Đền Đức Thánh Trần bên bến Đông Bộ Đầu

Nghi Đồng| 13/06/2019 15:12

(NSHN) - Nguyên thủy, Sơn Hải Linh Từ là nơi thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (Đức Thánh Trần), vị Anh hùng dân tộc “bách niên bất bại” (cả đời không thất bại). Về sau, đây là nơi thờ tự cả các nhân vật tiêu biểu của đạo Phật, đạo Mẫu, thể hiện sự hòa đồng tôn giáo, tín ngưỡng trong tín ngưỡng văn hóa dân gian.

(NSHN) - Nguyên thủy, Sơn Hải Linh Từ là nơi thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (Đức Thánh Trần), vị Anh hùng dân tộc “bách niên bất bại” (cả đời không thất bại). Về sau, đây là nơi thờ tự cả các nhân vật tiêu biểu của đạo Phật, đạo Mẫu, thể hiện sự hòa đồng tôn giáo, tín ngưỡng trong tín ngưỡng văn hóa dân gian. 

Tọa lạc bên bến sông thắng giặc

Sơn Hải Linh Từ xưa kia nằm trên địa bàn làng Vạn An, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội, nay là số 16, ngõ 53, đường Bạch Đằng, phường Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Đền nhìn hướng Đông, cách sông Hồng chỉ mấy chục mét. Theo văn bia và các sắc phong thì đền được xây dựng vào năm Ất Tỵ (1785), được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, lấy nguyên mẫu là kiến trúc đền Đức Thánh Trần ở Nam Định.

Từ ngoài đi vào, qua cổng đền kiến trúc hai tầng, dưới là cổng, phía trên có bức tượng Trần Hưng Đạo tay cầm kiếm, tay chỉ ra phía sông Hồng, mắt dõi xa. Đi tiếp vào phía trong là tiền đường, trung cung và hậu cung.

Nguyên thủy, đền do dân chài lập nên để thờ Đức Thánh Trần, về sau phối thờ cả bốn người con trai của Ngài là Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, Hưng Hiếu vương Trần Quốc Hiến, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, Hưng Chí vương Trần Quốc Uất và 18 công thần như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng… Trong hậu cung có ban thờ cha mẹ Đức Thánh, Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, công chúa Thiên Thành (phu nhân Đức Thánh)…

Trong đền còn lưu giữ nhiều di vật quý. Ở gian giữa, trên cao là bức hoành phi chạm khắc nổi 4 chữ Hán lớn: “Thủy giang vọng nguyệt” (Sông nước trông trăng, hàm ý "vời vợi giữa trời") có niên đại năm Mậu Thìn (1928), đời vua Bảo Đại.

Trên ban thờ là pho tượng Đức Thánh Trần có thần thái uy nghi, hai bên là tượng Yết Kiêu và Dã Tượng. Một số hoành phi khác là: “Khí tráng sơn hà” (Khí thiêng làm mạnh thêm sông núi), “Trần triều hiển thánh” (Hiển thánh dưới triều Trần)…

Câu đối trong đền nêu các địa danh nổi tiếng, ca ngợi chiến công của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn ba lần đánh đuổi giặc Nguyên Mông: “Chương Dương dấu tích thiên thu tự/ Hàm Tử linh từ vạn cổ xuân” (Chương Dương dấu tích ngàn xưa đậm/ Hàm Tử đền thiêng vạn xuân nồng), “Bạch Đằng thủy trận lưu danh tích/ Đông Hải hùng binh vạn cổ thần” (Chiến trận Bạch Đằng còn dấu tích/ Hùng binh Đông Hải thảy hóa thần)…

Trong 6 đạo sắc phong của nhà Nguyễn, đạo sớm nhất có niên đại Thiệu Trị 6 (1846) ghi: “Sắc phong cho vị (thần thờ tại đền) là Khâm sai Tiết chế Thống lĩnh thiên hạ thủy bộ binh mã chư doanh, Đại nguyên súy, Tổng quốc chính, Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công, Anh vũ, Nhân đoán Hưng Đạo vương (Trần Quốc Tuấn)…”.

Năm 2010, đền Sơn Hải được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.

Sự hòa đồng tôn giáo, tín ngưỡng

“Sơn Hải Linh Từ” mang hàm ý công đức to lớn của Đức Thánh Trần sẽ trường tồn như núi sông và được ghi nhớ mãi. Theo quan niệm truyền thống, ở các di tích thường ghi “Hữu tiên tất danh” (Có tiên ắt nổi tiếng), hoặc “Sơn bất tại cao, hữu tiên tất danh/ Thủy bất tại thâm, hữu long tất linh” (Núi không bởi cao, có tiên ắt nổi tiếng/ Nước không bởi sâu, có rồng ắt linh thiêng).

Trần Quốc Tuấn là người duy nhất được suy tôn là Thánh khi đang còn sống - Ngài ngự trị ở đền, ắt làm danh tiếng của đền vang xa bốn cõi.

Đền Sơn Hải là địa chỉ du lịch văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng ở Thủ đô Hà Nội. Đến đây, du khách được nghe kể thêm nhiều câu chuyện lý thú, có ý nghĩa sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, người đã đặt xã tắc lên trên mối thù nhà. Bến Đông Bộ Đầu xưa (nay là khoảng từ dốc Hàng Than đến dốc Vạn Kiếp) là nơi Đức Thánh Trần đã tổ chức tập trận và công bố Hịch tướng sĩ vào năm 1284.

Theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, Đức Thánh Trần chọn nơi đây làm vị trí chiến lược cuối cùng trong trận tuyến dọc bờ Nam sông Hồng, chuẩn bị cho trận đánh quyết định vào đại bản doanh của quân xâm lược ở Thăng Long diễn ra trong hai ngày 7 và 8-6-1285 (sự kiện này được chép trong sách Đại Việt sử ký toàn thư).

Những người yêu thích nghiên cứu phong thủy cũng có thể tìm hiểu thêm về vị trí đắc địa của ngôi đền và suy ngẫm về cuộc đời của Đức Thánh Trần, vị Anh hùng dân tộc “bách niên bất bại” (cả đời không thất bại). Ngài không chỉ được đất trời phù trợ mà từ nhỏ đã học tập, luyện rèn để tinh thông kinh sách, võ nghệ, rèn đức của bậc vương tướng, nghệ thuật lãnh đạo của người lãnh trách nhiệm thống lĩnh toàn quân.

Tuy nhiên, nhiều du khách đến thăm đền vẫn chưa được thỏa mãn bởi khâu thuyết minh còn hạn chế, ngoài tấm bia nhỏ ở sân trước ghi ngắn gọn: Đền Sơn Hải Linh Từ thờ Hưng Đạo Đại vương, tướng quân Phạm Ngũ Lão (thiếu nhiều người khác) và tóm tắt thần phả thì không có văn bản nào giới thiệu về di tích.

Nguyên thủy, đền chỉ thờ những người có công giữ nước, trong thế kỷ XX có thêm các ban thờ Tam tổ Trúc Lâm trong Phật giáo Việt Nam (Phật hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa, Thiền sư Huyền Quang), Tam tòa Thánh Mẫu, Tứ phủ chầu Bà, Quế Hoa và Quỳnh Hoa công chúa, chúa Sơn trang, ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bảy... thể hiện sự hòa đồng tôn giáo, tín ngưỡng trong tín ngưỡng văn hóa dân gian của người Việt Nam.

Điều này làm cho di tích thêm giá trị nhưng vì không có thuyết minh chi tiết nên phần lớn du khách chỉ tham quan, bái lễ mà không được hiểu biết tường tận. Thêm nữa, do quảng bá hạn chế nên đền chưa thu hút được nhiều du khách đến tham quan. Theo bà Nguyễn Thị Liễu, bán tạp hóa ở gần đền thì khách vào đền chủ yếu là người hành lễ.

Và công tác quản lý vẫn còn nhiều hạn chế nhất là việc sắp xếp tổ chức cho khách vào hành lễ trong các ngày lễ ở đền (17 tháng Giêng, 24 tháng Tư, 20 tháng Tám và 17 tháng Chạp). Điều mà người dân và du khách mong muốn là di tích được nâng cấp, trở thành di tích cấp quốc gia để bảo tồn tốt hơn, được quảng bá rộng rãi hơn, ngày càng phát huy tác dụng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền Đức Thánh Trần bên bến Đông Bộ Đầu