Cung Thiếu nhi Hà Nội – Ngôi nhà của tuổi thơ

Xưa và nay - Ngày đăng : 12:39, 31/05/2019

(NSHN) - Được xem là ngôi nhà chung của hàng nghìn thiếu nhi Thủ đô, Cung thiếu nhi Hà Nội là địa điểm lưu dấu tuổi thơ của nhiều thế hệ.

(NSHN) - Được xem là ngôi nhà chung của hàng nghìn thiếu nhi Thủ đô, Cung thiếu nhi Hà Nội là địa điểm lưu dấu tuổi thơ của nhiều thế hệ.

Tọa lạc ở khu vực đắc địa nhất Hà Nội, cách hồ Hoàn Kiếm hơn 100m, gần khu vực vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ, Cung Thiếu nhi Hà Nội là cái nôi đào tạo nên rất nhiều nhân tài của Thủ đô.

Ảnh LÝ THẮNG


Hiện Cung Thiếu nhi Hà Nội gồm 3 cụm công trình: Tòa nhà 5 tầng, rạp Khăn quàng đỏ và khu nhà Pháp cổ. Đây là một trong những điểm hiếm hoi có sân chơi rộng, rèn luyện, giáo dục, phát triển kỹ năng cho trẻ giữa trung tâm thành phố, lại rất thuận tiện về mặt giao thông cho phụ huynh và học sinh tiếp cận.

Tòa nhà Cung Thiếu nhi Hà Nội


Mỗi năm, khoảng 2 vạn lượt thiếu nhi đến tham gia sinh hoạt tại hơn 50 bộ môn ở 5 khoa, phòng, với 400 cộng tác viên ở các lĩnh vực: Thể dục thể thao, Nghệ thuật, Mỹ thuật, Khoa học kỹ thuật.

Nhà tròn trong khu nhà Pháp thuộc Cung Thiếu nhi Hà Nội. Ảnh HẢI BẰNG


Cung còn có khu vui chơi thu hút 100.000 lượt thiếu nhi hằng năm và Rạp Khăn quàng đỏ với 500 chỗ ngồi, là nơi tổ chức chiếu phim, biểu diễn văn nghệ cho các em.

Đặc biệt vào dịp hè, Cung Thiếu nhi Hà Nội là một trong những địa điểm “hot”, thu hút đông đảo thanh thiếu nhi đến tham gia học tập, vui chơi, giải trí.

Lần giở lại lịch sử, vào đầu thế kỷ XX, người Pháp đã quy hoạch khu vực này dành cho thiếu nhi. Họ đã xây một tòa nhà có kiến trúc Pháp, cao hai tầng, bao quanh là sân vườn, có tổng diện tích hơn 1.200 m2 mang tên “Ấu Trĩ Viên” (Vườn trẻ) để làm nơi vui chơi, giải trí riêng của thiếu nhi Pháp tại Hà Nội khi đó.

Ấu Trĩ Viên - Ảnh TƯ LIỆU


Từ ngày tiếp quản Thủ đô (1954) đến nay, khu nhà Pháp vẫn được sử dụng làm điểm sinh hoạt văn hóa, giáo dục của nhiều thế hệ thanh, thiếu niên, nhi đồng Hà Nội.

Bên cạnh những giá trị văn hóa, quần thể này còn là công trình mang ý nghĩa lịch sử, ghi dấu sự kiện Bác Hồ và Chính phủ Việt Nam ký Hiệp định sơ bộ với Chính phủ Pháp (ngày 6-3-1946).

Suốt những thập niên 60 đến 90 của thế kỷ trước và cho đến bây giờ, Cung Thiếu nhi Hà Nội đã ghi dấu kỷ niệm của biết bao lớp trẻ từng đến đây học vẽ, học hát, học múa...; đã trưởng thành và thành danh từ vườn ươm này.


Chị Phạm Sao Mai, thuộc thế hệ 7X từng sinh hoạt tại đội múa ở Cung tâm sự: “Với tôi, những năm tháng sinh hoạt ở Cung Thiếu nhi là quãng thời gian tuyệt vời nhất trong ký ức tuổi thơ. Ở đó có những người thầy mà chúng tôi trìu mến gọi bằng bố, bằng mẹ. Sự tâm huyết và tình yêu trẻ của những nhà sư phạm ngoài trường học ấy đã đem đến cho lũ nhóc chúng tôi niềm đam mê, những ước mơ, rèn luyện cho chúng tôi tính tự lập, hòa đồng và quan trọng nhất là một tâm hồn đẹp, một đạo đức tốt.

Thời gian thấm thoắt trôi. Những anh chị phụ trách tóc đã nhuốm bạc vẫn miệt mài gắn bó với Cung thiếu nhi. Một số người thầy đã không còn... Và chúng tôi, từ tổ ấm thân thương - Cung thiếu nhi Hà Nội - đã trưởng thành, “tung cánh” bay khắp bốn phương, làm nhiều công việc khác nhau, giữ nhiều trọng trách khác nhau, nhưng có một điều chắc chắn rằng ở giữa miền ký ức về một thời đã qua, luôn có một nơi đẹp nhất, lưu giữ biết bao kỷ niệm lấp lánh niềm vui, hạnh phúc của những cô bé, cậu bé từng là đội viên của Cung thiếu nhi Hà Nội”.

Ảnh PHẠM LỢI


Hy vọng rằng, Cung thiếu nhi Hà Nội sẽ mãi mãi là địa chỉ thân thương của thiếu nhi Thủ đô.  

Thu Hằng