Lưu giữ nét đẹp văn hóa ở làng áo dài Trạch Xá

Minh Huệ| 24/09/2019 21:40

(NSHN) - Từ nghìn năm nay, làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa (Hà Nội)  đã nuôi dưỡng lớp lớp những người thợ may tài hoa. Bằng tình yêu nghề và đôi bàn tay khéo léo, họ tạo ra những chiếc áo dài truyền thống tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Nghề “Cha truyền con nối”

Theo nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt, Chủ nhiệm Hợp tác xã may làng nghề Trạch Xá, Tổ nghề may ở làng Trạch Xá là bà Nguyễn Thị Sen, một bà phi của vua Đinh Tiên Hoàng, người đã học nghề may trong cung rồi truyền dạy cho các cung nữ. Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng qua đời, bà Nguyễn Thị Sen cùng các con từ giã hoàng cung và trở về làng Trạch Xá. Tại đây, bà đã truyền nghề cho dân làng. Kể từ đó, nghề may được “Cha truyền con nối”, thế hệ trước dạy cho thế hệ sau và trở thành nghề truyền thống của làng Trạch Xá.

Đền thờ Tổ nghề may ở làng Trạch Xá.

Những đứa trẻ ở làng tầm 6 - 7 tuổi bắt đầu được gia đình dạy khâu tay, đến độ 15 - 16 tuổi đã thành thục nghề, có thể tự hoàn thành được một chiếc áo dài truyền thống. Để may được một chiếc áo dài đẹp đòi hỏi phải rất kỹ lưỡng từ việc lựa chọn kiểu dáng, màu sắc, chất liệu vải đến những họa tiết trang trí. Tuy nhiên, yếu tố làm nên thương hiệu áo dài của Trạch Xá mà không nơi nào có được là tà áo lúc nào cũng mềm mại, thướt tha. Công đoạn này đòi hỏi người thợ may phải rất chăm chút khi đo và cắt sao cho “ngang canh thẳng sợi”. Sau đó, dùng tay cầm kim dọc sao cho không bị lệch hướng để khâu đường tà thật đều và đường chỉ nhỏ xíu.

Làng Trạch Xá đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề may áo dài truyền thống.

Là một người con của làng Trạch Xá, gần 30 năm gắn bó với nghề may áo dài truyền thống của gia đình, ông Lê Văn Duẩn luôn tuân thủ đúng theo các kỹ thuật khâu tay truyền thống, hạn chế sử dụng máy may.

Ông Lê Văn Duẩn cho biết, áo dài Trạch Xá đa phần là khâu tay. Ưu điểm của khâu tay là đường kim mũi chỉ đều và tà áo rất mềm mại, đúng phong cách áo dài truyền thống mà các cụ truyền lại. Hiện nay, những “bí quyết” này cũng được ông Duẩn tâm huyết truyền dạy cho các con, các cháu.

Ông Lê Văn Duẩn đã có gần 30 năm gắn bó với nghề may áo dài truyền thống.

Theo những bậc cao niên trong làng Trạch Xá, khoảng 30 năm trở về trước, những bí quyết của nghề may áo dài chỉ được truyền dạy cho đàn ông, con trai trong làng, không truyền dạy cho đàn bà, con gái, với lý do là muốn nghề này chỉ lưu truyền trong làng, không để lan ra bên ngoài. Bởi thế, một thời gian dài, làng Trạch Xá được nhiều người biết đến với cái tên là “Làng đàn ông may áo dài”. Tuy nhiên, hiện nay, quan niệm “giữ nghề” đã thay đổi, do đó, việc truyền dạy nghề may không còn phân biệt là nam giới hay nữ giới.

Lưu giữ nét đẹp văn hóa

Nhiều thợ may cho biết, khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước, nghề may áo dài Trạch Xá phát triển mạnh mẽ. Đến làng Trạch Xá ngày đó, đâu đâu cũng thấy những tà áo dài mềm mại treo trong nhà, ngoài ngõ. Tuy bây giờ không còn được “hoàng kim” như trước đây, nhưng nghề may áo dài truyền thống vẫn được duy trì đều đặn trong làng.

Bây giờ, nghề may áo dài truyền thống ở làng Trạch Xá được truyền dạy cả cho con gái.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lâm Lê Văn Bin, làng Trạch Xá có hơn 510 hộ. Hiện nay, số hộ làm nghề may áo dài chiếm tỷ lệ 70%. Với bề dày truyền thống của làng, nhiều người dân Trạch Xá đã chuyển ra trung tâm Hà Nội mở các cửa hàng may đo áo dài. Phần lớn cửa hàng may áo dài trên các tuyến phố ở Hà Nội, như: Lương Văn Can, Khâm Thiên, Cầu Gỗ, Phố Huế đều do những người thợ may Trạch Xá làm chủ.

Bên cạnh đó, không ít người cũng đã tìm đến các đô thị lớn ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước để mở cửa hàng may đo áo dài với nhãn hiệu “Trạch Xá”. Hiện nay, hầu hết những hộ làm nghề may áo dài truyền thống tại làng Trạch Xá đều nhận may gia công theo hợp đồng từ nơi khác chuyển đến, với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng những người thợ may trong làng Trạch Xá vẫn quyết tâm giữ nghề may áo dài truyền thống.

Những năm gần đây, để có việc làm đều đặn, sống được bằng nghề truyền thống của quê hương, nhiều người trong làng Trạch Xá, nhất là lớp thợ trẻ, đã rất năng động đi khắp nơi để tìm mối hàng mang về làm. Trong số đó có thể kể đến anh Trần Văn Toàn (31 tuổi), chủ một cơ sở may áo dài tại làng Trạch Xá. Anh Toàn cho biết, bình quân mỗi tháng, anh nhận khoảng 15-20 hợp đồng, mỗi hợp đồng 300-350 chiếc áo dài. Khi đã có hợp đồng, anh tự tay đo cắt từng chiếc áo, sau đó giao lại cho người trong làng khâu tay để hoàn thiện sản phẩm bàn giao cho khách.

Anh Trần Văn Toàn chuyên đi nhận hợp đồng may áo dài từ các nơi về và giao lại cho các thợ may trong làng làm.

Trao đổi với nhiều thợ may ở Trạch Xá, họ đều cho rằng, dù trải qua bao thăng trầm nhưng chưa bao giờ nghề may áo dài ở Trạch Xá bị pha tạp bởi xu hướng hiện đại. Bởi theo họ, những chiếc áo dài cách tân có thể sản xuất hàng loạt với nhiều kiểu cách, màu sắc đa dạng cho nên người dùng có nhiều sự lựa chọn hơn so với áo dài truyền thống. Nhưng, mỗi năm qua đi, áo dài cách tân lại thay đổi theo thị hiếu của người dùng, vì thế khó giữ được nguyên giá trị văn hóa.

Áo dài truyền thống chỉ có một kiểu duy nhất, phần nào đó ít được ưa chuộng, nhưng giá trị văn hóa lại tồn tại mãi với thời gian. Đây là mạch nguồn để người dân làng Trạch Xá gắn bó với nghề của mình dù còn gặp nhiều khó khăn. Hàng trăm năm qua, những người thợ may làng Trạch Xá đã và đang dùng tình yêu, sự nhiệt huyết thổi hồn vào mỗi sản phẩm để khi nhắc tới áo dài, người ta sẽ nhớ ngay tới địa danh Trạch Xá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lưu giữ nét đẹp văn hóa ở làng áo dài Trạch Xá