Hà Nội: Sản xuất công nghiệp tháng 1 giảm mạnh

Hương Thủy| 24/01/2017 15:14

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 1 giảm 13,5% so với tháng trước do tháng 1 năm nay rơi vào dịp Tết Nguyên đán.

(NSHN) - Tháng 1 năm nay rơi vào dịp Tết Nguyên đán nên sản xuất công nghiệp cũng đã ít nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố thời gian nghỉ Tết và chu kỳ sản xuất sản phẩm cũng như tích lũy sản phẩm đáp ứng phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Vì vậy, sản xuất công nghiệp tháng 1/2017 vẫn giữ nhịp ổn định tăng trưởng nhưng giảm hơn mức tăng trưởng của các tháng trước so với cùng kỳ.


Số liệu được Cục Thống kê Hà Nội công bố ngày 24/1 cho biết, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 1 giảm 13,5% so tháng trước, do kết thúc chu kỳ sản xuất hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán và thời gian nghỉ Tết cổ truyền, tăng 4,3% so cùng kỳ năm trước.

Trong đó, công nghiệp khai khoáng đạt 50,7% so tháng trước và đạt 13% so cùng kỳ. Ngành khai khoáng trên địa bàn thành phố Hà Nội chiếm tỷ trọng không đáng kể, chủ yếu ở hoạt động khai thác cát, đá, sỏi và đá núi, do chủ trương cấm triệt để việc khai thác cát đá sỏi trên sông ảnh hưởng đến dòng chảy và an toàn hệ thống đê điều, cùng với việc ngừng cấp phép khai thác một số mỏ đá núi và đóng cửa một số mỏ đá núi đã thu hẹp phạm vi và ảnh hưởng đến hoạt động. Đây là những yếu tố chính tác động khiến ngành khai thác sụt giảm mạnh.

Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 13,7% và tăng 4,8%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước giảm 0,2% và tăng 1,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác - nước thải giảm 10,3% và giảm 3,5%.

Chỉ số sản xuất của những ngành công nghiệp chủ lực (chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) giảm so với tháng trước do ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng so với tháng 1 cùng kỳ năm 2016. Một số ngành sản xuất có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung như: Sản xuất trang phục, tăng 7,7%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 16,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 23,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 4,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 12,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 8,7%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 19%... Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm sút do yếu tố thời gian nghỉ Tết Nguyên đán tác động như dệt giảm 18,3%; sản xuất kim loại giảm 10,5%; sản xuất xe có động cơ giảm 12,3%;...

Tín dụng tăng 0,5%


Về thương mại dịch vụ, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 1 đạt 188.017 tỷ đồng, tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 9,3% so cùng kỳ; trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 44.386 tỷ đồng, tăng 7,3% và 11,6%.

Cũng trong tháng 1, trị giá xuất khẩu đạt 861 triệu USD, giảm 7,2% so với tháng trước và tăng 3,6% so cùng kỳ năm 2016; trong đó, xuất khẩu địa phương ước đạt 717 triệu USD, giảm 6,7% so với tháng trước và tăng 0,3% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, trị giá nhập khẩu đạt 1.754 triệu USD, giảm 27,4% so tháng trước, giảm 0,9% so cùng kỳ.

Tổng nguồn vốn huy động tháng 1 ước đạt 1.650 nghìn tỷ đồng, tăng 0,3% so tháng 12/2016. Trong đó, tiền gửi đạt 1.531 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% (tiền gửi tiết kiệm tăng 0,4%, tiền gửi thanh toán tăng 0,1%); phát hành giấy tờ có giá đạt 119 nghìn tỷ, tăng 1,2%.

Tổng dư nợ cho vay ước đạt 1.470 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so tháng 12/2016.Trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 827 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4%; dư nợ trung và dài hạn đạt 643 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6%. Trong tổng dư nợ cho vay, dư nợ bằng VND chiếm 91,4%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Sản xuất công nghiệp tháng 1 giảm mạnh