Sống lại ký ức từ tấm bia tưởng niệm

Ngân Hạ  - Bảo Hân| 16/10/2019 11:38

(HNNN) - Đi trên đường mới Võ Chí Công hôm nay, không dễ để dừng lại ở số nhà 28 bởi đoạn đường này nằm ngay trên khúc cua từ đường Hoàng Hoa Thám chạy sang. Chính vì lẽ đó mà người Hà Nội không phải ai cũng biết đến  tấm bia khắc ghi sự kiện “Hà thành đầu độc” nằm trong khuôn viên Đài tưởng niệm liệt sĩ phường Nghĩa Đô ở số nhà 28 này.

Bà Phan Thị Thu Hà - Chánh Văn phòng UBND quận Cầu Giấy cho biết, hằng năm vào dịp tháng bảy tri ân các anh hùng liệt sĩ và dịp lễ Tết trong năm, số nhà 28 đường Võ Chí Công - nơi đặt nhà bia tưởng niệm liệt sĩ phường Nghĩa Đô cùng văn bia ghi công trạng của những nghĩa sĩ trong vụ “Hà thành đầu độc” luôn trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ công dân quận Cầu Giấy. Cũng chính tại nơi đây, trên nền cũ làng Nghĩa Đô đã được trang trọng gắn biển đề: Khu tưởng niệm nghĩa sĩ trong vụ “Hà thành đầu độc” năm 1908.

Bia tưởng niệm sự kiện “Hà thành đầu độc” trên đường Võ Chí Công hiện nay.

Sự kiện “Hà thành đầu độc” được tóm tắt trên tấm bia tưởng niệm là vụ mưu sát và binh biến trong hàng ngũ bồi bếp và binh lính người Việt Nam phục vụ trong quân đội Pháp. Mục đích nhằm đầu độc quân Pháp để chiếm Hà Nội, có thêm sự tiếp ứng của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, nhưng kế hoạch sớm bị bại lộ, cuộc Hà thành khởi nghĩa mới chỉ hoàn thành được phần đầu độc nên quân Pháp điên cuồng khủng bố, bắt giam hàng trăm người yêu nước trong ngục tối, đưa lên đoạn đầu đài 13 nghĩa sĩ. Trong đó, có các nho sĩ Đồ Đàm (Đỗ Khắc Nhã), Đồ Vinh (Đỗ Quang Vinh), đầu bếp Hai Hiên (Nguyễn Văn Truyền), bếp Xuân (Vũ Văn Xuân), pháo thủ Bắc Kỳ Đội Binh (Nguyễn Trị Bình), Đội Cốc (Nguyễn Văn Cốc - tức Dương Bê), Đội Nhân (Đặng Đình Nhân)... 

2. Khu vực nhà bia tưởng niệm liệt sĩ “Hà thành đầu độc” tại số nhà 28 đường Võ Chí Công vốn được coi là phần đất tiếp giáp với pháp trường Bãi Bàng xưa, nơi mà năm 1908, thực dân Pháp đã thi hành án tử hình 9/13 nghĩa sĩ, và chỉ cách nấm mộ chung của 9 nghĩa sĩ có vài trăm mét. 

Cách đây 3 năm, sau rất nhiều cuộc hội thảo khoa học và nhiều công trình nghiên cứu nghiêm túc của các học giả, ngày 7-7-2016, bia tưởng niệm các nghĩa sĩ hy sinh trong vụ “Hà thành đầu độc” năm 1908 đã được khởi dựng, gồm phần bia và một chân đế làm bằng đá nguyên khối. Trên bia tưởng niệm là lời tri ân 13 nghĩa sĩ trong vụ “Hà thành đầu độc” diễn ra vào tối 27-6-1908 tại Hà Nội của đội ngũ bồi bếp và binh lính người Việt Nam phục vụ cho quân Pháp. Vậy là sau 108 năm kể từ ngày các nghĩa sĩ ra đi, bia tưởng niệm được dựng lên ngay tại chính nơi họ thọ hình, đáp ứng tâm nguyện của con cháu các nghĩa sĩ và thể hiện sự tri ân vô cùng to lớn của các thế hệ hôm nay. 

Theo Tiến sĩ Đinh Đức Tiến - giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, việc phối thờ các anh hùng liệt sĩ được Tổ quốc ghi công với những tiền nhân của phong trào cách mạng trước khi có Đảng lãnh đạo thể hiện sự tri ân sâu sắc, tinh tế, góp phần giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ trẻ. Những nghĩa sĩ dù không được hưởng chính sách đối với người có công nhưng với việc đặt bia tưởng niệm như vậy họ đã sống mãi trong lòng những thế hệ mai sau. Tiến sĩ Đinh Đức Tiến cho biết, vụ “Hà thành đầu độc” được nhắc đến nhiều trong lịch sử cùng giai đoạn khởi nghĩa Yên Thế do lãnh tụ Hoàng Hoa Thám đứng đầu. Dù ít được nhắc đến trong sách giáo khoa, nhưng bên dòng chảy cuồn cuộn của lịch sử đấu tranh cách mạng, vụ “Hà thành đầu độc” vẫn mang ý nghĩa to lớn với các thế hệ người Hà Nội. Một trong những dấu ấn nổi bật của sự kiện lịch sử này là con phố mang tên Đội Nhân. Như vậy, Đội Nhân (tên thật là Đặng Đình Nhân) là người duy nhất trong vụ “Hà thành đầu độc” đã được chính thức vinh danh bằng một con phố mang tên mình.

3. Năm 1960, trong bộ Lịch sử Thủ đô Hà Nội do nhà sử học Trần Huy Liệu chủ biên cũng đã dành nhiều trang viết về vụ “Hà thành đầu độc”. Lần đầu tiên vén “màn sương mù” của lịch sử, những nhân vật như: Vợ chồng ông Nhiêu Sáu, Đội Hồ, Cai Nga, Đội Nhân, Đội Bình, Đội Cốc, ông Hai Liên, Chánh Tỉnh, Bếp Hiên, Bếp Nhiếp, Bếp Xuân, Đồ Đàn, Đồ Chán, Đồ Đàm, Lang Xeo... đã được trả lại vị trí xứng đáng. Lịch sử Thủ đô Hà Nội ghi nhận: “Đội Bình, Đội Nhân, Đội Cốc, Cai Nga và nhiều người trong giới bồi bếp bị thực dân Pháp xử án chém và bêu đầu. Trong vụ án này, hội đồng đề hình của thực dân Pháp đã xử tử tất cả 13 người và khổ sai chung thân 4 người”.  

Số phận các nghĩa sĩ vụ “Hà thành đầu độc” được nhắc đến khá vụn vặt nhưng vẫn có thể tìm thấy trong các trang hồ sơ tư liệu còn truyền lại. Như trường hợp Đội Nhân, sau khi ông bị giết, gia đình phải trốn sang Lào, Campuchia và Anh, ly tán tang thương. Thân mẫu của Đội Nhân bị Pháp đưa đi đày rồi chết; vợ ông đang mang thai, bỏ chạy về quê, cũng không sống được bao lâu vì đau buồn. Bản thân phần mộ Đội Nhân bây giờ, qua “khai quật”, chỉ có mỗi thủ cấp từng bị bêu khắp Hà Nội cách đây hơn 100 năm.

Những người trong sự kiện “Hà thành đầu độc” bị thực dân Pháp bắt giam tại Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Khi đầu bếp Hai Hiên - tức Nguyễn Văn Truyền với vai trò một đầu bếp, trực tiếp về quê tìm cà độc dược, chế biến, thử độc tính rồi bỏ vào thức ăn để đầu độc hơn 200 binh lính Pháp  - bị chặt đầu, thì vợ ông cũng bị giặc tra tấn cho đến chết. Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã có công văn xác nhận, ông Hai Hiên khi bị giặc Pháp giam ở Hỏa Lò có tên ở Bảng ghi danh số 1, số thứ tự 34; vợ ông cùng ở trong “bảng tử thần” này, với số thứ tự 35.

Còn ông Đồ Đàm tức Đỗ Khắc Nhã sau khi bỏ trốn, giặc Pháp uy hiếp tinh thần bằng cách tra tấn người thân và dân làng, dọa sẽ xóa sổ cả 2 làng là quê nội và quê ngoại của ông, ông mới thúc thủ chịu hành quyết. Biết câu chuyện, cảm nghĩa lớn, bà con hai miền quê và các học trò đã tế sống ông trong 3 ngày trước khi ông hiên ngang bước lên đoạn đầu đài. Tuy nhiên, sau đó, vợ ông Đồ Đàm vẫn bị giặc tra tấn đến chết, em trai ông bị án lưu đày biệt xứ, gia đình bị giặc đẩy vào vòng lao lý tang thương. Nhưng ông Đồ Đàm vẫn sống mãi cùng lịch sử khi được người dân thờ trong đình làng ở Hoài Đức, Hà Nội hiện nay.

Bà chủ quán cơm tham gia tích cực vụ “Hà thành đầu độc”, tên là Nguyễn Thị Ba (tức bà Nhiêu Sáu) bị tra tấn bằng cách thả vào thùng bê tông có đóng đinh lởm chởm bên trong, rồi cứ thế lăn từ quán cơm 20 Cửa Nam đến Hỏa Lò Hà Nội. Tại đây, bà bị tra tấn cho đến chết, sau đó gia đình đã đút lót cai ngục, tráo thi thể, đem bà về cánh đồng làng bí mật chôn cất. Phần mộ ấy bây giờ nằm dưới ruộng rau, gần nơi sinh sống của khu dân cư...

Tiến sĩ Đinh Đức Tiến cho biết thêm, trong cuốn Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (bộ mới) của tác giả Nguyễn Bá Thế và Nguyễn Q.Thắng đã nhắc đến vai trò của bà Ba Cẩn  - tức Đặng Thị Nhu, vợ ba Đề Thám (tức Hoàng Hoa Thám), vô cùng quan trọng trong việc liên lạc với các nghĩa sĩ vụ “Hà thành đầu độc”. Tư liệu này cũng rất phù hợp với câu chuyện lưu truyền của người dân Nghĩa Đô về việc vì sao tấm bia sự kiện lịch sử được dựng trên mảnh đất này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sống lại ký ức từ tấm bia tưởng niệm