Bát Tràng: Đi lên từ bùn đất

Bài và ảnh: Thanh Nhàn| 31/01/2019 13:47

(NSHN) - Cách trung tâm Thủ đô hơn mười cây số, làng Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội) chìm sâu vào giấc ngủ tĩnh mịch ngày nào giờ đã là một miền quê phát triển về du lịch.

(NSHN) - Cách trung tâm Thủ đô hơn mười cây số, làng Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội) chìm sâu vào giấc ngủ tĩnh mịch ngày nào giờ đã là một miền quê phát triển về du lịch. Mảnh đất ven sông Hồng này đã trải qua bao biến cố thăng trầm, giờ đây vẫn còn in dấu ấn của hàng trăm năm lịch sử.

Ông Vương Quý Hiển (xóm 1, làng Bát Tràng) làm công việc dẫn tour cho khách du lịch đến thăm làng đã nhiều năm. Ông nói, lịch sử của làng này có nhiều điều lý thú mà không nơi nào có được.

Xa xưa, từ một vùng hoang sơ gồm 72 gò đất, dòng họ Nguyễn Ninh Tràng có nghề đóng gạch lâu đời ở Thanh Hóa đã đến nơi đây khai thiên lập địa. Gần 100 năm sau, các dòng họ Vương, Lê, Phạm, Nguyễn, Trần mang theo nghề gốm từ trong Bồ Bát, Bồ Xuyên (thuộc Yên Mô, Ninh Bình) hợp với dòng họ Nguyễn đến trước, tạo nên phường nghề. Từ đó, sản xuất gốm bắt đầu phát triển tới 23 dòng họ, làm nên thương hiệu Bát Tràng ngày nay.

Kể từ khi được biết đến với cái tên Bạch Thổ phường, ngôi làng này không chỉ nổi tiếng gần xa với nghề làm gốm lâu đời, mà hơn hết, đây còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể, mang đậm truyền thống văn hóa của Hà Nội cũng như cả dân tộc.

Cổng kín, tường cao, đường nhỏ và ngõ hẹp là những đặc trưng tiêu biểu của làng cổ Bát Tràng.


Đối lập với không khí sầm uất, nhộn nhịp của khu chợ gốm bên ngoài, làng cổ Bát Tràng yên ả, tĩnh mịch và trầm tư. Những con đường làng chạy quanh co chỉ rộng chừng nửa mét, nền và hai bên tường đều lát gạch, thứ gạch Bát Tràng từng đi vào thơ ca:

Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng, xung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây

Lạc vào những con ngõ ấy, người ta không còn biết mình sẽ đi đâu, cứ lang thang đi vào mãi sâu rồi cuối cùng lại trở về điểm xuất phát, tạo thành thứ cảm giác vô cùng lạ lẫm, giống như đang sải bước vào mê cung bí hiểm. Lối đi được lát gạch theo kiến trúc hình mai rùa, cong và dốc ở hai bên. Hai bên tường gạch đen xỉn do dân làng từ xưa đã có truyền thống phơi than trên tường, vừa để than mau khô, vừa để có lối đi lại. Khi mùa xuân đến, tường phủ một màu xanh rêu, giống như những tấm thảm nhung ôm trọn lấy từng ngôi nhà ở đây.

Một số ngôi nhà bị vùi sâu xuống lòng đất do người dân nâng cấp lại đường sá để thích nghi với cuộc sống.


Đến với Bát Tràng, khách vãng lai như có cơ hội ngược dòng thời gian về quá khứ, chứng kiến cuộc sống sinh hoạt và tinh thần phong phú của cha ông. Từng góc sân, con ngõ ở đây đều mang nét đặc trưng riêng biệt của làng quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Men theo những cung đường nhỏ hẹp, không khó để bắt gặp nhiều dấu tích xưa gồm đình, chùa, văn chỉ, 19 ngôi nhà thờ của dòng tộc nằm lặng lẽ, chứng kiến bao thế hệ đi lên. Văn chỉ làng Bát Tràng là văn chỉ duy nhất có “nóc” (có Trạng Nguyên).

Thư tịch Bát Tràng chép rằng, làng có 364 người đỗ từ Tam trường trở lên (tương đương với Tú tài), trong đó có 1 Trạng Nguyên, 8 Tiễn sĩ, 3 Quận công và 9 Cử nhân. Đứng đầu trong số đó là ông Hà Giáp Hải (đỗ Trạng Nguyên thời Mạc Mậu Hợp khi mới 23 tuổi). Bên trong văn chỉ đặt một tấm bia trắng, không khắc tên, ngụ ý để con cháu đời sau có thể tự soi ngẫm mình, để học và phấn đấu mãi.

Vệt hoa văn trên bức tường cổ còn sót lại từ hàng trăm năm trước.


Gần mé sông Hồng là nơi đình Bát Tràng ngự trị. Tồn tại hàng trăm năm rồi bị Pháp, Mỹ ném bom, cộng thêm ảnh hưởng của dòng chảy sông Hồng nên đình làng sụp dần rồi không trụ được nữa nhưng nền đình cổ vẫn còn. Dân làng đã trùng tu lại đình đúng với kiến trúc cũ. Đình quay mặt về hướng Tây, ở giữa là ban thờ cộng đồng. Phía sau đình là Hậu cung, thờ lục vị Thành Hoàng. Hai bên vách tả, vách hữu là nơi đặt 23 bát hương, tượng trưng cho 23 dòng họ đã làm nên thương hiệu cho Bát Tràng cổ.

Đình làng Bát Tràng nằm bên bờ sông Hồng.


Trong khi ở nhiều nơi, nhiều người đang tìm cách thoát khỏi bùn đất thì những người dân làng Bát Tràng lại nguyện sống chung với nó trọn đời. Đất đối với họ không chỉ là nơi để sống, để xây nhà dựng cửa, mà còn là nơi để con cháu tự hào tiếp bước, giữ gìn truyền thống, làm giàu cho quê hương đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bát Tràng: Đi lên từ bùn đất