Chùa Ón - ngôi chùa không tượng Phật ở xứ Đoài

Hà Nguyên Huyến| 28/06/2019 09:59

(HNMCT) - Trên con đường vào làng cổ Mông Phụ thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, phía bên tay trái, cách cổng làng khoảng vài chục bước chân có một ngôi chùa nhỏ, tường và mái ngói rêu phong in đậm nét thời gian. Tường nhà được xây dựng kết hợp giữa đá ong và gạch bìa - một loại gạch mỏng, có độ bền vững rất cao. Trải năm tháng, công trình này được trùng tu vài lần nhưng đến nay hầu như vẫn không có gì thay đổi...

(HNMCT) - Trên con đường vào làng cổ Mông Phụ thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, phía bên tay trái, cách cổng làng khoảng vài chục bước chân có một ngôi chùa nhỏ, tường và mái ngói rêu phong in đậm nét thời gian. Tường nhà được xây dựng kết hợp giữa đá ong và gạch bìa - một loại gạch mỏng, có độ bền vững rất cao. Trải năm tháng, công trình này được trùng tu vài lần nhưng đến nay hầu như vẫn không có gì thay đổi...

Quả chuông chùa Ón, trên thân chuông có 4 chữ: Hồng Chung Ôn Hòa.


Ngôi chùa ấy chính là chùa Ón. Ấy là tên Nôm, còn tên chính thức là Ôn Hòa Tự. Chẳng biết từ bao giờ mà người làng Mông Phụ gọi đây là chùa Ón? Đặc biệt là đã bao đời nay một thắc mắc lớn vẫn đặt ra cho nhiều thế hệ mà chưa có câu trả lời: Tại sao là chùa mà tịnh không có một pho tượng nào được thờ ở đây? Những ngày sóc vọng trong tháng cũng như dịp lễ tết (kể cả Tết Nguyên đán) cũng không thấy ai mang lễ vật ra cúng bái, trừ hai ngày là mùng ba tháng Ba và ngày mùng một tháng Tư âm lịch.

Vào ngày mùng ba tháng Ba hằng năm, ngoài lễ vật như xôi gà, oản quả, hương hoa..., nhất định trai làng Mông Phụ phải khiêng quả chuông nặng 145kg từ trong đình ra đây đánh “ba hồi chín tiếng”, nhưng tổng cộng phải là “chín mươi chín tiếng”. Ai được làng phân công đánh chuông, phải tâm niệm mà hoàn thành nhiệm vụ (nếu đánh thừa hoặc thiếu là có lỗi với thánh thần). Quả chuông không biết được đúc từ đời nào, ai cung tiến dân làng cũng không nhớ. Thân chuông được chạm trổ hoa mỹ - những quả chuông khác trong làng được đúc sau này không thể nào sánh được. Ngoài 4 chữ “Hồng Chung Ôn Hòa” đúc nổi, chia ra bốn phía, còn lại trên thân chuông không có bài minh nào cũng như không thấy ghi năm tháng đúc chuông.

Sau khi cúng tế là bắt đầu hội vật chùa Ón. Nói là “hội” nhưng chỉ kéo dài từ 3h chiều đến xâm xẩm tối là hết hội. Tất cả cặp đấu đều được thu xếp trong khoảng thời gian này. Có bao nhiêu người thi đấu hay giải nhất thuộc về ai cũng không quan trọng. Vì thời gian tổ chức hội ngắn nên thường chỉ có trai tráng trong làng tham gia thi đấu. Những năm chiến tranh giặc giã, trai đinh hầu như không còn ai ở nhà, sới vật chùa Ón chỉ có mấy bô lão với dăm đứa trẻ. Nhưng cái “hèm” của làng là vậy. Vật ở đây mang tính “vật thờ”, nếu không làm thế là “động làng”!

Vào ngày mùng một tháng Tư, bên cạnh thanh bông hoa trái dân làng còn mang cháo ra đây cúng quan “Thần Ôn”. Cháo múc ra những cái “bù đài lá đa”, cắm dọc từ chùa Ón ra đến đường cái chính... Xưa kia vào mỗi dịp đầu mùa hè bệnh dịch thường hay xảy ra, làm chết rất nhiều người. Thế nên lễ cúng ở đây là cúng “cầu mát” (một mùa hè không nóng nực), cúng “kỳ an” (một mùa hè an lành).

Thi đấu vật trong lễ hội chùa Ón.


Giai thoại của làng truyền lại rằng, Ôn Hòa là một vị tướng người Trung Hoa, khi mãn hạn quan không về nước, thấy cảnh Đường Lâm thanh bình, ông bèn xin dân làng cho khai khẩn, trồng cấy nuôi thân. Sau nhiều năm tích lũy, có “của ăn của để” ông cho dựng một ngôi chùa để trấn yểm long mạch cho làng Mông Phụ. Vì là một võ tướng nên vào những ngày rảnh rỗi ông thường dạy dân làng võ nghệ để rèn luyện thân thể và phòng giặc giã. Trước khi qua đời ông cho đúc quả chuông có tên “Hồng Chung Ôn Hòa” mà dân làng Mông Phụ vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.

Ngoài ra, trên hai câu đầu của chùa hiện còn lưu lại những dòng chữ: “Khởi tạo Bính Dần niên, quý Xuân, Nhâm Tý nhật, Mão khắc động thổ. Bình cơ, Ất Mão nhật, Dậu thời, thụ trụ thượng lương cát” (lược dịch: Khởi tạo năm Bính Dần, cuối mùa Xuân, ngày Nhâm Tý, giờ Mão động thổ. Chùa được xây trên một nền đất bằng phẳng. Ngày Ất Mão, giờ Dậu bắc nóc...) và “Phú quý thọ khang” (giàu sang, sống lâu, khỏe mạnh...) viết theo lối chữ triện. Vì không có tài liệu ghi chép chùa xây dựng vào triều đại nào nên dân làng Mông Phụ phỏng đoán rằng: Sau khởi nghĩa Ngô Vương Quyền (938), tiếp đó là "loạn Mười hai xứ quân" nên nước Nam ta không có vua để xác lập niên đại, và chùa Ón có thể được xây vào năm 966 (Bính Dần), tính đến nay đã là 1053 năm (?!).

Xung quanh chùa Ón còn rất nhiều điều huyền bí khác, như là trước đây hầu như mùa mưa năm nào khu vực này cũng có sét đánh. Hay là những giai thoại về “người Tàu giấu của” hay “những người Khách bán thuốc dạo” (thực ra là đi tìm kho báu mà tổ tiên họ chôn giấu ở khu vực này)... Những điều bí ẩn ấy cho đến nay vẫn chưa được kiến giải phân minh.

Không có tượng Phật, không có người trông coi, tế lễ cũng chỉ có hai ngày trong năm, thế nhưng những truyền thuyết bí ẩn xung quanh ngôi chùa vẫn không bao giờ phôi phai trong ký ức của người dân làng Mông Phụ. Và hẳn cũng bởi thế mà từ lâu chùa Ón vẫn luôn là một điểm đến không thể thiếu trong hành trình của du khách khi đến với làng cổ Đường Lâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chùa Ón - ngôi chùa không tượng Phật ở xứ Đoài