Chuyện một góc phố Hàng Khay

Thu Hằng| 26/07/2019 16:01

(NSHN) - Không gian văn hóa hồ Hoàn Kiếm (hay còn gọi là Hồ Gươm) tiêu biểu cho văn hóa ngàn năm Thăng Long – Hà Nội. Suốt chiều dài lịch sử, khu vực hồ Hoàn Kiếm vẫn là vùng địa linh của kinh đô Thăng Long xưa cũng như Thủ đô Hà Nội nay.

Trong một bài tản văn về Hà Nội, nhà báo Tạ Việt Anh đã viết: “Hà Nội, có những nơi chốn đi vào lòng người, dù nó đã không còn hiện hữu, ví như dãy ki ốt bán hoa tạo nét duyên dáng góc Hồ Gươm, đầu phố Hàng Khay, tạo thành một vòng cung duyên dáng cùng bồn phun nước nhỏ rất đẹp ở phía sau. Giờ thì chỗ đó được thay bằng một chiếc đồng hồ hoa, cũng công phu nhưng không mấy ấn tượng”.

Dãy ki ốt bán hoa này bị phá bỏ vào thập niên 80 của thế kỷ trước - Ảnh tư liệu

Cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp quy hoạch hồ Hoàn Kiếm, họ quy định không được phép xây nhà phía hồ, bởi vậy những con phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm chỉ có nhà một bên số, lẻ hoặc chẵn.

Lần giở lại những tấm ảnh tư liệu từ khoảng 100 năm trước, thấy góc ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Hàng Khay có xây một trụ đài phun nước. Ở đây, có các bà các cô chít khăn mỏ quạ ngồi thành dãy bán hoa gói bằng lá, hoa bó...

Ảnh tư liệu

Những tấm ảnh này giúp ta hình dung chợ bày bán hoa có lúc ra sát vỉa hè khiến nhà chức trách nảy sinh ý tưởng xây dãy ki ốt bán hoa hình vòng cung. Việc các hàng hoa ngồi nhiều hơn ở mặt phía Hàng Khay cũng được đáp ứng khi xây quầy bán hoa đoạn nằm trên phố Hàng Khay dài hơn đoạn nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng.

Ảnh tư liệu

Kiến trúc của các ki ốt bán hoa tươi này tuy đơn giản nhưng rất đẹp, cong cong mềm mại, như một nét điểm xuyến cho góc hồ phía Nam và cân đối với nhà hàng Thủy Tạ ở góc Tây Bắc.

Sau năm 1954, những ki ốt này là dãy hàng hoa của Hợp tác xã hoa Ngọc Hà và quầy bán hoa quả của mậu dịch. Nhiều người còn nhớ rõ những quầy bán hoa này bán chủ yếu là lay ơn, hoa huệ, hoa cúc, thược dược, violet, mào gà…

Đầu phố Hàng Khay sáng 10-10-1954. Những bộ đội Cụ Hồ trong đoàn quân tiếp quản Thủ đô đang đi qua những ki ốt bán hoa - Ảnh tư liệu

Hiện nay, những ki ốt bán hoa, cả cái bồn phun nước đã không còn dấu tích. Với lý do che khuất tầm nhìn ra hồ Hoàn Kiếm, khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước, dãy ki ốt này bị phá dỡ. Nơi đây trở thành vườn trồng hoa hình tròn.

Đến tháng 9-2010, chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nơi đây xuất hiện chiếc đồng hồ bằng thủy tinh trong suốt. Đây là quà của người dân Thủ đô Berne và thành phố Geneva (Thụy Sĩ) tặng người dân Hà Nội mừng Đại lễ. 

Chiếc đồng hồ bằng thủy tinh, quà của người dân Thụy Sĩ tặng người dân Hà Nội năm 2010 - Ảnh tư liệu

Trải qua biến thiên thời gian, giờ đây, góc phố mát xanh bóng lá này vẫn là một trong những góc phố đẹp nhất của Hà Nội.

Vào những ngày cuối tuần, giữa không gian thoáng đãng, không còn khói bụi hay tiếng còi xe của phố đi bộ, dường như ai qua đây cũng đi thật chậm để tận hưởng cảm giác yên bình và để nghe các bản nhạc du dương. Một Hà Nội như đã xưa lắm rồi, hiện về rất rõ nét qua những quầy bán tò he, mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao hay đơn giản chỉ là một vài gánh hàng rong chất đầy bánh nếp, bánh tẻ....

Nơi yên bình người ta tìm đến những giá trị truyền thống có lẽ cũng là nơi họ sống với nhau thân thiện hơn, chân thành hơn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện một góc phố Hàng Khay