Ca vũ cung đình mang tâm thức người Thăng Long

Quốc Việt| 05/02/2019 11:01

(NSHN) - Thăng Long có một nền văn chương xán lạn, một nền võ học thâm sâu, và nữa là một nền ca vũ gắn với lễ nhạc cung đình, mang nhiều nội hàm sâu sắc, phản ánh tư tưởng của các vương triều định đô trên mảnh đất này.

(NSHN) - Thăng Long có một nền văn chương xán lạn, một nền võ học thâm sâu, và nữa là một nền ca vũ gắn với lễ nhạc cung đình, mang nhiều nội hàm sâu sắc, phản ánh tư tưởng của các vương triều định đô trên mảnh đất này. Thư tịch cổ không ghi lại bao nhiêu, nhưng từ những khảo cứu của các nhà khoa học, phần nào có thể nhận thấy: Thăng Long đã có một nền ca vũ rực rỡ mang đậm dấu ấn của giới thức giả ở đất Kinh kỳ.

Tranh Điệu múa cổ của Nguyễn Tư Nghiêm.


Triều nghi và trình diễn

Nghệ thuật ca múa nhạc là một phần không thể thiếu trong kho tàng văn hóa, góp phần làm nên bản sắc của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Từ lâu lắm người Việt đã có nền nhạc vũ dân gian và những lời ca, điệu múa, tiếng nhạc đã đi vào đời sống của cư dân lúa nước như một lẽ tự nhiên. Giao Châu ký của Lưu Hân Kỳ viết, khoảng cuối thế kỷ thứ hai có đoạn về phong tục của người dân đất này: Thích gảy đàn, mục đồng cưỡi trâu ở đồng lạch hát những bài ca réo rắt. Trẻ con tụ tập dưới trăng vỗ tay làm nhịp để bài ca thêm hay...

Năm 1010, khi Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn định đô Thăng Long thì một nền ca vũ gắn với lễ nhạc triều đình cũng được hình thành ở đây. Trên bia tháp Sùng Thiện Diên Linh (năm 1121) có đoạn miêu tả một chương trình biểu diễn nhạc vũ cung đình: "Tấu nhạc Thiều dào dạt. Cửa động đua mở, thần tiên hiện ra, đều là phong thái thiên cung, đâu phải phong tư trần thế. Vươn tay nhỏ dâng khúc Hồi phong, nhăm mày thúy ca bài Lưu vận...". Tư liệu còn lại không nhiều, nhưng theo giới nghiên cứu Hán - Nôm thì âm nhạc Phật giáo thời Đường, nhạc cụ, lối múa Ấn Độ, nhạc vũ Chiêm Thành đã được người Việt tiếp thu một cách chọn lọc. Và ở thời Lý, nhạc vũ là một hoạt động thường xuyên trong cung đình với đủ cả ca, múa, nhạc.

Thời Trần, nhạc vũ cung đình hết sức phong phú, nhạc Thái thường không chỉ sử dụng trong các nghi lễ của triều đình mà còn để mua vui cho vua quan. Trong tập Kiến văn tiểu lục, nhà bác học Lê Quý Đôn trích một đoạn miêu tả buổi tiếp sứ của Vua Trần: "Con trai diễn trò, con gái hát, tất cả mười người, đều ngồi dưới đất. Có các loại đàn tỳ bà, đàn tranh, độc huyền (đàn bầu). Tiếng hát và tiếng đàn phụ họa nhau, lúc hát thì nỉ non rồi sau mới hát thành lời. Dưới điện có các trò leo dây, múa rối trên đầu gậy, lại có người cởi trần đóng khố vải nhảy nhót hò reo. Đàn bà để chân trần uốn éo mười ngón tay đứng múa, hơn mười người con trai đều cởi trần khoác vai dậm chân vòng quanh mà hát theo...". Còn theo An Nam chí lược, thời nhà Trần, dàn nhạc cung đình có Đại nhạc và Tiểu nhạc. Đại nhạc gồm trống cơm, kèn, sáo ngắn, chũm chọe, trống lớn, còn Tiểu nhạc gồm đàn cầm, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn thất huyền, đàn song huyền, sáo, tiêu.

Sách cũ cũng ghi, tuồng tích cổ (cổ truyện hý) từ đất Trung Nguyên du nhập vào nước ta, được giới quý tộc nhà Trần ưa chuộng. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật thường xuyên mở rạp hát tuồng trong nhà. Vị thân vương kiêu dũng, tài hoa này còn sáng tác nhiều khúc điệu âm nhạc, múa hát và góp công lớn cho sự phát triển nhạc vũ cung đình cũng như nghệ thuật tuồng tích. Tương truyền, Trần Nhật Duật là người truyền tập lối múa Bát dật (64 người múa) chỉ dùng vào những dịp đại lễ trong cung. Đặc biệt thời kỳ này còn có những vũ điệu thuần túy biểu hiện vẻ đẹp thông qua hình thể và tư thế động tác của con người với vũ nữ xiêm y không quá kín đáo.

Hòa bình là gốc, thanh âm là văn của nhạc

Khác với vương triều Lý, lấy giáo lý Nhà Phật làm nền tảng xây nền thịnh trị, Vương triều Lê hướng theo Nho giáo. Trong quan niệm của Nho gia, lễ để hướng dẫn chí hướng, nhạc để hòa hợp âm thanh. Nhạc là một trong lục nghệ được giảng tập để đào tạo nhân cách - nhạc là chính đức, là công cụ để giáo hóa. Thế nên lễ nhạc triều nghi, nhạc vũ cung đình có tầm quan trọng đặc biệt, thể hiện tư tưởng và "cái đức" của vương triều. Làm nhạc là việc lớn của các bậc quân vương.

Kế thừa sự nghiệp của Thái Tổ Lê Lợi, Thái Tông Lê Nguyên Long sau khi đăng cơ đã ban lệnh sai Hành khiển Nguyễn Trãi và Lỗ bộ ty giám Lương Đăng đốc suất việc làm loan giá, nhạc khí và dạy nhạc múa. Đây được xem là việc trọng nên sử sách ghi chép khá rõ.

Phụng mệnh sửa định lễ nhạc, Nguyễn Trãi dâng bản vẽ khánh đá và tâu rằng: "Thời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay hưng khởi lễ nhạc là rất đúng lúc. Song không có gốc thì không thể gây dựng, không có văn thì không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu soạn nhạc không dám không gắng hết tâm sức. Nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong lĩnh vực thanh luật khó làm cho được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, khiến cho xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không làm mất cái gốc của nhạc vậy". Nhà vua thuận lời.

Là bậc đại bút, thâm sâu Nho học lại hiểu Lão - Trang, với Nguyễn Trãi, âm nhạc tuyệt vời nhất là thanh âm bình yên nơi thôn xóm, là âm hưởng của thiên nhiên, của đất trời cùng thổi lên, là một cảnh giới đại hài hòa. Để tạo dựng nền nhạc lễ lý tưởng trên cơ sở một xã hội trật tự trong lễ giáo Nho gia, ông nhắc nhà vua: Lễ đâu chỉ là ngọc lụa, nhạc đâu chỉ là chuông khánh... Nhưng, mong muốn của Nguyễn Trãi không trở thành hiện thực trong một triều đình chia rẽ bởi bè phái. Sau đó Lương Đăng định ra quy chế nhạc cung đình. Các loại nhạc được tấu trình theo từng nghi lễ, nhiều nhạc khí sang trọng được đưa vào dàn nhạc. Và hai điệu võ vũ và văn vũ có quy mô lớn là Bình Ngô phá trận và Chư hầu lai triều được sử sách ghi nhận, hậu thế tán dương.

Theo những ghi chép của Phạm Đình Hổ thì thời Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông đã sai người tìm tòi thanh luật đất Trung châu (Trung Hoa) để hoàn bị âm nhạc nước nhà. Đồng thời đặt cơ quan chuyên trách nhạc vũ triều nghi (loại âm nhạc điển nhã thuần chính, trình diễn vào các dịp lễ trọng tế giao, tế miếu, thánh tiết, triều hạ, yến thưởng) và nhã nhạc (chủ về tiếng hát, nhạc chương cho loại này thường là những câu thơ chữ Hán). Còn âm nhạc ở chốn dân gian thì đặt ty Giáo phường để nắm giữ. Nhã nhạc và tục nhạc không hỗn tạp, có phân biệt thứ bậc rõ ràng. Vua Lê Thánh Tông không chỉ lập ra Tao Đàn Nhị thập bát tú tập hợp hai mươi tám trang văn tài trong bầu trời thơ ca Đại Việt, để lại cho đời những áng văn chương tuyệt tác, mà còn làm ra Quỳnh uyển cửu ca gồm 9 nhạc chương trình diễn trong cung. Có thể nói đến thời kỳ này, ca vũ cung đình đã có bước phát triển vượt bậc. Và Nhã nhạc cung đình Huế là sự kế thừa, phát triển của nền ca vũ cung đình Thăng Long.

Chỉ còn là hoài niệm?

Không nhiều cứ liệu tham khảo, nhưng từ những câu chuyện nêu trên có thể nhận thấy, nhã nhạc - ca vũ cung đình khơi nguồn từ những làn điệu dân ca, những điệu múa truyền thống, được chọn lọc, nghệ thuật hóa theo quy phạm chặt chẽ, chủ yếu ca ngợi nền thái bình thịnh trị, phục vụ các nghi lễ của triều đình. Ca vũ cung đình Thăng Long đã có thời phát triển rực rỡ với sự cổ súy mạnh mẽ của giới thức giả và được thể hiện bởi những nghệ sĩ tài năng nhất trên đất Thăng Long nên đã kết tinh tâm hồn, trí tuệ của người Kẻ Chợ - Kinh kỳ. Và, không chỉ đạt được đỉnh cao về khí nhạc, thanh nhạc, nghệ thuật múa..., ca vũ cung đình Thăng Long còn thể hiện tâm thức của các vương triều phong kiến định đô trên mảnh đất này: "Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc". Do vậy, cùng với việc nghiên cứu, lưu giữ, phục dựng ca vũ cung đình Thăng Long thì khơi nguồn cảm hứng từ nhạc lễ, nhạc cung đình, các điệu múa xưa cho âm nhạc và nghệ thuật múa đương đại có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa Thăng Long.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ca vũ cung đình mang tâm thức người Thăng Long