tướng mới được cho nghỉ hưu lần thứ hai sau khi được gia phong làm Đại tư mã. Hai năm sau, ông lâm bệnh rồi mất ngày 15 tháng 4 năm Ất Mão (1735), hưởng thọ 87 tuổi, được tặng là Đại tư đồ, bao phong Thượng đẳng phúc thần Ứng Đại vương.

Thủ từ Đặng Văn Dung cho biết, một năm ở nhà thờ có 3 ngày lễ lớn: Ngày 15-4 (âm lịch) giỗ Quốc lão Đặng Đình Tướng, ngày 11-5 (âm lịch) giỗ cụ bà, ngày 16 tháng Chạp là ngày chạp họ, là ngày lễ chính, tề tựu đông đảo nhất con cháu họ Đặng về dự. Trong dịp kỷ niệm 370 năm Ngày sinh của Đặng Đình Tướng (17-3-2019) và nhân dịp 15 năm nhà thờ được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa, hàng ngàn người đã tham dự.

Theo ông Đặng Đức Minh, Trưởng ban Thường trực họ Đặng tại thôn Trung Tiến, không chỉ con cháu họ Đặng mà đông đảo nhân dân mong muốn di tích được quan tâm bảo tồn, tu tạo tốt hơn. Hiện nay, ở địa phương còn rất ít người biết chữ Hán, nếu du khách muốn nghe giới thiệu về các văn tự Hán Nôm ở nhà thờ thì không có người đáp ứng. Thêm nữa, để thu hút nhiều du khách đến thăm ngoài các ngày lễ như trên thì các cấp, ngành chức năng phải có giải pháp để kết nối với các điểm du lịch, tổ chức các tour, hỗ trợ để thuyết minh, quảng bá rộng rãi nhằm phát huy giá trị của di tích, cổ vũ và nhân lên tinh thần Đại Việt truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà thờ Quốc lão Đặng Đình Tướng