Đền thờ tổ nghề thao Triều Khúc

Đỗ Quốc Bảo| 22/08/2019 11:07

(HNMCT) - “Ai làm ra nón quai thao/ Để cho anh thấy cô nào cũng xinh”... Về làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội), vào thăm đền thờ tổ nghề thao, du khách sẽ được nghe nhiều câu chuyện lý thú về người đã truyền nghề dệt thao cho dân chúng, mở đầu cho sự hình thành một làng nghề danh tiếng. Mấy trăm năm qua, bao thế hệ đã tiếp nối việc giữ gìn, tôn vinh nghề đẹp quê hương.

Đền thờ tổ nghề thao Triều Khúc.

Vị tổ nghề đặc biệt

Theo các tài liệu cổ còn lưu giữ được, viên quan dưới triều vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) là Vũ Đức Úy (không rõ năm sinh, năm mất) trong chuyến đi sứ Trung Quốc đã học được nhiều nghề thủ công rồi về truyền lại trong nước. Riêng với dân làng Triều Khúc ông đã truyền cho 6 nghề là: Làm chổi lông gà, hoa lông vịt, tóc độn, chân chỉ y môn, dây đàn bằng tơ tằm và quai thao cho nón thúng, nón ba tầm. Sau khi Vũ Đức Úy mất, dân làng Triều Khúc đã lập ban phối thờ ông tại đại đình (đình Lớn) cùng với Thành hoàng làng là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (? - 791), đồng thời lập ban phối thờ ông tại đình thờ Sắc của làng, đến năm Ất Sửu (1925) thì xây một ngôi đền nhỏ gần đó để thờ ông.

Năm 1931, ngôi đền lớn thờ tổ nghề thao được xây dựng bên cạnh chùa Hương Vân, đến nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Đền thờ gồm 3 gian, kiến trúc thiên về bào trơn đóng bén, tạo độ bền chắc. Trong đền có 2 bức hoành phi sơn son, chạm khắc nổi những chữ Hán lớn là: “Lê triều sứ” (Sứ thần triều Lê) và “Vũ sứ thần” (Sứ thần họ Vũ); một đôi câu đối ca ngợi công đức tổ nghề: “Lục nghệ thần thông, tứ dân hoài đức/ Song tinh nội chiếu, ngũ phúc kiêm toàn” (Sáu nghề tinh thông, muôn dân nhớ đức/ Hai sao chiếu sáng, năm phúc vẹn toàn).

Trong khám thờ ở gian giữa có pho tượng Vũ sứ thần to tương đương với tầm vóc người thật, được đúc năm 1925.

“Xao lòng nón thúng quai thao”

 Một sắc phong cho tổ nghề Vũ Đức Úy.

Triều Khúc là một điểm du lịch gần trung tâm nội thành thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Số lượng du khách đặc biệt tăng cao vào những ngày lễ hội làng (từ ngày 9 đến 12 tháng Giêng âm lịch) và ngày hội truyền thống làng nghề (20 tháng Hai âm lịch). Trong những ngày này, du khách được thưởng lãm điệu múa Con đĩ đánh bồng nổi tiếng do các diễn viên không chuyên là người làng Triều Khúc biểu diễn. Đây là sản phẩm văn hóa độc đáo có từ thế kỷ VIII, xuất phát từ việc trước khi vây hãm và hạ thành Tống Bình (nay là Hà Nội), Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đã đóng quân tại làng Triều Khúc và cho múa bồng để khích lệ tướng sĩ. Điệu múa Con đĩ đánh bồng được coi là tâm điểm của hội làng, tạo nên bản sắc riêng và trở thành yếu tố then chốt giúp lễ hội làng Triều Khúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hòa vào không khí hội làng Triều Khúc, du khách cảm nhận được sức mạnh cộng đồng trong việc giữ gìn, bồi đắp truyền thống văn hóa của dân tộc.

Về Triều Khúc, du khách đi thăm và tìm hiểu một làng có nhiều nghề, trong đó, nổi tiếng nhất và có lịch sử tồn tại lâu đời là nghề làm quai thao do tổ nghề Vũ Đức Úy trao truyền. Tại đây, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến để hiểu rõ hơn về lịch sử chiếc nón quai thao. Nguyên thủy, đây là loại nón to, tròn, làm bằng lá cọ, không có chóp nên còn được gọi là nón dẹt. Từ đời Trần, nón dẹt được cải tiến, dùng cho các cung nữ đội nên được gọi là nón thượng. Đến cuối thời Lê Trung hưng, loại nón này mới có thêm quai thao và từ đó được gọi là nón quai thao. Thợ làm nón làng Triều Khúc dùng những sợi tơ sần có cục (mốt cục) để làm quai thao.

Quai thao gồm 2-3 sợi tơ bện lại với nhau (gọi là quai kép), được thả võng dài đến thắt lưng người đội nón; hai đầu quai có khoảng mươi túm chỉ thao nhỏ, dài 20-30cm rủ xuống, tạo ra sự mềm mại, trông rất đẹp mắt. Quai thao có thể là màu trắng ngà gốc tơ tằm, dành cho các thiếu nữ; hoặc có thể nhuộm màu đen nếu người dùng đã cao tuổi. Suốt một thời gian dài, chiếc nón quai thao được coi là vật không thể thiếu trong bộ trang phục của phụ nữ.

Sau khi tham quan các đình, chùa, đền, du khách đến thăm nhà thờ họ Vũ, nơi có chân dung tổ nghề Vũ Đức Úy được vẽ theo kỹ thuật sơn thếp, đặt trong khám thờ. Tiếp đó, ra đồng Miễu, viếng mộ tổ nghề. Đây là ngôi mộ được xây bằng gạch, có kích thước 5x6m, phía sau có cuốn thư đắp nổi 4 chữ Hán: “Tổ thụ hoàng ân” (Chịu ơn lớn của Tổ) và 5 chữ Hán: “Vũ Sứ thần chi mộ” (Mộ sứ thần họ Vũ). Phía trước mộ có tấm bia đá kích cỡ 40 x 70cm, tạo dựng đời Cảnh Hưng thứ 6 (1745), ghi ngày xây mộ và sự tích tổ nghề.

Tuy thế, điều du khách còn băn khoăn là công tác thuyết minh, giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa và hành trạng các danh nhân người làng Triều Khúc còn rất hạn chế. Theo Nghệ nhân Ưu tú Triệu Đình Hồng, làng Triều Khúc có quần thể di tích mang giá trị tiêu biểu, đặc sắc về lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, lại có sản phẩm cốt lõi là múa Bồng, vì vậy rất cần được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa để nơi đây trở thành điểm du lịch độc đáo, lý thú và bổ ích đối với du khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền thờ tổ nghề thao Triều Khúc