Đình làng Đa Sĩ

Bài và ảnh: Đỗ Quốc Bảo| 18/04/2019 11:27

(HNMCT) - Về Đa Sĩ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), du khách được tham quan ngôi làng cổ hơn 2.000 năm tuổi, nơi có nghề rèn chuyên nghiệp từ đời nhà Trần (1225-1400) và còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử văn hóa quý giá...

(HNMCT) - Về Đa Sĩ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), du khách được tham quan ngôi làng cổ hơn 2.000 năm tuổi, nơi có nghề rèn chuyên nghiệp từ đời nhà Trần (1225-1400) và còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử văn hóa quý giá... Đây còn là làng thuốc Nam nổi tiếng một thời gắn với công lao mở nghề, dựng nghiệp của thần y Hoàng Đôn Hòa, người được suy tôn là Thành hoàng làng.

Đình Đa Sĩ hiện nay.


Ngôi đình thờ vị thần y

Đình Đa Sĩ nằm ở đầu Bắc của làng, cách trung tâm quận Hà Đông hơn 1km về hướng Đông. Đình được xây dựng năm Bính Tuất (năm 1706 hoặc năm 1766, do chữ trên câu đầu ghi là “Tuế tại Bính Tuất niên, Tam nguyệt, cốc nhật, thụ trụ - năm Bính Tuất, tháng Ba, ngày lành, dựng cột). Căn cứ vào lần trùng tu thứ nhất trong năm Canh Ngọ (1810) - năm Gia Long thứ chín - thì khả năng đình được xây dựng vào năm 1766. Cho đến nay, ngôi đình đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Trong đó, có một sự kiện đáng chú ý, ngày 22-12-1972, máy bay B52 của đế quốc Mỹ đã trút bom xuống làng Đa Sĩ làm cho ngôi đình bị hư hại nặng nề. Sang năm 1973, dân làng đã góp của, góp công để phục hồi ngôi đình.

Trên mảnh đất rộng hơn 2.000m2, đình làng Đa Sĩ hiện nay mang kiểu dáng kiến trúc của thế kỷ XIX. Đình nhìn hướng Đông Nam, phía trước có một hồ nước hình chữ nhật, giữa hồ có gò nhỏ hình vuông được gọi là bàn cờ. Từ ngoài đường đi vào, đầu tiên là tam quan xây kiểu nghi môn với ba cửa, cửa giữa lớn nhất, được tạo bởi hai cột đồng trụ cao gần 6m, bốn phía cột đắp nổi các câu đối chữ Hán ca ngợi Đa Sĩ có “cảnh vật vui tươi, thời khí tốt đẹp; đất thiêng sinh nhân kiệt; giữ gìn thuần phong mỹ tục, vui sống thái bình...”.

Tiếp theo là sân đình rộng rãi, dọc hai bên sân là các nhà giải vũ (tả mạc, hữu mạc) đều gồm 5 gian. Đại bái gồm 5 gian lớn và 2 dĩ với tổng chiều dài trên 20m và rộng trên 8m, mang kiểu dáng kiến trúc nhà Việt, loại hình đại đình, kết nối với hậu cung thành hình chữ “đinh”. Bộ khung của đình được làm bằng gỗ lim; các vì kèo dựa trên 16 cây cột to, dưới chân cột có đế là các tảng đá liền khối, được đẽo gọt, tạo hình theo luật âm dương. Từ ngoài hiên đi vào, qua hệ thống cửa bức bàn truyền thống, qua đại bái vào hậu cung, nơi có hương án thờ Thành hoàng làng là danh y Hoàng Đôn Hòa. Phía trên hương án có hai bức hoành phi, một bức chạm 4 chữ Hán lớn “Thọ thế Đại vương” (Đại vương chăm lo tuổi thọ cho đời) theo sắc phong của triều vua Cảnh Thịnh (1793-1801), một bức chạm 4 chữ Hán “Dực bảo Trung Hưng” (vị thần có công vực dậy nền Trung Hưng, 1533-1788) theo sắc phong năm Đồng Khánh thứ hai (1887). Trong đình còn có nhiều câu đối và hoành phi chạm khắc tinh xảo, thếp vàng lộng lẫy, nội dung ca ngợi Thành hoàng làng - thần y Hoàng Đôn Hòa.

Điểm nhấn trong một tour du lịch đặc sắc

Tam quan và khu miếu nơi có ban thờ bà Phương Dung.


Quần thể di tích lịch sử ở Đa Sĩ gồm đình, chùa, miếu, lăng mộ Thành hoàng làng - thần y Hoàng Đôn Hòa chỉ cách trung tâm Hà Nội hơn 10km, thuận tiện giao thông nên mỗi năm đón hàng nghìn du khách gần xa. Điểm nhấn trong tour du lịch đặc sắc này là di tích đình làng. Tại đây, du khách được nghe kể nhiều chuyện về ngôi làng cổ có từ hơn 2.000 năm trước, về nghề rèn cổ truyền nổi tiếng... và lý thú nhất là câu chuyện về di vật đặc biệt quý hiếm liên quan đến việc thờ tự thành hoàng làng.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Quốc Hoàn thì kiệu rước bài vị thành hoàng làng Đa Sĩ khi được làm ra có kích thước to hơn kiệu vua nhà Nguyễn nên vua đã cử quan quân về làng tra khảo tội “mạn thượng”. Nhờ có mật báo nên dân làng đã thả kiệu xuống ao nước sâu rồi phủ bèo lên trên nên còn giữ được cỗ kiệu quý. Việc làm cỗ kiệu rước ấy thể hiện sự biết ơn và tôn vinh công đức Thành hoàng làng - thần y Hoàng Đôn Hòa. Ông sinh vào khoảng gần giữa thế kỷ XVI, đến định cư ở làng Đa Sĩ khi đã ở tuổi trưởng thành. Sau khi thi đỗ Giám sinh (tương đương Cử nhân hiện nay), ông về Đa Sĩ ẩn cư, dạy học và bốc thuốc chữa bệnh. Do có công cứu sống công chúa Phương Anh nên được vua nhận làm phò mã. Còn công chúa Phương Anh đổi tên thành Phương Dung, theo ông về làng sống đời thường dân, cùng chồng bốc thuốc chữa bệnh.

Vào năm Giáp Tuất (1574), đời vua Lê Thế Tông, Hoàng Đôn Hòa được cử làm Điều hộ lục quân, tham gia đánh quân nhà Mạc chiếm đóng ở Thái Nguyên. Từ đó, ông đã tổ chức trồng cây thuốc Nam, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho binh lính, giúp quân triều đình bảo toàn lực lượng chiến đấu. Sau khi quân nhà Lê chiến thắng, ông được phong làm Thị nội Thái y viện Thủ phiên (trông coi việc chữa bệnh trong cung vua của Thái y viện), được phong tước Lương Dược hầu. Tuy nhiên, ông đã xin vua cho về quê để tập trung vào việc trồng và chế biến thuốc Nam chữa bệnh cho dân.

Rời đình làng, du khách đi thêm một quãng đường ngắn là tới Lâm Dương quán, đương thời do vợ chồng Hoàng Đôn Hòa - Phương Dung lập ra để thực hiện việc chủ trị chữa bệnh bằng nguồn thuốc Nam. Cùng với đó, danh y đã bỏ công sức đúc rút kinh nghiệm nghề y, tập hợp 208 phương thuốc trong cuốn sách “Hoạt nhân toát yếu”, nêu bật chủ trương chữa bệnh bằng nguồn dược liệu phổ thông, dễ kiếm, dễ trồng và tất cả các loại thuốc đều được hoàn tán (kết viên) để thuận tiện trong lưu chuyển và sử dụng. Cuốn sách được thừa nhận là cẩm nang cho các thế hệ thầy thuốc học tập, sử dụng chữa trị các bệnh nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa, phụ khoa, giúp người bệnh cách tập luyện để tăng sức đề kháng của cơ thể, thực hiện phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đến nay và cả về sau, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị. Ngay bên cạnh quán là ngôi miếu, nơi đặt ban thờ Từ Thục Trinh Y nương Phương Dung vì có công cùng chồng chữa bệnh cho dân chúng.

Một ngày ở Đa Sĩ sẽ đem lại cho du khách sự trải nghiệm lý thú và những hiểu biết mới mẻ. Từ đây, du khách có thể đến thăm nhiều điểm du lịch ở quận Hà Đông đã được kết nối khá tốt với những chương trình được đánh giá là “đầy đặn và hữu ích”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đình làng Đa Sĩ