Đồ chơi Trung thu xưa và nay

Nguyễn Ngọc Tiến| 11/09/2019 20:53

(HNMCT) - Xưa, từ đầu tháng Tám âm lịch, trẻ con hàng phố đã náo nức đòi người lớn đưa đi chợ Hàng Mã và Hàng Gai mua đồ chơi. Hai phố này bán đủ các loại đồ chơi truyền thống, gồm các loại đèn bằng nan tre lợp giấy bóng kính có hình các con vật nhưng nhiều nhất là thỏ và cá. Ngoài ra còn đèn lồng xếp bằng giấy màu rất cầu kỳ, hấp dẫn, nhất là đèn kéo quân với nhiều tích truyện được thể hiện bằng những bóng hình người và vật xoay tròn theo trục nhờ sức nóng của các ngọn nến.

Không chỉ vậy, phố Hàng Mã, Hàng Gai còn bán đầu lân, đèn ông sao, đèn cù, mặt nạ giấy bồi..., lại thêm “ông tiến sĩ giấy” gửi gắm ước mong của các đấng sinh thành đối với con cái mình. Có nhiều người cho rằng ông tiến sĩ bằng giấy có bộ mặt non choẹt nhưng đáng yêu ấy chính là hình ảnh ông trạng trẻ Nguyễn Hiền, nhân vật có thật trong lịch sử.

Nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp George Bois đã đứng ra tổ chức hội chợ đồ chơi dân gian và đồ chơi Trung thu truyền thống đúng dịp Trung thu năm 1905 tại bảo tàng Maurice Long (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô). Trung thu Hà Nội còn có nét rất riêng so với các vùng miền khác, đó là những con giống làm bằng bột hoặc các loại trái cây được gọt tỉa vô cùng khéo léo được bày bán ở phố Hàng Đường luôn thu hút trẻ em gái.

Văn hóa là sự tiếp biến nên đồ chơi Trung thu cho con trẻ cũng có sự thay đổi, trở nên phong phú hơn khi vào đầu thế kỷ XX những người thợ phố Hàng Thiếc, dân làng Khương Đình sáng tạo thêm các loại đồ chơi mới. Từ những miếng sắt tây tưởng như bỏ đi họ đã khéo léo tạo ra những con giống đặt trên bánh xe, có thể cử động như con thỏ đánh trống hay con bướm đập cánh. Có cả xe kéo tay bên cạnh những đồ chơi thời thượng như ô tô, tàu bay...

Ngoài ra còn có Hai Bà Trưng cưỡi voi sắt, tiến sĩ vinh quy bái tổ, con lân, con phượng, Tôn Ngộ Không và rất nhiều thứ khác. Nhưng gây hứng thú nhất cho lũ trẻ là những chiếc tàu thủy làm bằng sắt tây bên trong có phao dầu, khi đốt, khí nóng thổi mạnh vào nước kêu “pành pạch”, đẩy con tàu về phía trước. Trẻ mua về mang ra hồ ao cho chạy, có đứa cẩn thận sợ mất nên cho tàu vào chậu nước.

Những đứa trẻ năng động thì thích đầu lân, đầu sư tử bồi bằng giấy. Chúng hợp thành những đoàn có trống, xèng xèng (chập chõa) và có thêm một chú phỗng (ông Địa) múa may làm vui. Trước năm 1954, dịp Trung thu vẫn có các đoàn múa lân gồm toàn trẻ con đi các phố múa trước các cửa hàng. Bao giờ chủ nhà cho tiền chúng mới kéo đi nơi khác.

Tết Trung thu ở Hà Nội xưa kia còn có nhiều phong tục như: Thi đèn, thi cỗ, thi múa sư tử với đủ loại thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, người cầm côn hộ vệ đầu sư tử. Lại có cả thi hát trống quân, vừa hát vừa đánh nhịp vào một sợi dây căng trên một chiếc thùng rỗng, tiếng kêu “thùng thình” đặc trưng của tiếng trống mùa Trung thu.

Ngày nay, ông trăng vẫn sáng, phong tục Tết Trung thu không mất nhưng đồ chơi truyền thống đã rơi rụng nhiều. Thay vào đó là những đồ chơi hiện đại khơi gợi trí tò mò cho lũ trẻ. Thế nhưng việc mất dần đồ chơi dân gian khiến nhiều người cứ có cảm giác thiêu thiếu, tiêng tiếc vì văn hóa dân gian là cái hồn của dân tộc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồ chơi Trung thu xưa và nay