Quý I, tổng sản phẩm của Hà Nội tăng hơn 7%

Hương Thủy| 29/03/2017 08:54

Ngày 29-3, Cục Thống kê Hà Nội Hà Nội cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội trong quý I-2017 tăng 7,06% so cùng kỳ năm trước.

(NSHN) - Ngày 29-3, Cục Thống kê Hà Nội Hà Nội cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội trong quý I-2017 tăng 7,06% so cùng kỳ năm trước.


Trong đó, giá trị tăng thêm ngành nông lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 0,54% so cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,02% mức tăng chung. Trong 3 tháng đầu năm, nhìn chung, năng suất của hầu hết các loại cây trồng vụ Đông đều tăng so cùng kỳ, nhưng do diện tích gieo trồng giảm 8,8%, trong đó, cây trồng chính vụ Đông là đậu tương giảm 34,8% nên sản lượng vụ Đông giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Tình hình chăn nuôi phát triển mạnh, nhất là các trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm. Tuy nhiên, do đầu tư tăng nhanh trong khi thị trường đầu ra chưa ổn định nên sản phẩm thịt hơi xuất chuồng bị rớt giá, người chăn nuôi bị ảnh hưởng, nhất là những hộ mới đầu tư chăn nuôi lợn.

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp-xây dựng tăng 6,99% so cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,7% vào mức tăng chung. Trong đó, riêng khối công nghiệp tăng 6,2%, đóng góp 1,28% vào tốc độ tăng chung... Sản xuất công nghiệp tăng so cùng kỳ nhưng mức tăng không cao. Các doanh nghiệp xây dựng vẫn giữ được đà phát triển, nhiều dự án phát triển hạ tầng được tập trung thi công, đặc biệt những dự án phát triển hạ tầng, phát triển đô thị đã được chủ đầu tư và các nhà thầu tập trung triển khai thi công ngay từ những ngày đầu năm.

Giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ tăng 7,26% so cùng kỳ năm trước, đóng góp 4,51% vào mức tăng chung. Một số ngành giữ được mức tăng trưởng ổn định như: ngành bán buôn, bán lẻ; sữa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (tăng 7,55%). “Đây là dấu hiệu tốt của khu vực dịch vụ, vì ngành thương mại chiếm tỷ trọng khá lớn trong khu vực này, đóng góp 1,47%”, Cục Thống kê Hà Nội nhận định.

Ngoài ra, ngành vận tải kho bãi tăng 7,79%; thông tin và truyền thông tăng 7,68%; các ngành dịch vụ còn lại đều tăng trưởng từ 5,6% trở lên.

Về sản xuất công nghiệp, nhìn chung, sản xuất công nghiệp trong quý I có mức tăng trưởng nhưng không cao so với cùng kỳ. Một số công ty khai khoáng giảm mạnh do chủ trương hạn chế khai thác tài nguyên gây ảnh hưởng đến môi trường và an ninh đê điều, dòng chảy của sông.

Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng không cao do một số ngành chiếm tỷ trọng lớn sản xuất tăng trưởng thấp như: sản xuất chế biến thực phẩm, chiếm tỷ trọng 4,3%, tăng 3,7% so cùng kỳ; sản xuất điện tử, máy tính và sản phẩm quang học, chiếm tỷ trọng 12,4%, tăng 4,1%; sản xuất xe có động cơ, chiếm tỷ trọng 4,8%, giảm 4,6%; sản xuất đồ uống, chiếm tỷ trọng 5%, tăng 0,8%... do xuất phát điểm của giai đoạn nền kinh tế phục hồi. 


Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I tăng 5,8% so cùng kỳ, trong đó công nghiệp khai khoáng giảm 63,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,2%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 7,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1%.

Ước tính 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.385 triệu USD, tăng 2,1% so cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu địa phương đạt 1.978 triệu USD, tăng 2,8%. Một số nhóm hàng xuất khẩu tăng cao so cùng kỳ là xăng dầu, tăng 20,7%; máy móc thiết bị phụ tùng, tăng 14,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng, tăng 24%...


Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 6.353 triệu USD, tăng 16,5% so cùng kỳ; trong đó, nhập khẩu địa phương đạt 2.764 triệu USD, tăng 12,7%. Trong quý, hầu hết các mặt hàng đều có kim ngạch nhập khẩu tăng, một số mặt hàng tăng mạnh so cùng kỳ là xăng dầu, tăng 20%; sắt thép tăng 17%...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quý I, tổng sản phẩm của Hà Nội tăng hơn 7%