Xây dựng vùng nông nghiệp đa canh, hiệu quả cao

Hà Nội 360 - Ngày đăng : 08:20, 29/11/2019

(HNM) - Đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất…, huyện Thường Tín đã tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp tập trung, chất lượng cao… Đến nay, Thường Tín đã trở thành vùng nông nghiệp đa canh, hiệu quả cao của Hà Nội.

Trên vùng đất trũng thường xuyên bị ngập úng, ông Nguyễn Văn Sang, xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín) đã mạnh dạn vay vốn, thuê đất xây dựng mô hình vườn ao chuồng. Ông Sang chia sẻ: "Năm 2007 tôi bắt đầu phát triển mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi gà, vịt... trên diện tích 2ha. Đến nay tôi đã mở rộng lên 6ha với hơn 3.000 cây nhãn đã cho thu hoạch, 6.000 cây quất cảnh, 4 vạn cây giống các loại và hơn 1.000 con gà thả vườn… Trung bình mỗi năm trang trại của gia đình tôi thu về hơn 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động, với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng và hơn 30 lao động thời vụ".

Tìm hướng đi phù hợp với đồng đất, nông dân vùng bãi xã Tân Minh, Thư Phú lựa chọn cây rau để phát triển. Bà Văn Thị Hương, thôn Vĩnh Lộc (xã Thư Phú) cho biết, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình bà đã đầu tư trồng rau an toàn. Với hơn 5 sào rau cải và cần tây, trừ chi phí, mỗi tháng cho thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng. Hiện nay, chỉ tính riêng thôn Vĩnh Lộc đã có 100ha đất bãi chuyên trồng rau an toàn. Với thu nhập trung bình từ 200 đến 300 triệu đồng/ha/năm, đời sống người dân nơi đây đang thay đổi từng ngày.

Với nhiều nỗ lực, xã Tân Minh cũng đã hình thành được vùng rau an toàn lớn của thành phố. Theo Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Minh Nguyễn Mạnh Thắng, toàn xã có gần 2.000 hộ dân tham gia sản xuất rau trên diện tích hơn 100ha. Vùng rau Tân Minh đã được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp chứng chỉ đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Trung bình mỗi năm, xã Tân Minh cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố 350-400 tấn rau các loại.

Không chỉ Tân Minh, Thư Phú, Tự Nhiên, nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp đã được triển khai ở hầu hết các xã có điều kiện phù hợp. Để tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Thường Tín đã triển khai dồn điền đổi thửa được 4.546,2/4.302,19ha (đạt 105,67% kế hoạch thành phố giao).

Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Thường Tín tích cực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thúc đẩy giao thương. Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết, những năm gần đây, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ; đồng thời triển khai nhiều giải pháp bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường. Bên cạnh công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, huyện Thường Tín đặc biệt chú trọng quy hoạch vùng sản xuất tại từng địa phương phù hợp yêu cầu phát triển...

Từ những cách làm bài bản, khoa học, nông nghiệp Thường Tín đã có bước chuyển vững chắc. Huyện đã xây dựng được vùng trồng rau an toàn, rau theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap với diện tích canh tác 355ha; hình thành được vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao 327ha; phát triển vùng nuôi trồng thủy sản với diện tích hơn 1.000ha và hình thành vùng lúa hàng hóa chuyên canh tập trung quy mô 100-200ha… Thu nhập bình quân đạt hơn 47 triệu đồng/người/năm.

Ngoài việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Thường Tín còn hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình, hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Đến nay, trên địa bàn huyện có 14 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 5 chuỗi liên kết cung cấp thực phẩm nông sản an toàn.

Đỗ Minh